"Chính phủ Nepal đã làm mọi việc có thể để cứu hộ và cứu tế", Thủ tướng Sushil Koirala nói với Reuters. "Hiện thời là thời điểm đầy thách thức và rất khó khăn với Nepal".
Viện trợ quốc tế cuối cùng đã được chuyển tới quốc gia Himalaya gồm 28 triệu dân này, 3 ngày sau khi trận động đất 7,9 độ tấn công Nepal. Tuy nhiên, tiến độ phân phát cứu trợ vẫn rất chậm. Theo Bộ Nội vụ Nepal, số người thiệt mạng tới giờ là 4.349 và hơn 7.000 người bị thương.
Ông Koirala không nói tại sao lại có ước tính nhảy vọt về số người thiệt mạng nhưng cho hay, chính phủ nước này vẫn chưa thiết lập được liên lạc với một số khu vực xa xôi. "Số tử vong có thể lên tới 10.000 vì thông tin từ các ngôi làng xa xôi bị động đất tàn phá vẫn chưa đổ về".
Liên Hợp Quốc cho hay, 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi động đất và 1,4 triệu người đang cần thực phẩm.
Trận động đất chết chóc nhất trong vòng 81 năm qua ở Nepal cũng gây ra lở tuyết trên núi Everest, làm ít nhất 17 người leo núi và hướng dẫn viên, gồm cả 4 người ngoại quốc thiệt mạng. Đây là thảm họa đơn lẻ tồi tệ nhất ở núi này. Tất cả những người leo núi hiện bị kẹt tại các trạm nghỉ chân trên núi đã được trực thăng đưa tới nơi an toàn, những người leo núi cho biết hôm 28/4.
Một loạt các đợt dư chấn, ít nhất là 34 đợt từ 4 độ trở lên đã xảy ra trong một ngày đầu sau động đất, đã gây cản trở cho quá trình cứu hộ tại quốc gia nghèo, núi non nằm kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc này. Tại thủ đô Kathmandu, các thanh niên và gia đình các nạn nhân đang gồng sức đào bới trong đống gạch vụn của các tòa nhà để tìm người sống sót.
"Chờ đợi giúp đỡ còn đau khổ hơn là tự mình làm", Pradip Subba, đang đào tìm thi thể của anh trai và chị dâu trong đống đổ nát của tòa tháp lịch sử Dharahara ở Kathmandu cho hay. "Bàn tay của chúng tôi lúc này chính là máy móc", chàng thanh niên 27 tuổi cho biết. "Không có người nào từ chính phủ hay quân đội giúp đỡ chúng tôi".
"Chính phủ chẳng làm gì cho chúng tôi", Anil Giri đang cùng 20 người tình nguyện khác tìm kiếm những người bạn bị vùi dưới đống gạch vụn nói. "Chúng tôi dọn sạch đống đổ nát bằng tay không".
Ấn Độ và Trung Quốc là những nước đầu tiên tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Nepal. Hôm 27/4, Mỹ tuyên bố viện trợ thêm cho Nepal 9 triệu USD, nâng tổng số tiền nước này viện trợ cho Nepal lên 10 triệu USD.
Hoài Linh