Nhiều việc cần lao động
Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Trong suốt năm 2023, chúng tôi đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp với người lao động, qua đó, tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng ngàn người.
Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều công việc, ngành nghề tiếp tục cần người lao động có tay nghề và lao động phổ thông".
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, riêng quý IV năm 2023, lao động ở Khánh Hòa tìm được việc làm phù hợp là 681.600 người, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 272.651 người, lao động có việc làm ở nông thôn là 408.949 người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động ở Khánh Hòa trong quý IV năm 2023 là gần 7,3 triệu đồng/người/tháng. Tính trung bình thu nhập cả năm 2023 của lao động ở Khánh Hòa là gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Qua khảo sát, nghiên cứu, dự báo của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, quý I năm 2024, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử... sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng lao động. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ cải tổ lại hệ thống, lao động ở độ tuổi trung niên nếu không có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc mới dễ bị thất nghiệp. Do đó, người lao động cần tích cực chủ động nâng cao kiến thức và trình độ, đa dạng hóa kỹ năng, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công việc.
Song song với đó, các công việc liên quan đến hàn xì, thợ máy, lắp đặt máy tính, vận hành máy móc, trợ giúp y tế, tư vấn du lịch, chế biến thủy sản, thực phẩm… sẽ cần nhiều lao động.
Đưa việc làm đến người lao động
Liên quan đến tìm việc làm cho người lao động trong năm 2024, ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: "Dựa trên các công việc đang cần lao động, chúng tôi sẽ liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Từ đó, sẽ đưa việc đến người lao động một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Cụ thể, trong năm 2024, sẽ tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm lưu động ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm trực tuyến vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Các hoạt động này chính là kênh kết nối chính thức giữa người có nhu cầu sử dụng lao động và người cần việc một cách hiệu quả nhất".
Cũng theo đánh giá của ông Chu Văn Công, từ các phiên giao dịch việc làm do đại diện cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện đã giúp người lao động yên tâm lựa chọn đơn vị mình quyết định làm việc. Các đơn vị tuyển dụng lao động cũng cam kết thực hiện đầy đủ các quyền lợi cho người lao động.
Là một trong hàng ngàn lao động có việc làm phù hợp thông qua phiên giao dịch việc làm lưu động, ông Ngô Tuấn (công nhân chế biến thủy sản ở Suối Dầu, Cam Lâm, Khánh Hòa) bộc bạch: "Lao động không cần phải đi xa, chỉ cần gửi thông báo lên Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, sau đó đơn vị này sẽ bố trí đưa doanh nghiệp về tận địa phương tư vấn, tuyển dụng, rất thuận lợi. Chúng tôi còn trực tiếp được nói chuyện, trao đổi với đại diện doanh nghiệp trước khi lựa chọn có làm việc hay không".
"Các địa bàn xa xôi đều được chúng tôi kết nối với các doanh nghiệp rồi đưa họ đến đấy tuyển dụng lao động nên số lượng người có việc làm ổn định sẽ ngày càng tăng trong năm 2024", Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.