Những con sóng ngược chiều

09-08-2013 22:39 | Xã hội
google news

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là con sóng lớn tác động vào đời sống xã hội và chính vì thế mà Quốc hội đã đặt mục tiêu trong năm nay là kiềm chế CPI ở mức 8%. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng bởi khi giá tiêu dùng không tăng, không chỉ dân “dễ thở” hơn với thu nhập chật hẹp mà còn có tác dụng tới nền kinh tế, tháo gỡ cho các doanh nghiệp (DN) với những lô hàng tồn kho đồng nghĩa với tiền của, vốn liếng đắp chiếu để đấy.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là con sóng lớn tác động vào đời sống xã hội và chính vì thế mà Quốc hội đã đặt mục tiêu trong năm nay là kiềm chế CPI ở mức 8%. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng bởi khi giá tiêu dùng không tăng, không chỉ dân “dễ thở” hơn với thu nhập chật hẹp mà còn có tác dụng tới nền kinh tế, tháo gỡ cho các doanh nghiệp (DN) với những lô hàng tồn kho đồng nghĩa với tiền của, vốn liếng đắp chiếu để đấy.

Việc tăng giá điện thêm 5% từ ngày 1/8, giá gas thêm 8.000 đồng/bình vào đầu tháng này hay giá xăng có sự điều chỉnh mới nhất vào trung tuần tháng 7 cũng là con sóng lớn tác động vào đời sống xã hội bởi những mặt hàng đặc biệt trên sẽ kích hoạt vào hàng loạt mặt hàng khác. Và thế là con sóng thứ hai ngược chiều với con sóng thứ nhất cùng sự va đập dữ dội và muốn hay không, nền  kinh tế đất nước trong đó có đời sống nhân dân như con thuyền dập dềnh, trồi sụt giữa những con sóng lớn ấy.

Có ý kiến cho rằng giá những mặt hàng chiến lược trên tăng không đáng kể sẽ không làm biến động giá cả. Mặt khác, người nghèo được “trợ giá” khi tiêu thụ ít điện và người giàu là người dùng nhiều điện nên tăng giá không ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Thực tế, khi giá xăng, điện tăng thì giá tiêu dùng cũng tăng theo với cách “tăng dự phòng” chứ không theo tỷ lệ tăng giá của điện và xăng. Ví dụ như phở, taxi, xe ôm tăng vọt lên phòng điện xăng có tăng nữa khỏi phải điều chỉnh. Rồi các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác cũng tát nước theo mưa, không chịu đứng yên theo giá cũ. Có mặt hàng không tăng giá nhưng bớt trọng lượng sản phẩm cũng là một cách tăng giá. Đến cắt tóc nam cũng tăng từ 30 ngàn đồng lên đến 40 ngàn đồng. Người nghèo tiền không tăng nhưng giá các mặt hàng, dịch vụ tăng thì rõ ràng giá điện 50 số đầu tiên không tăng sẽ chẳng thấm tháp gì so với chi phí phải bỏ thêm ra để mua thực phẩm hàng ngày, nuôi con, lo cho con học...!

Với đời sống sinh hoạt thì thế và với các DN thì quả là phải đang cưỡi sóng. Trong kinh doanh và sản xuất, khi chi phí đầu vào tăng thì sản phẩm hàng hóa cũng phải có sự điều chỉnh. Sản phẩm muốn tăng nhưng sức mua trong dân giảm thì hàng hóa lại tiếp tục tồn đọng, đồng vốn không thể luân chuyển, lãi suất ngân hàng vẫn sinh sôi có thể dìm nhiều DN chìm trong sóng. Quả là thách thức không nhỏ với DN trong hoàn cảnh hiện nay. Và khi mặt bằng giá cả tăng trong đó có than, khí..., không biết giá các mặt hàng thiết yếu là điện và xăng có tiếp tục tăng để tuân theo quy luật giá cả thị trường?

Đó là đối với người dân, việc giá những mặt hàng thiết yếu, là “thức ăn” của nền kinh tế có thể không gây ra cú sốc lớn, nhưng với các ngành sản xuất dùng nhiều điện như xi măng, sắt thép... thì việc điều chỉnh giá “thức ăn công nghiệp” lại là một sức ép lớn. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho gần đây trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ở mức cao và tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2012. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ năm trước, gồm sản xuất đồ uống tăng 33%; thuốc lá: 22%; thuốc, hóa dược và dược liệu: 20%; hóa chất và sản phẩm hóa chất: 14%...

Khủng hoảng thừa cũng là một nỗi lo khi hàng hóa trong nước không thiếu, nguồn cung trong tiêu dùng được đảm bảo, nhưng phía cầu đang chững lại do kinh tế gặp khó khăn nên khó tiêu thụ. Con sóng tăng giá và con sóng sức mua trái chiều nhau sẽ sinh ra hệ lụy như một cơn lốc: giá đầu vào tăng - chi phí giá thành sản phẩm tăng - sức mua giảm -  hàng tồn kho lớn - DN đình đốn sản xuất.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ đang tìm mọi cách để thực hiện các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thì với hàng loạt những “ngòi nổ” tăng giá trong thời gian qua có thể làm các DN mạnh lên hay yếu thêm khi mà sức mua của người dân chắc chắn giảm trong nhận thức và giải pháp “thắt hầu bao” ở mỗi gia đình?            

Lê Quý


Ý kiến của bạn