Hà Nội

Những cuộc chiến âm thầm

10-03-2017 08:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Có những ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết mà chỉ có lương tâm của người thầy thuốc mới có thể biết thấu họ đã nỗ lực chiến đấu giành giật với tử thần mang lại sự sống cho người bệnh đến nhường nào.

Có những ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết mà chỉ có lương tâm của người thầy thuốc mới có thể biết thấu họ đã nỗ lực chiến đấu giành giật với tử thần mang lại sự sống cho người bệnh đến nhường nào. Có những lúc “cuộc chiến đấu” cam go và đầy áp lực khiến người thầy thuốc tưởng chừng bó tay, bất lực. Có lúc “cuộc chiến đấu” thầm lặng mang lại những kết quả tốt đẹp... Và hơn ai hết, những thầy thuốc ngoại khoa luôn phải “chiến đấu” và đối mặt với những giờ phút cam go ấy...

Suýt mất cả người bệnh và... vợ

Cách đây 5 năm, hồi đó anh còn làm tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, anh mổ cấp cứu một bệnh nhân bị vỡ gốc động mạch chủ do phình gốc động mạch chủ. Bệnh nhân (BN) Khải làm công việc chiếu phim cho nhân dân các dân tộc miền núi. BN đã vỡ động mạch chủ từ trên Sơn La nhưng rất may mắn là được màng tim và máu cục bịt lại nên không tử vong và kịp chuyển xuống Hà Nội. Khi đến BV Bạch Mai phải cấp cứu ngừng tim một lần nữa do máu cục màng tim gây ép tim nên BN phải mổ cấp cứu. 8h sáng, khi chuẩn bị bước vào phòng mổ, anh biết tin vợ anh bị dị ứng thức ăn nhưng uống thuốc đã đỡ. Ca mổ tiến hành khá khó khăn vì chỗ động mạch chủ bị vỡ dính nhiều. Khi mổ ra, thương tổn liên quan đến gốc động mạch chủ và van động mạch chủ; phương pháp thông thường hay được tiến hành là thay cả gốc và van động mạch chủ, dựng lại 2 động mạch vành (phẫu thuật Bentall) nhưng vì thấy BN ở vùng sâu, vùng xa, khả năng đi lại khó khăn nên anh quyết định làm phẫu thuật Tironde David là phẫu thuật sẽ chỉ thay gốc động mạch chủ mà vẫn giữ lại van động mạch chủ (phẫu thuật Tirone David là một phẫu thuật rất hiệu quả nhưng phức tạp, hiện tại có rất ít bệnh nhân ở Việt Nam được làm phẫu thuật này - PV). Sau khi mổ xong, do BN làm phẫu thuật lớn lại trong điều kiện cấp cứu nên chảy máu nhiều (phải truyền khoảng 2 lít máu) nên đến 2h30 sáng (ngày hôm sau - PV) mới chuyển về phòng hồi sức. Lúc đó, anh nhận được tin nhắn của vợ (vì không gọi điện thoại được): “Em mệt lắm, anh về ngay đi”. Anh cầm một số thuốc điều trị cấp cứu thông thường vội vàng ra về nhưng khi bước đến cửa phòng hồi sức thì linh cảm mách bảo, anh quay lại lấy adrenalin là thuốc hồi sức ngừng tim, ngừng tuần hoàn để đề phòng. Về đến nhà (khoảng 3h sáng), toàn thân vợ anh dị ứng đỏ như tôm luộc và rất khó thở. Anh lấy ven làm đường truyền mà không được, trong khi đang chuẩn bị khí dung bằng adrenalin để chị đỡ khó thở thì thấy chị đã đột ngột ngừng tuần hoàn, người trắng toát như tờ giấy. Ngay lập tức, anh phải tiêm adrenalin và tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR) ép  tim và hô hấp nhân tạo miệng. Hơn 1 phút thì vợ anh tỉnh dậy, lúc đó anh mới định thần nhìn xung quanh thấy các con đang la khóc vì: “Thấy bố hét to, bọn con sợ, bọn con tưởng mẹ chết rồi”.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị phồng  động mạch nguy hiểm.

Vợ anh những ngày sau phải điều trị tích cực bằng thuốc tiêm (metylprednisolone), rất may mắn mới qua khỏi và từ đó luôn có adrenalin bên mình. BN Khải ra viện sức khỏe vẫn tốt với van động mạch chủ hoàn toàn bình thường. BN hiện đang công tác trên Sơn La, thỉnh thoảng vẫn điện thoại hỏi thăm anh. Mỗi lần nghĩ lại, anh... thấy sợ. Nếu như hôm đó BN vẫn không cầm được máu... anh chắc vẫn quyết tâm ở lại phòng mổ đến cùng để cứu BN... trong khi vợ anh ở nhà... Có lẽ ông trời đã không phụ tấm lòng người thầy thuốc!

Phẫu thuật một bệnh nhân trong gần 24 giờ

Ca phẫu thuật này xảy ra cách đây khoảng 5 năm, cũng trên một bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ cấp tính. Ca mổ do anh là phẫu thuật viên chính, bắt đầu từ trưa hôm trước và kết thúc vào sáng hôm sau. BN bị lóc tách động mạch chủ phải mổ cấp cứu nên BV cũng không chuẩn bị được đầy đủ như ca mổ phiên. Ca mổ cũng phải tiến hành hạ nhiệt độ sâu và ngừng tuần hoàn để thay một phần động mạch chủ ngực. Sau mổ, BN bị rối loạn đông máu nặng (hậu quả của việc hạ nhiệt độ sâu) và nhóm phẫu thuật đã làm mọi biện pháp nhưng không thể cầm máu được. Đã phải thay 2 nhóm bác sĩ phụ mổ nhưng phẫu thuật viên chính thì không thay thế được (không ăn uống và không ra ngoài), đứng liền 18 tiếng trong phòng mổ để cầm máu cho bệnh nhân. Lúc đó, ý nghĩ duy nhất trong anh là BN chưa chết thì vẫn phải cố gắng cứu bằng mọi giá. Mọi nỗ lực đã được đền đáp: BN cầm máu được và sống. Nhưng hậu quả của 18 tiếng liên tục đứng căng thẳng là hôm sau lưng đau khiến anh không nhấc mình dậy nổi. Nhớ lại khi mổ có người đã cho rằng không thể cứu được BN (vì chảy máu liên tục, BN tụt huyết áp, truyền tổng cộng 10 lít máu), thậm chí ngay cả nhiều người trong kíp mổ cũng nghĩ là anh làm việc trong vô vọng và làm khổ cả kíp mổ (10 người) nhưng cuối cùng thì quyết tâm không bỏ cuộc cũng được đền đáp là cứu được người bệnh.

Quyết tâm phẫu thuật khi bệnh nhân đã định về nhà để chết

Có một lần, anh đi mổ về, khi đi qua hành lang BV thấy có một thanh niên trẻ đang nằm trên cáng đợi người nhà. Cậu thanh niên khoảng 18 tuổi rất đẹp trai nhưng môi tím. Anh đã đi qua rồi nhưng thấy cậu bé cười với anh rất tươi. Anh thấy hơi lạ, gương mặt và nụ cười cậu thanh niên níu bước chân. Lại gần, anh hỏi: “Tại sao em lại nằm đây? Em đợi ai?”. Bằng một giọng Kinh không sõi, cậu trả lời đợi mẹ khiêng về nhà để lần sau chữa tiếp. Lòng trắc ẩn của người thầy thuốc trong anh trỗi dậy, anh tìm gặp người mẹ dân tộc Tày hỏi lý do thì được biết gia đình xin cháu về để chết vì bệnh nặng quá. Xem lại bệnh án và hồ sơ, anh nhận định quả là ca bệnh nặng nhưng vẫn còn cơ hội để mổ nên nói với mẹ của cậu thanh niên là anh có thể mổ và cứu cậu bé (khi trước có lẽ do hai mẹ con là người dân tộc nên không hiểu hết được ý bác sĩ giải thích và nghĩ rằng không mổ được). Anh đã tiến hành làm thủ tục tái nhập viện cho cậu thanh niên tên Vi Văn Nam ở Lạng Sơn ấy. Nam đẹp trai, đáng yêu và rất hay cười nhưng khổ nỗi do bị tứ chứng Fallot thiếu ôxy trầm trọng nên mỗi lần cười nhiều một chút là bị ngất, đi khoảng 10m là bất tỉnh, thậm chí nằm một chỗ cũng ngất...

Ca mổ đã thực hiện rất thành công. BN ra viện khỏe mạnh hoàn toàn, không còn tím môi. Sau 6 tháng, khám lại, BN hoàn toàn bình thường, đã đi làm rẫy được. Đến Tết, Nam cùng mẹ và bác ruột đến nhà biếu anh rất nhiều quít và măng ở Lạng Sơn. Sau đó, mẹ và bác của Nam đề nghị anh nhận Nam làm con vì họ coi anh như sinh ra Nam lần thứ 2 nhưng anh không dám nhận vì nhà nhiều con quá rồi (lúc đó ngoài 2 con đẻ, anh còn có thêm 2 con nuôi nữa). Và cháu bé sau cùng của anh đã được đặt tên là Nam cũng một phần vì lý do đó. Còn Nam - người thanh niên bị bệnh tim thuở nào nay đã là người đàn ông hạnh phúc bên vợ và 2 con.

Mai Linh

(ghi theo lời kể của BS. Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng khoa Ngoại tim mạch, BV ĐKQT Vinmec)

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS


Ý kiến của bạn