Những con diều hát

02-01-2017 15:56 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tác giả tập thơ này, phó giáo sư tiến sĩ y khoa Lê Đình Công, là bạn học đại học với tôi, khóa bác sĩ 1959-1965.

(Thơ Lê Đình Công, Nxb Hội Nhà văn 2016)

Tác giả tập thơ này, phó giáo sư tiến sĩ y khoa Lê Đình Công, là bạn học đại học với tôi, khóa bác sĩ 1959-1965. Năm chúng tôi vào trường, phố phường Hà Nội vẫn còn đang chuyển hóa từ một thành phố bị Pháp tạm chiếm sang nếp sống mới mà hình mẫu của nó là nếp sống kháng chiến từ Việt Bắc mang về. Ký túc xá của sinh viên y năm đó là một khu nhà lá mênh mông ngoài bãi Phúc Xá, gần cầu Long Biên. Tôi được ở chung một tổ với Lê Đình Công. Anh hơn tôi hai tuổi, chững chạc như một bậc đàn anh.

Tác giả tập thơ này, phó giáo sư, tiến sĩ y khoa Lê Đình Công, là bạn học đại học với tôi, khóa bác sĩ 1959-1965. Năm chúng tôi vào trường, phố phường Hà Nội vẫn còn đang chuyển hóa từ một thành phố bị Pháp tạm chiếm sang nếp sống mới mà hình mẫu của nó là nếp sống kháng chiến từ Việt Bắc mang về. Ký túc xá của sinh viên y năm đó là một khu nhà lá mênh mông ngoài bãi Phúc Xá, gần cầu Long Biên. Tôi được ở chung một tổ với Lê Đình Công. Anh hơn tôi hai tuổi, chững chạc như một bậc đàn anh.

Đến bây giờ vẫn thế. Công và tôi lại ở chung một buồng, cái buồng giáp hàng rào, luôn luôn được nghe chuyện mấy ông thợ bên xưởng mộc hàng xóm. Toàn chuyện làng quê, bởi các ông đều từ các tỉnh lẻ về tá túc ở rẻo đất ven sông này làm thuê cho các cửa hàng đồ gỗ phố Nguyễn Hữu Huân, phố Lò Sũ. Đang đọc sách, có khi tôi ngồi lặng mà nhớ mẹ, nhớ quê, từ câu chuyện, ngẫu nhiên nghe, của các ông. Tôi thấy Công cũng có lúc lặng nghe như thế. Công quê ở Đô Lương, Nghệ An, ba năm cấp ba, anh về Vinh trọ để học trường Huỳnh Thúc Kháng. Còn tôi, quê (mẹ) ở làng Canh, cách Hồ Gươm có 12 cây số, nhưng tôi cũng phải vào phố trọ từ năm học lớp nhất (lớp cuối tiểu học) ở trường tiểu học Nguyễn Du. Nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, chúng tôi quả có thâm niên hơn Công nhưng tôi quê gần thường được về thăm. Công và nhiều bạn Nghệ Tĩnh khác, khá đông trong lớp tôi, có một đặc điểm chung là chăm học và kiên trì vượt khó trong đời sống. Các bạn, phần lớn chưa có xe đạp. Hàng ngày đi bộ từ bãi Phúc Xá đến trường, đến Viện Giải phẫu và các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Đông y, Phụ sản, K... rải rác khắp Hà Nội. Mòn vẹt nhiều đôi dép lốp. Bụng lưng lửng no và trong đầu dày đặc những câu hỏi truy bài nhau ngang dọc phố xá. Tôi yêu văn chương. Công cũng thế, nhưng anh tập trung vào học y, không la cà đọc sách văn như tôi. Tôi làm bác sĩ 7 năm thì chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Anh Công thành tiến sĩ, phó giáo sư, Viện trưởng Viện Sốt rét. Về hưu, anh mới dành thời gian cho thơ.

Lê Đình Công đã in ba tập thơ trong các năm 2007, 2010 và 2015. Tập này là tập thứ tư. Tôi thấy thơ anh mỗi ngày một chắc. Các bác sĩ học đại học tới 6 năm, chưa kể các năm tu nghiệp sau đại học. Đối tượng công tác của họ lại là con người, cả thân xác lẫn tâm hồn. Điều ấy giúp cho họ có nhiều thuận lợi chiêm nghiệm xã hội và hiểu biết con người, vốn là nguyên liệu của văn chương. Thơ của họ, dù viết tài tử, có thể còn vụng dại về bút pháp, thường sâu sắc việc đời, phát hiện nhiều nỗi u ẩn của lòng người, khá cảm động. Anh Lê Đình Công có tham gia một Câu lạc bộ thơ của các thầy thuốc. Ở đó các anh chị làm thơ và dịch thơ qua tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung. Tôi thường được đọc thơ của các anh chị. Thấy nhiều bài có tầm vóc, câu thơ có nội lực, trí tuệ. Một số anh chị đã thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Đào Ngọc Phong, Dương Thúy Mỹ), Hội Nhà văn Hà Nội (Ngô Ngọc Liễn, Lê Thị Kim, Đinh Nhật Hạnh). Tôi đã viết bài giới thiệu các anh Đào Ngọc Phong, Lê Vĩnh Tài, Vi Huyền Trác, Ngô Ngọc Liễn, Nguyễn Khắc Liêu, Nghiêm Xuân Đức, Hoàng Đức Lập, Nguyễn Hữu Thăng... Và bây giờ anh Lê Đình Công.

Từ khi hưu, Lê Đình Công chí thú lao động thơ. Phần năng khiếu văn chương từ tuổi học trò được đánh thức cùng với sự cần mẫn đọc và viết, nhất là khả năng nhận thức cuộc sống, chiêm nghiệm việc đời, Lê Đình Công nhanh chóng làm chủ được ý tưởng của bài thơ. Người viết không chuyên có thơ xuất bản hiện nay đông, có lẽ đông hơn cả mọi giai đoạn văn học trước đây, có một bút pháp chung là hồn nhiên viết như một cách giãi bày tình cảm mà ít chú ý đến chủ đề của mỗi bài thơ. Lẩn trong chủ đề ấy là cách bình giá cuộc đời, là triết lý sống, là quan niệm đạo lý... Tất cả những điều ấy được thể hiện qua một thao tác là cấu tứ cho bài thơ. Tứ là biện pháp hữu hiệu tạo nên sức khái quát của hình tượng thơ. Hình tượng bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương không chỉ nói chuyện làm bánh trôi mà là ca ngợi đức hạnh người phụ nữ và cũng đòi hỏi họ dù thế nào cũng phải chịu trách nhiệm về đức hạnh của mình (Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son). Bản thân tôi khi đọc thơ thường lấy cấu tứ để phân biệt bút pháp tác giả (nghiêng về chuyên nghiệp hay còn nghiệp dư) anh Lê Đình Công có ý thức quan tâm đến tứ. Bài Gió và cây nói quan hệ của hai thứ này: nhờ cây mà người ta nhận ra gió nhưng gió lại lay cây bật gốc gãy cành thì gió hiện ra ở đâu. Tôi nhớ một lần đi thăm rừng Cúc Phương, khi nghe giới thiệu một loại tầm gửi, nhà lâm nghiệp nói đây là loại cây ký sinh bóp cổ, nó sống nhờ cây nhưng nó sẽ xiết chết cây, cụ nhà văn Nguyên Hồng đế một câu: Loại cây này ở Hội Nhà văn ta cũng có. Cụ Nguyên Hồng đã hoàn thành một quy trình cấu tứ từ một hiện tượng trong lâm nghiệp thành một khái quát xã hội học. Tứ tạo nên phẩm chất trí tuệ của văn chương, đặc biệt là thơ. Bài Mặt trời buồn lại một kiểu cấu tứ khác, có lỏng lẻo hơn nhưng do vậy lại hóa ra kín đáo: Mặt trời đã bao lần lặn mọc vẫn chỉ một hướng ấy, cũ mèm mà sao sáng nào cũng đi lên tươi tỉnh và chiều nào cũng đỏ gay đỏ gắt, say sưa bí tỉ. Thế thì cơn cớ chi mình buồn chuyện thế gian. Tôi ghi nhận bước tiến của Lê Đình Công mươi năm hưu trí làm thơ là ở những thủ pháp cấu tứ ấy. Tôi thấy nguồn gốc của các triết lý ấy là ở sự từng trải của chính anh. Đấy là cái lộc của tuổi. Các bác cao niên cứ yên tâm.

Nhưng đấy là thành tựu ở phía tỉnh, tỉnh để nghĩ. Thơ lại cần mê, mê để cảm Anh đi đấy, anh về đâu. Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm... (Nguyễn Bính) là mê, đọc xong ngơ ngẩn cả đời người. Tạo nên câu thơ mê khó hơn làm câu thơ suy tưởng. Nó như thứ trời cho. Gần đây trong thể lục bát các anh Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Đỗ Trọng Khơi có nhiều câu xuất sắc. Anh Công có những bài nửa tỉnh nửa mê, dễ thân với đông đảo bạn đọc. Bài bốn câu:

Đêm nằm nghe tiếng sấm xa

Nghe mưa chan xuống tháng ba mà mừng

Lòng sông trơ đáy - chưa từng

Nghe cây “tặc” giết trên rừng mà đau

Đây không mê ở câu mà mê ở tâm trạng trong toàn bài thơ. Từ tiếng sấm tháng ba đến bọn lâm tặc phá rừng quả là xa nhau quá nhưng bạn đọc nhập được ngay. Ấy là cái tình, cái lý sự của lòng người. Chứ đầu óc quá, tranh luận quá có khi thơ sợ quá, nó chạy mất. Tôi chắc nhiều bạn đồng cảm được với nỗi thao thức này:

Đa mang buồn phố lấn làng

Thương con sông chết chang chang nắng trời

Đa mang đau nỗi con người

Thượng vàng hạ cám chợ đời bon chen

Nó là thơ trực cảm, nó là hiện tượng nhưng lại phổ cập, nhiều người đã thấy, đã trải. Câu thơ thừa hưởng sức khái quát của hiện thực và sức gây mê từ những cõi lòng cộng hưởng. Lại nhớ câu thơ cụ Thợ Rèn Cả làng thành một cục xi măng. Khái quát thì cũng là khái quát mà ai đọc một lần thì không quên được. Cũng là mê chứ sao. Một dạng thức mê không dựa vào mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm mà hình ảnh rất minh bạch, chất liệu rất hiện thực mà gây mê, càng mê càng tỉnh. Tôi đoán chừng thơ hiện đại ưa tìm chất mê cho thơ từ những chất liệu thực này, trông cậy vào các mối liên hệ ý thức lẫn vô thức hòa trộn trong tâm lý.

Bài thơ Chợt trăng là một khoảnh khắc mê của một trí tuệ. Người trong thành phố, quen sống dưới ánh sáng điện, chợt một đêm thấy trăng. Một cuộc nhớ lại âm thầm Tôi lặng nhìn trăng cũng ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì năm tháng, vì thời thế đổi thay làm lòng người không còn như trước nữa. Trông thấy nhau mà biết là đã xa khuất nhau rồi. Người viết không chuyên nhưng ở cách cấu tứ này lại có cái hàm xúc chuyên nghiệp vẽ mây nẩy trăng. Cũng trong mạch cảm xúc ấy, bài thơ Cáo lỗi! là một độc thoại nội tâm nhận lỗi cho cả một thế hệ. Chuyện sống xa quê trong đời, không quan trọng gì, thời buổi này là phổ biến nhưng ở cái chặng gần chót của một đời người, ngẫm nghĩ lại, có gì thật xót xa. Cái xót xa của người cả nghĩ, thấm đẫm cảm xúc quê hương truyền thống:

Cáo lỗi gia tiên lưng đồi nắng gió

Làm sao về thắp hương nhổ cỏ

Làm sao về thì thầm ngọn gió

Cúi đầu thương nhớ tri ân!

Cáo lỗi nhà xưa gốc nhãn mảnh sân

Ôm ấp đời con tự ngày thơ bé

Rợp bóng thân thương ông bà cha mẹ

Làm sao về thức ngủ những đêm nằm!

Tôi trân trọng tình cảm ấy, trong những đề tài ấy. Đề tài không phải tầm vóc một sự kiện và tính cảm chỉ là những gợn thầm không tiếng trong lòng người nhưng có gì thật thấm thía và có sức lan xa trong tâm trí. Nó không kêu gọi hành động, cũng không cổ vũ xung phong nhưng nó có sức nâng cấp sự sống. Làm trong lại hồn người giúp con người nghe ra được tiếng vọng của đời trong chính trái tim mình. Tôi nghĩ đấy là một khía cạnh trong chức năng chính yếu của thơ: hoàn thiện nhân cách con người, cái chức năng mà ở những chặng văn chương trước đây nó chưa được quan tâm đúng mức. Nhà thơ không chuyên Lê Đình Công đã chọn một hướng cần và thơ đúng cho thơ mình hồn nhiên, bằng trực giác. Dù bài thơ có thể còn dài lời, câu có thể còn dại chữ nhưng quả thật anh đã có một tầm riêng trong cách cảm, cách nghĩ việc đời.


Vũ Quần Phương
Ý kiến của bạn