Đường đua khó khăn…
Khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan khắp thế giới vào đầu năm 2020, hãng Pfizer đã tập hợp các nhà khoa học và hóa học “cứng cựa” để tìm ra phương thuốc tiềm năng nhằm chống lại COVID-19.
Ngoài vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép tháng 12/2020, “gã khổng lồ” dược phẩm của Mỹ còn tham vọng sản xuất được một loại thuốc có thể ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh - tương tự như cách tamiflu được sử dụng để chống lại bệnh cúm. Các nhà khoa học đã ngày đêm tìm kiếm các hợp chất, cuối cùng đã nhanh chóng xác định được một ứng cử viên cho thuốc điều trị COVID-19 đầy triển vọng… Nhưng hơn một năm sau, Pfizer vẫn chưa bắt tay vào thử nghiệm quy mô lớn trên người đối với phương pháp điều trị COVID-19 qua đường uống, mà họ chỉ đang hi vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm vào tháng 7 tới.
Hãng Pfizer và các đối thủ như “ông lớn” Merck có trụ sở tại Mỹ và Công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche Holding AG đang cùng chạy đua để sản xuất và cung cấp ra thị trường viên thuốc kháng virus SARS-CoV-2 đầu tiên, để người bệnh có thể uống khi có dấu hiệu sớm của bệnh. Mục tiêu chung của các hãng là với viên thuốc này sẽ giúp những người mới bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tránh bị bệnh nặng và phải nhập viện.
Nếu như vaccine, chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, thì thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển thuốc điều trị COVID-19 (ảnh minh họa).
Ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết: Việc thử nghiệm thuốc kháng virus cũng rất khó khăn. Một loại thuốc cần được sớm đưa vào điều trị trong quá trình nhiễm bệnh, có nghĩa là phải tìm những người tham gia thử nghiệm mới nhiễm COVID-19. Nhiều người mới bị nhiễm virus chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ, nhưng các nghiên cứu lại cần chứng minh rằng một loại thuốc có tác động đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân.
Các hãng dược cho biết, quá trình phát triển thuốc điều trị COVID-19 đã nhanh hơn nhiều so với quy trình vài năm mà các công ty thường cần để sản xuất một loại thuốc có thể dùng dưới dạng viên uống.
Quá trình “săn tìm” nghiêm ngặt
Trong khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới hiện đang giảm ở một số quốc gia, thì ở những quốc gia khác vẫn tiếp tục vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của virus. Với nguồn cung còn thiếu hụt, nhiều quốc gia sẽ không có vaccine để tiêm chủng trong vài năm tới. Vì thế, việc tìm ra loại thuốc viên uống điều trị bệnh này là một vấn đề cấp bách.
Các hãng dược trên đường đua tìm kiếm thuốc cho rằng, các ứng cử viên thuốc kháng virus đường uống của họ có thể có hiệu quả chống lại một loạt các biến thể virus SARS-CoV-2, nhưng chưa có dữ liệu liên quan nào được công khai.
Hiện nay, đối với những bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện, việc điều trị thường bao gồm thuốc steroid hoặc thuốc chống viêm… để kiểm soát các triệu chứng của nhiễm trùng, nhưng những loại thuốc này không nhắm vào chính virus. Thuốc kháng virus duy nhất được chấp thuận ở Mỹ để điều trị COVID-19 là remdesivir của Công ty công nghệ sinh học Gilead, được truyền qua đường tĩnh mạch và chỉ được sử dụng cho bệnh nhân nhập viện.
TS.Gilead hiện đang thử nghiệm một dạng remdesivir hít và đang khám phá các hợp chất khác để có thể bào chế thuốc uống hiệu quả.
Và những trở ngại
Bà Charlotte Allerton, trưởng bộ phận bào chế thuốc của Pfizer, cho biết: Từ tháng 1/2020, chúng tôi nhanh chóng nghiên cứu một hợp chất từ năm 2003, khi công ty tìm kiếm phương pháp điều trị cho đại dịch SARS toàn cầu đầu tiên.
Bà Charlotte - Trưởng bộ phận bào chế thuốc của Pfizer.
Hợp chất này là một nhóm chất ức chế protease, được thiết kế để ngăn chặn một loại enzyme quan trọng, cần thiết cho khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2. Các loại thuốc tương tự được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm virus khác như HIV, viêm gan C. Cả hai loại thuốc này điều trị đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc kháng virus khác.
Nhưng các nhà khoa học của Pfizer đã sớm gặp phải một trở ngại. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên động vật cho thấy, thuốc đã hoạt động chống lại SARS-CoV-2, nhưng nồng độ không đủ mạnh để chống lại virus này ở người. Theo bà Allerton, tháng 3/2020, các nhà khoa học của Pfizer cũng bắt đầu chế tạo một hợp chất mới có thể hấp thụ qua dạ dày.
Thuốc kháng virus phát triển phức tạp hơn vaccine vì chúng phải nhắm mục tiêu vào virus sau khi nó đã nhân lên bên trong tế bào người, mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh, trong khi vaccine ngừa COVID-19 thường “dạy” cho hệ thống miễn dịch của con người nhận biết và tấn công một phần của gai protein đặc trưng cho viruscorona.
Những bước thử nghiệm dè dặt
Các ứng cử viên thuốc điều trị của các hãng dược sử dụng các cơ chế khác nhau để phá vỡ bộ máy nhân bản của virus, nhưng phải đảm bảo vượt qua những thách thức tương tự trong thử nghiệm:
Bảo đảm bệnh nhân nhận được thuốc ngay sau khi nhiễm COVID-19, nhằm điều trị càng sớm càng tốt trong quá trình bị bệnh, khi virus đang phát triển.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao ở một số khu vực, các thử nghiệm phải được thực hiện ở các quốc gia nơi COVID-19 vẫn đang gia tăng.
Tháng 3/2021, Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu trên người ở Mỹ về phương pháp điều trị COVID-19 đường uống. Đây là bước tiếp theo sau một thử nghiệm riêng biệt của công ty về thuốc tiêm tĩnh mạch bắt đầu vào mùa thu năm ngoái.
Dù cuộc đua tìm kiếm vaccine đã có nhiều ứng cử viên về đích, một số vaccine được chứng minh là hiệu quả, nhưng vẫn chưa có viên thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả chống lại COVID-19.