Những cổ vật bằng vàng bí ẩn nhất lịch sử

24-11-2016 17:56 | Quốc tế

SKĐS - Con người luôn khao khát vàng. Sự hiếm có khiến vàng cực kỳ có giá trị và sự sáng bóng vĩnh cửu của kim loại này tượng trưng cho sức mạnh và sự bất tử của thần Mặt trời.

Con người luôn khao khát vàng. Sự hiếm có khiến vàng cực kỳ có giá trị và sự sáng bóng vĩnh cửu của kim loại này tượng trưng cho sức mạnh và sự bất tử của thần Mặt trời. Các nhà khảo cổ đã ghi nhận vô số những đồ vật bằng vàng vẫn tỏa sáng lấp lánh qua nhiều thế kỷ. Với giá trị của kim loại quý, những đồ tạo tác này không chỉ là nghệ thuật; chúng còn thể hiện cho sức mạnh, tín ngưỡng hoặc bản sắc văn hoá. Nhiều món đồ vẫn còn là bí ẩn đối với các học giả hiện đại.

1. Những lá bùa bằng vàng

Bùa hay defixionis tabella khá phổ biến ở La Mã cổ đại. Những chữ khắc trên kim loại được dùng để trả thù. Tháng Tám năm 2016, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những lá bùa bằng vàng ở miền Đông Serbia. Trong khi một số được viết bằng tiếng Hy Lạp, một số khác được viết bằng một ngôn ngữ không rõ với những biểu tượng không thể dịch được. Một số lá bùa là lời kêu gọi ma quỷ. Các chuyên gia tin rằng những biểu tượng độc đáo là một mật mã bí ẩn giữa người sử dụng và ma quỷ.

Có niên đại từ thế kỷ thứ tư sau CN, những lá bùa này phản ánh một đế chế La Mã luôn biến đổi. Họ đã tham khảo các vị thần Kitô giáo và dị giáo, để lộ sự chuyển tiếp chậm chạp trong tín ngưỡng. Những lá bùa bằng chì đã từng được phát hiện trước đó, nhưng những phiên bản bằng vàng này là duy nhất. Có một lệnh cấm của La Mã cổ đại không cho chôn vàng với người chết.

Vương miện của thần Ái tình.

Vương miện của thần Ái tình


2. Những dây xoắn ốc vàng của tín đồ thần Mặt trời

Năm 2015, 2.000 dây xoắn ốc vàng đã được khai quật tại Zealand, Đan Mạch. Có niên đại từ năm 900 - 700 trước CN, chúng có kích thước khoảng 3cm và được làm từ những sợi vàng nguyên chất. Các nhà khảo cổ tin rằng những dây xoắn một phần của trang phục nghi lễ của các tín đồ thần Mặt trời ở thời đại Đồ đồng của vùng đất này. Chúng có thể đã được đính trên trang phục nghi lễ, tết vào tóc hoặc đeo trên mũ. Thờ Mặt trời là một trong những tín ngưỡng chủ yếu của thời đại Đồ đồng. Với sự sáng chói và độ bóng vĩnh cửu, vàng được liên hệ với Mặt trời.

Địa điểm này là một trong những nơi tập trung nhiều vàng nhất ở Bắc Âu. Một số chiếc trâm cài đầu bằng vàng cũng được tìm thấy trong cuộc khai quật này.

3. Tượng tê giác vàng Mapungubwe

Bức tượng tê giác vàng Mapungubwe là một trong những hiện vật quan trọng nhất được phát hiện ở Nam Phi. Bức tượng bao gồm những lá vàng mỏng dát trên một khung gỗ chạm khắc tinh xảo. Cùng với bức tượng tê giác, 9kg trang sức bao gồm chuỗi hạt và những con giống bằng vàng khác đã được phát hiện.

Mapungubwe là vương quốc lớn nhất trong thế kỷ 13 ở vùng tiểu Sahara châu Phi. Hiên nay, các chuyên gia đã nhất trí rằng tượng tê giác Mapungubwe được chế tạo tại địa phương trong thời kì tiền thực dân.

Nhẫn vàng của chiến binh Griffin.

Nhẫn vàng của chiến binh Griffin.


4. Nhẫn vàng của chiến binh Griffin

Năm 2015, các nhà khảo cổ đã khai quật ngôi mộ của một chiến binh ở Tây Nam Hy Lạp. Có niên đại 1500 năm trước CN, nằm trong ngôi mộ là một người đàn ông 30 tuổi được mệnh danh là “Chiến binh Griffin”.  Ngôi mộ chứa đầy những hiện vật còn nguyên vẹn, bao gồm 4 chiếc nhẫn vàng bí ẩn. Những chiếc nhẫn được cấu tạo từ nhiều mảnh vàng và chứa những hình ảnh phức tạp từ thần thoại Minoan. Các chuyên gia tin rằng những chiếc nhẫn được chế tác ở Crete và được sử dụng làm con dấu cho các tài liệu chính thức. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng những chiếc nhẫn phản ánh sự tương tác văn hóa và trao đổi ý tưởng. Thậm chí những đồ vật Minoan này có thể đã được tôn kính đặc biệt như biểu tượng của quyền lực chính trị vì văn hóa Minoan đã thâm nhập vào đất liền trong thời điểm này.

5. Vương miện vàng của thần Ái tình

Một người đàn ông ở Anh đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra món đồ nằm dưới gầm giường nhà mình. Trong chiếc hộp các tông được thừa hưởng từ ông nội, người này đã tìm thấy một chiếc vương miện Hy Lạp 2.300 tuổi được làm bằng vàng ròng. Các chuyên gia xác định chiếc vương miện hình vòng nguyệt quế này là đồ thật và có niên đại từ năm 300 trước CN. Vương miện có đường kính 20cm và nặng khoảng 100g. Các yếu tố phong cách cho thấy một thợ kim hoàn lành nghề nào đó ở miền Bắc Hy Lạp đã bỏ quên món đồ. Bụi bẩn bám sâu trong chiếc vương miện gợi ý nó từng bị chôn dưới đất.

Người Hy Lạp cổ đại thường sử dụng vương miện vòng hoa cho các lễ hội tôn giáo và các cuộc thi thể thao. Vòng nguyệt quế đặc biệt được liên hệ với thần Ái tình Aphrodite. Nguyệt quế là cây thiêng của nữ thần và vương miện là lời nhắc nhở hữu hình về sức mạnh của tình yêu.


BS. Cẩm Tú
Ý kiến của bạn