Những công trình độc đáo ghi dấu Nguyễn Bá Thanh

16-02-2015 08:23 | Thời sự
google news

Ba cây cầu lớn, kiến trúc đặc sắc vừa xóa khoảng cách giao thương, vừa là điểm du lịch, bệnh viện Ung thư điều trị miễn phí cho người nghèo... là những công trình ông Nguyễn Bá Thanh tự tay lo thiết kế, huy động kinh phí.

Ba cây cầu lớn, kiến trúc đặc sắc vừa xóa khoảng cách giao thương, vừa là điểm du lịch, bệnh viện Ung thư điều trị miễn phí cho người nghèo... là những công trình ông Nguyễn Bá Thanh tự tay lo thiết kế, huy động kinh phí.

 

Người dân Đà Nẵng khẳng định, cảnh sắc năng động, tươi mới của thành phố hôm nay có công lớn của vị nguyên Bí thư Thành ủy. Thành phố ven biển miền Trung này luôn dẫn đầu các cuộc bình chọn danh hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam".

 

Tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng trước đây lụp xụp với những xóm vạn đò, nhà chồ. Nhậm chức Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng năm 1996, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra chủ trương tái định cư cho dân. Con đường ven sông Hàn ngày nay rộng rãi, thẳng băng, bãi biển sạch sẽ, trong lành.

 

Những tuyến đường ven biển cũng được giải tỏa làm mới để phát triển du lịch. Nhiều đại lộ như Ngô Quyền, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ... được mở rộng, thông thoáng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế.

 

Cầu quay sông Hàn được khánh thành năm 2000 do ông Thanh vận động toàn dân Đà Nẵng đóng góp. Khi chưa có cây cầu này, sự chênh lệch về mức sống giữa hai bờ đông - tây sông Hàn rất lớn. Cầu xây xong không chỉ nối liền đôi bờ mà còn quay ngang 90 độ để phục vụ du khách tham quan. Sau cây cầu quay, tháng 7/2009, cầu Thuận Phước - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, cũng được đưa vào sử dụng với vị trí ở cửa sông Hàn, giúp kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây.

 

Cầu Rồng - cây cầu có kiến trúc độc đáo với hình dáng rồng thời Lý hướng ra biển Đông, được khánh thành vào ngày 29/3/2013, kinh phí đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng và được UBND TP Đà Nẵng đăng ký kỷ lục con rồng thép lớn nhất Việt Nam và thế giới. Ông Thanh là người nhiều lần điều chỉnh thiết kế cùng kiến trúc sư Phạm Văn Hạng và đưa ra ý tưởng phun lửa, nước vào các tối cuối tuần để tạo điểm nhấn với du khách và người dân.

 

Khánh thành cùng ngày với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn. Kinh phí đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, cây cầu này hấp dẫn bởi hình dáng cánh buồm, ý nghĩa như con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn. Gần đó là Nhà thi đấu đa năng mang hình chim đại bàng, Cung thể thao Tiên Sơn với hình đĩa bay dưới chân vòng quay mặt trời tạo nên cảnh quan sinh động.

 

Tòa nhà hành chính Đà Nẵng với hình dáng một ngọn hải đăng trên phần đế hình cánh buồm, mang khát vọng vươn ra biển lớn, là công trình ông Nguyễn Bá Thanh mang nhiều tâm huyết, bởi khi các sở ngành vào làm việc tập trung, giúp mọi người gần gũi, tiết kiệm nhiều chi phí cho ngân sách. Khánh thành ngày 8/9/2014, tòa nhà có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, cao 37 tầng, với diện tích sử dụng 65.234 m2 là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức thành phố, tiếp đón khoảng 600 lượt người dân đến giao dịch mỗi ngày.

 

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là công trình nhân đạo mang đậm dấu ấn của ông Bá Thanh. 5 năm trời trăn trở, ông Thanh tự tay soạn thư kêu gọi tiền tài trợ. Đây là bệnh viện Ung thư lớn nhất miền Trung, điều trị miễn phí cho người nghèo ở Quảng Nam - Đà Nẵng, có bếp ăn từ thiện, chỗ lưu trú miễn phí.

 

Cấp nhà chung cư cho phụ nữ đơn thân cũng là chủ trương của ông Nguyễn Bá Thanh, được người dân Đà Nẵng cũng như cả nước ủng hộ. Ở trong những căn nhà cao tầng kiên cố, mức tiền họ phải trả hàng tháng chỉ hơn 100 ngàn đồng.

 

Được vào đất liền sau một thời gian dài sống ở bán đảo và chữa lành bệnh phong, nay là năm thứ ba người Làng Vân đón tết trong khu nhà liền kề ở quận Liên Chiểu. Ông Nguyễn Bá Thanh từng khẳng định việc đưa người dân vào đất liền nhằm mục đích lo cuộc sống cho bà con chu đáo hơn. Lời hứa "bà con ở đây thỉnh thoảng tôi sẽ lên thăm" của ông còn dang dở.

 

Ông Đỗ Ngọc Đình giờ đây hạnh phúc bên đứa cháu nội. Trước đây vì ham rượu chè, mỗi lần say xỉn ông Đình lại bạo hành vợ con. "Ông Thanh gọi tôi cùng 20 người ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, và nhiều ông chồng đánh vợ khác lên, đọc cho nghe bài thơ Đôi dép. Tôi nghĩ ông ấy là người đứng đầu thành phố mà còn đi lo cho mình, thế mà mình lại không biết lo cho bản thân, gia đình, rứa là tôi bớt rượu, tu chí làm ăn", ông Đình nói. Con trai ông Đình cũng là một thiếu niên hư được ông Thanh mời lên đối thoại, sau lần đó, thiếu niên này về theo cha đi làm nghề gò sắt, rồi lấy vợ, sinh cho ông Đình đứa cháu kháu khỉnh. "Gia đình tôi mang ơn bác Bá Thanh", ông Đình nói thêm.

 

Khu du lịch Bà Nà ngày nay đang là điểm vui chơi không thể bỏ qua của khách du lịch đến Đà Nẵng. Vốn là nơi nghỉ dưỡng của sĩ quan pháp thời chiến. Sau chiến tranh, con đường lên đây khó khăn, cảnh quan kém hấp dẫn, ông Thanh là người kêu gọi đầu tư. Tuyến cáp treo được mở, khu làng Pháp được tái hiện với thời tiết 1 ngày 4 mùa khiến người người lên đây mỗi ngày đều thích thú. Ông cũng kêu gọi nhà đầu tư xây chùa Linh ứng không chỉ ở Bà Nà mà còn trên bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu để giữ chân du khách. Cuộc thi pháo hoa quốc tế dịp 30/4 hàng năm cũng bắt nguồn từ sáng kiến của vị nguyên Bí thư Thành ủy.


Ý kiến của bạn