Lịch sử y học không diễn ra từ từ. Thay vào đó, nó được tạo thành từ những khoảnh khắc - những thời điểm khi ai đó làm điều gì đó thực sự quan trọng sẽ lay chuyển toàn bộ giới y học. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong quá khứ.
Andreas Vesalius - giải phẫu cơ thể người
Claudius Galenus (hay Galen) là một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của Hy Lạp cổ đại. Vốn là một thầy thuốc và bác sĩ phẫu thuật, những thành tựu của Galen trong y học gần như ngang bằng với Hippocrates. Ông nổi tiếng với những công trình về cơ thể người, chủ yếu thông qua việc phẫu tích trên động vật. Tuy nhiên, thời điểm mà chúng ta đang nói tới là thế kỷ thứ hai, vì vậy Galen có rất nhiều điểm sai lầm.

Andreas Vesalius có những ấn phẩm về giải phẫu quan trọng nhất mọi thời đại.
Danh tiếng của Galen lừng lẫy đến mức những quan điểm của ông gần như không có đối thủ trong nhiều thế kỷ. Mãi đến thế kỷ 16, giáo lý của Galen mới bị thách thức bởi tác phẩm của nhà giải phẫu học Hà Lan Andreas Vesalius. Năm 1543, Véalius viết cuốn On the Fabric of the Human Body chứng minh một cách thuyết phục rằng Galen đã sai ở nhiều điểm về giải phẫu cơ thể người. Hơn nữa, tất cả các quan sát của Vesalius đều dựa trên phẫu tích người do chính ông thực hiện.
May mắn là Vesalius có những mạnh thường quân đầy thế lực (như Hoàng đế Charles V của Đế quốc La Mã) đã đảm bảo cho cuốn sách của ông trở thành một trong những ấn phẩm về giải phẫu quan trọng nhất mọi thời đại. Giống như Pare, Vesalius muốn đảm bảo rằng cuốn sách của mình càng dễ hiểu càng tốt, đó là lý do tại sao cuốn sách chứa đựng hơn 200 hình ảnh minh họa chất lượng cao của các họa sĩ bậc thầy trực tiếp có mặt khi phẫu tích.
Ephraim McDowell - ca mổ cắt khối u buồng trứng đầu tiên
Bác sĩ người Mỹ Ephraim McDowell trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ một hoặc hai ca bệnh đặc biệt, nếu chúng ta tính cả khi ông mổ lấy sỏi bàng quang cho cậu bé 17 tuổi James Polk, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ.
Ngày 13/12/1809, McDowell gặp Jane Todd Crawford, một phụ nữ được bác sĩ địa phương cho là mang thai già tháng. Sau khi thăm khám, ông đã chẩn đoán bệnh nhân có khối u khổng lồ ở buồng trứng. Ông giải thích với bệnh nhân rằng chưa từng có ai cố gắng cắt bỏ một khối u như vậy và rằng hầu hết các bác sĩ sẽ coi thủ thuật này là một việc bất khả thi.
Tuy nhiên, Crawford chẳng có gì để mất vào thời điểm đó, vì vậy cô để cho McDowell tiến hành phẫu thuật. Người phụ nữ này đã phải chịu đựng một ca mổ kéo dài 25 phút mà không gây mê, trong đó bác sĩ đã lấy ra một khối u nặng 10kg. Mặc dù tiên lượng rất bi quan, song bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn trong vòng chưa đầy một tháng và sống thêm được 32 năm nữa. McDowell đã đi vào lịch sử y học với tên gọi “cha đẻ của phẫu thuật cắt khối u buồng trứng “, mặc dù không phải ngay lúc đó vì mãi 8 năm sau ông mới viết về ca mổ này.
Richard Lower - ca truyền máu đầu tiên
Truyền máu là một phần không thể thiếu của y học hiện đại, nhưng đã có một thời phương pháp này bị chế giễu. Rõ ràng máu đã đóng vai trò trong nhiều nghi lễ trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng mãi đến giữa thế kỷ 17 tại London truyền máu mới được nghiên cứu như một cách điều trị y học. Người đứng sau nghiên cứu này là Richard Lower, một bác sĩ Oxford và là thành viên của Hội Hoàng gia mới được thành lập vài năm trước đó.
Năm 1665, Lower thực hiện ca truyền máu thành công đầu tiên trên động vật. Ông đã lấy máu từ một con chó và truyền vào một con chó khác. Tiếp nối thành công ấy, ông chuyển sang người. Năm 1667, một con cừu được dùng để lấy máu, trong khi một người tình nguyện có tên là Arthur Coga trở thành người đầu tiên được truyền máu và đã được trả 20 shilling cho việc làm này.
Coga được truyền khoảng 270- 300ml máu cừu và thủ thuật mang tính bước ngoặt này được công bố trên tạp chí Philosophical Transactions. Tuy nhiên, dư luận không hề để tâm đến sự kiện này. Ngược lại, Lower và Hội Hoàng gia còn bị chế nhạo và bị gọi là những nhà khoa học điên. Một vở kịch mang tên The Virtuoso do Thomas Shadwell là tác giả thậm chí còn châm biếm ca truyền máu cừu cho người này.
Coga bị bệnh tâm thần nhẹ và Lower đã nghĩ sai rằng truyền máu sẽ chữa được bệnh tâm thần cho người này. Khi điều đó không xảy ra, người ta quên luôn ý tưởng đó và phải mất một thế kỷ sau việc truyền máu mới được xem xét nghiêm túc trở lại.
Jean Civiale - phẫu thuật ít xâm lấn đầu tiên
Đi tiểu ra sỏi thận bị xem là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất mà bạn có thể chịu đựng, một số phụ nữ thậm chí còn xếp nó trên cả đau đẻ. Mỗi năm chỉ riêng ở Mỹ có hơn một triệu người phải đối phó với bệnh sỏi thận. Rất may, chúng ta không làm điều đó theo cách cũ nữa. Ngày nay, chúng ta sử dụng một thủ thuật ít xâm lấn được gọi là tán sỏi, trong đó sử dụng những kỹ thuật khác nhau để nghiền nát viên sỏi.
Trước thế kỷ 19, phẫu thuật để điều trị sỏi thận là mổ lấy sỏi, bao gồm rạch ổ bụng và lấy toàn bộ viên sỏi ra. Cách làm này không chỉ cực kỳ đau mà tỷ lệ tử vong rất cao. Nhưng đó là trước thời của bác sĩ người Pháp Jean Civiale với phát minh của mình - phương pháp tán sỏi mà ông sử dụng để thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đầu tiên trên thế giới. Với công cụ này, Civiale có thể nghiền nát viên sỏi trước khi đưa nó ra qua đường niệu đạo.
Civiale, một nhà tiên phong về tiết niệu và là người sáng lập của trung tâm tiết niệu đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Necker ở Paris đã chứng minh rằng phương pháp của ông hiệu quả hơn nhiều so với việc mổ lấy sỏi. Trong khi kỹ thuật truyền thống có tỷ lệ tử vong trên 18% thì tỷ lệ tử vong của tán sỏi chỉ dao động quanh mức 2%.
Ông đã làm điều này thông qua một nghiên cứu phong phú và toàn diện được chứng nhận bởi Viện Hàn lâm khoa học Paris, một kỳ công đáng chú ý của y học thực chứng vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.
George Hayward - ca mổ cắt chi đầu tiên có gây mê
Ngay sau khi William Morton giới thiệu ete gây mê năm 1846 với ống hít “Letheon”, các bác sĩ đã suy nghĩ về những ứng dụng có thể có. Chắc chắn là bản thân khí này đủ mạnh cho những ca mổ nhỏ, nhưng liệu có thể sử dụng cho những trường hợp đại phẫu?
Quá trình phần nào bị chậm trễ do Morton không muốn tiết lộ ete là thành phần chính của ống hít. Các bác sĩ muốn sử dụng thứ thuốc của ông nhưng cũng thận trọng khi sử dụng một loại thuốc chưa được biết rõ trên bệnh nhân của mình do lo ngại về tác dụng phụ. Morton đề nghị cung cấp Letheon miễn phí cho các bệnh viện Boston, nhưng giới bác sĩ vẫn kiên trì quan điểm và yêu cầu được biết công thức sử dụng cho loại ống hít này. Cuối cùng, Morton đành thừa nhận đã sử dụng ether sulfuric.
Bấy giờ khi vấn đề đã được giải quyết, gây mê có thể được sử dụng trong một thủ thuật y học tham vọng hơn nhiều - phẫu thuật cắt bỏ chi. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi BS. George Hayward. Bệnh nhân là một cô hầu gái 21 tuổi tên là Alice Mohan cần phải cắt bỏ chân do bệnh lao. Giống như trước, Morton dùng khí gây mê cho đến khi bệnh nhân ngủ thiếp đi. Hayward kiểm tra phản ứng của cô gái bằng cách dùng một chiếc kim đâm vào Alice. Khi thấy cô không phản ứng, ông nhanh chóng tiến hành ca mổ.
Sau đó, Alice tỉnh dậy và không hề biết mình vừa chìm vào giấc ngủ. Khi cô nói đã sẵn sàng để bắt đầu, Hayward cúi xuống nhặt cái chân lên và cho cô gái xem thứ đã từng thuộc về cô.
BS. Cẩm Tú