Hà Nội

Những cuộc phẫu thuật 'ngàn cân treo sợi tóc' cứu mẹ con sản phụ khỏi lằn ranh sinh tử

13-12-2023 15:23 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS – Với nỗ lực không biết mệt mỏi, đội ngũ y, bác sĩ của nhiều bệnh viện đã chạy đua cùng thời gian, giành lại sự sống cho những sản phụ trong lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh…

Cứu sống sản phụ thuyên tắc ối, ngưng tim

Ngày 11/12, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đơn vị này đã cấp cứu thành công mẹ con sản phụ trong tình trạng nguy kịch, mạch huyết áp không ổn định và ngừng tim do bị thuyên tắc ối.

Đó là trường hợp sản phụ H.H.H.Ng, 40 tuổi, mang thai lần 3 với tiền căn tăng tiểu cầu nguyên phát và nhập viện khoa Sản bệnh khi chuyển dạ ở tuổi thai gần 39 tuần.

Trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khoẻ và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi các bác sĩ sản khoa vừa mổ bắt bé gái 2,8kg chào đời thì sản phụ đột ngột truỵ mạch, huyết áp không đo được và ngừng tim.

Những cuộc phẫu thuật 'ngàn cân treo sợi tóc' cứu mẹ con sản phụ khỏi lằn ranh sinh tử- Ảnh 1.

Sản phụ bị thuyên tắc ối, ngừng tim được cứu sống ngoạn mục. Ảnh BVCC

Trong tình huống cấp cứu đó, bác sĩ nhận định ngay đây là thuyên tắc ối. ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức cùng các bác sĩ sản khoa vừa hồi sức tim phổi, vừa cố gắng hoàn tất cuộc mổ và cầm máu tử cung do băng huyết sau sinh.

Các bác sĩ quyết định chèn bóng vào tử cung để cầm máu và giữ lại tử cung để sản phụ còn có cơ hội sinh nở sau này.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi và các xét nghiệm sinh hoá huyết học sau đó cho thấy sản phụ có thuyên tắc ối. Sản phụ được chuyển vào đơn vị Hồi sức tim mạch để chăm sóc đặc biệt.

Chia sẻ về ca bệnh, TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối sản – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, thuyên tắc ối là một biến chứng cấp cứu sản khoa hiếm và đặc biệt nghiêm trọng khi dịch ối và các thành phần của nhau thai đi vào tuần hoàn mẹ. Tỉ lệ thuyên tắc ối được ghi nhận trong y văn dao động khoảng 40.000 đến 53.800 thai phụ, nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%.

Rất may, qua khoảng 10 ngày theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện, sản phụ đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, nói chuyện bình thường, đã được xuất viện.

Phối hợp liên viện cứu sống sản phụ băng huyết nguy kịch sau sinh

Đầu tháng 10/2023, sản phụ sinh T.U.B (ngụ tại Bạc Liêu) sinh thường tại bệnh viện địa phương. Giờ thứ 3 sau sinh, sản phụ có biểu hiện băng huyết do đờ tử cung. Các bác sĩ tại đây đã xử trí phẫu thuật cắt tử cung cầm máu cấp cứu, truyền 6 đơn vị máu. Sau đó, sản phụ được chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục điều trị.

Tại đây, sản phụ vẫn còn tình trạng chảy máu diễn tiến, ống dẫn lưu ra máu đỏ tươi và chảy máu thành bụng, rối loạn đông máu. Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ quyết định phẫu thuật cầm máu cho bệnh nhân.

Theo đường mổ cũ vào ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có khoảng 300gr máu tươi và máu cục. Tình trạng chảy máu nhiều vị trí, phức tạp, máu chảy từ mỏm cắt tử cung. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 2 khâu cầm máu mỏm cắt, dẫn lưu ổ bụng. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ 30 phút.

Giờ thứ 7 sau phẫu thuật, tình trạng xuất huyết của sản phụ diễn tiến tiếp tục, huyết áp thấp, mạch nhanh. Kết quả chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang cho thấy có hiện tượng thoát mạch. Sản phụ được can thiệp lần 3 bằng phương pháp nút mạch cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA). Thủ thuật diễn ra thành công sau 40 phút.

BSCKII Nguyễn Hữu Thời, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Sản phụ được cấp cứu thành công nhờ sự phối hợp liên bệnh viện. Đây là ca có tỷ lệ tử vong cao do sản phụ cao tuổi, sinh nhiều lần, mất máu nhiều.

Quá trình cấp cứu, hồi sức và phẫu thuật, sản phụ đã được truyền 20 đơn vị máu và chế phẩm của máu với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Kiên Giang và Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ.

Cứu ngoạn mục mẹ con sản phụ vỡ tử cung, ngưng tim trên đường đến bệnh viện

Những cuộc phẫu thuật 'ngàn cân treo sợi tóc' cứu mẹ con sản phụ khỏi lằn ranh sinh tử- Ảnh 2.

Các bác sĩ phẫu thuật cứu sống sản phụ. Ảnh BVCC

Sáng 23/6/2023, chị Q (Bình Dương) đang mang thai được 33 tuần 5 ngày bất ngờ bị đau bụng dữ dội, đau liên tục càng lúc càng tăng, cơn đau làm bệnh nhân không thở được. Sau 15 phút, người nhà gọi xe đưa bênh nhân chạy thẳng đến bệnh viện. Trên đường đi bệnh nhân ngất xỉu không còn khả năng nhận biết xung quanh.

Tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mạch huyết áp không đo được (M=0, HA = 0), bụng chướng căng khó xác định thai nhi. Bác sĩ nhanh chóng xác định đây là một trường hợp vỡ tử cung, sốc mất máu nguy kịch đến tính mạng, khoa cấp cứu lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện huy động toàn bộ lực lượng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ.

Bệnh nhân lập tức được tiến hành hồi sức tích cực bằng nhấn tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, đặt nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch và chuyển lên phòng mổ.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện có khoảng 3000ml máu loãng và máu cục. Bác sĩ tiến hành rạch cơ tử cung bắt ra 1 bé trai non tháng, không phản xạ, tím tái. Bác sĩ sơ sinh sẵn sàng hồi sức tích cực đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng đưa bé về khoa sơ sinh để cho vào máy thở nhằm tạo cơ hội sống mong manh cho bé.

Sau khi lấy em bé ra bác sĩ kiểm tra thấy nhau xâm lấn ăn thủng tử cung góc trái mặt sau khoảng 3-4cm và có mạch máu đang chảy. Bác sĩ tiến hành gỡ dính, cắt tử cung chừa 2 buồng trứng.

Trong quá trình mổ, hồi sức tích cực, bơm máu liên tục, bệnh nhân có tim trở lại. Cuộc mổ kết thúc sau 2 giờ với tổng cộng lượng máu truyền là 3340ml bao gồm 6 túi hồng cầu lắng 350ml, 4 túi huyết tương tươi đông lạnh 200ml, 4 túi kết tủa lạnh 50ml, 6 túi tiểu cầu gạn tách 40ml.

Trong các cuộc mổ bệnh nhân bị hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mất máu khối lượng lớn đối diện nguy cơ tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, rối loạn đông cầm máu, tổn thương phổi, quá tải tuần hoàn, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, sốt tán huyết, nhiễm khuẩn…..

Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc đại phẫu, bệnh nhân đã có sự hồi phục ngoạn mục. Sau 3 ngày, bệnh nhân đã có thể tự đi lại vệ sinh cá nhân, ăn uống được. Vết mổ dọc giữa bụng đã khô hoàn toàn không có dấu hiệu rỉ dịch hay sưng đỏ. Các kết quả siêu âm và xét nghiệm máu sau mổ cho thấy tình trạng sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.

Những kết quả đáng mừng trên là minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ các y, bác sĩ trong việc chạy đua cùng thời gian, giành lại sự sống cho những sản phụ trong lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết đang vô cùng mong manh…


Anh Khôi (th)
Ý kiến của bạn