Hà Nội

Những cơn đau thắt trong vùng bão lũ

05-11-2017 15:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Những tiếng khóc hờ bật ra từ bờ môi những bà mẹ có con bị lũ cuốn trôi, tiếng gào thảm thiết những người vợ mất chồng, con mất cha tử vong vì bão hợp âm với những trận cuồng phong trên mênh mông biển nước vây quấn, nhấn nhiều thôn làng ở nam trung Bộ trong những ngày này gim vào lòng người những cơn đau thổn thức, tê dại. Cần lắm, sự chung tay ủng hộ và sẻ chia của cộng đồng để người dân vượt qua những mất mát.

Đau thương chồng lên mất mát

Kéo dài từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Bình Thuận những cơn mưa vẫn ập xuống bất thường như trút nước, những hồ đập vẫn nhăm nhe xả lũ. Bao mất mát về của cải chưa kịp lắng xuống thì nỗi đau còn-mất kiếp người đã chồng lên. Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cơn bão số 12 ở khu vực nam trung Bộ đã làm 20 người chết, 17 người mất tích chưa tìm thấy, gần 25.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng.

Ngày nhận thi thể ông Phạm Văn Hiệu (53 tuổi, ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bị nước lũ cuốn trôi khi đang vượt qua bão dữ về dự bữa cơm chiều trong trạng thái lạnh căm, áo quần bị nước lũ xé rách tả tơi, những người thân của ông Hiệu chỉ kịp gào lên trong ngỡ ngàng và ngất lịm đi trong đau tiếc. Hàng trăm gia đình khác ở Quảng Ngãi bốn bề trống hoác, gió lùa thông thốc, tài sản cũng chảy trôi theo dòng nước lập cập đến đưa tang ông Hiệu trong nỗi ngậm ngùi, nước mắt nín lặng vào trong.

Nhiều khu dân cư đổ nát sau bão số 12

Quanh năm quần quật với đầm tôm, mấy trận lũ gần như mất sạch, còn chút tài sản nhỏ nhoi nhưng khi bão lũ ập đến, ông Nguyễn Văn Lời (60 tuổi, trú thôn Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) vẫn dũng cảm lao ra ứng cứu những người hàng xóm của mình. Nhưng rồi, dòng nước quá mạnh cuốn ông đi trong buổi chiều tĩnh mịch, mây đen đầy trời. Nhiều hàng xóm của ông Lời nước mắt rơi lả chã cùng khói trắng hoa tang trong ngày tiễn ông về nơi chín suối.

Dòng nước lạnh lùng, những con gió điên cuồng như kéo nỗi đau từ nơi này đến nơi khác. Ông Trần Văn Toản ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) và hàng trăm người khác thất thần bên ngôi nhà tích góp gần trọn đời người để dựng lên nát vụn sau một đêm cuồng nộ của thiên tai. Bà Lê Thị Hải (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng hàng chục ngư dân khác quanh năm quần quật trên đầm tôm cũng lâm cảnh trắng tay.

Gượng dậy ổn định cuộc sống

Những con số đau lòng về thiệt hại về người và của chưa dừng lại khiến những vùng rốn lũ ở nam trung Bộ run lên cầm cập. Nhưng rồi, vì tồn tại, phải gồng dậy đoàn kết, chung tay đối chọi từng giờ, từng phút. Chưa bao giờ chứng kiến những khối bùn lùa thẳng vào tận gian phòng thờ nhà mình ở giữa thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ông Trần Văn Năm hớt hải; Tủ lạnh, ti vi, cho đến quần áo và tất tật không còn sử dụng được nữa. Ăn mỳ tôm để thâu đêm lùa bùn ra khỏi nhà, bốn bề tường nhà nứt toác, nước rút hết rồi cũng sập mất thôi.

Thất thập cổ lai hy nhưng chẳng thể phó mặc cho con cháu, chiều 4/11, ông Trần Văn Phúc ở đường 2/4 Nha Trang lẩy bẩy kéo thuyền chở người vợ ngoài 60 tuổi của mình đi bốc thuốc và khám bệnh bởi nước lũ chia cắt, các phương tiện khác đều vô hiệu.

Nhiều nhà kiên cố cũng bị phá hỏng

Sau chỉ đạo của Chính phủ cùng nhiều cơ quan trung ương cộng với nỗ lực của các lực lượng tại địa phương, đến ngày 5/11, các hộ dân trong vùng bão lũ từ Bình Định đến Khánh Hòa đã được cứu trợ kịp thời. Từ các huyện xa xôi cũng đã không còn cảnh rét mới hay thiếu thốn lương thực. Phú Yên, Khánh Hòa cũng đã lên phương án hỗ trợ nhà ở cho người dân bị sập để an cư trở lại. Tuy nhiên, vấn đề dài hơi hơn là phải ổn định được cuộc sống dân sinh.

Để tạo kế sinh nhai cho người dân, sau khi cứu trợ xong, UBND tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để bà con nông dân ổn định lại cuộc sống

Ngành y tế các tỉnh nam trung Bộ cũng đã triển khai phương án phòng chống lụt bão đến tất cả các cơ sở y tế. Nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất để phục vụ phòng chống lụt bão đều đảm bảo đềy đủ. Sau khi cơn bão đi qua, nước rút, các Sở Y tế đã khẩn trương vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách giữ vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín, uống chín, khử trùng nguồn nước, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Người dân cũng đã được hướng dẫn cách phòng chống các bệnh thông thường.


HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn