Dù được đầu tư cao nhất cho chiến dịch Olympic 2016 song đến giờ, môn điền kinh Việt Nam mới giành được 1 suất do công của tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thành Ngưng, người hoàn toàn không được nhắm đến. Trong các nguyên nhân thất bại của môn này phải nói đến chuyện bi hài về những chuyến xuất ngoại tập huấn lãng phí tiền tỷ nối tiếp nhau trong nhiều năm.
Vũ Thị Hương “gục ngã” tại Đức
Nhà vô địch châu Á Vũ Thị Hương có thể coi như một trường hợp đột phá với chuyến đi rất được kỳ vọng tại Đức hồi đầu năm 2011, nhất là lại do chính các chuyên gia nước này sắp đặt. Trong đó, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc men chuyên biệt, phương pháp huấn luyện hiện đại, Hương còn kết hợp cọ xát tại các giải đấu chất lượng cao liên tiếp.
Mọi thứ tưởng như rất lý tưởng, song chỉ sau đó vài tháng Hương đã phải về nước do dính chấn thương chân. Chấn thương này xuất phát từ tình trạng quá tải về thể lực cùng cách tập luyện và đấu giải mắc nhiều sai sót. Đã có sự chủ quan và duy ý chí trong xác lập kế hoạch cho Hương và bản thân chị cũng quá tự tin vào khả năng của mình. Chính kết quả tồi tệ này đã khiến chị thất bại tại SEA Games 26 vào cuối năm.
VĐV Vũ Thị Hương.
Nỗi buồn của “tứ cô nương” trên đất Mỹ
Năm 2014, điền kinh Việt Nam lại có một chuyến tập huấn còn tốn kém và hoành tráng hơn thế nhiều khi 4 tài năng trẻ đường chạy 400m Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan thẳng tiến tới Mỹ để chuẩn bị cho mục tiêu tranh huy chương ASIAD.
Ngay từ lúc chưa lên đường, hàng loạt dấu hỏi cũng là sự cảnh báo cho những người có trách nhiệm được đặt ra. Từ quỹ thời gian chỉ còn 4 tháng trước SEA Games, kinh nghiệm sinh hoạt tập luyện ở nước ngoài của cả nhóm tuyển thủ này gần như không có gì đến quá trình khảo sát, liên hệ địa điểm bên Mỹ hết sức hời hợt…
Kết quả chỉ trong mấy tháng ở đây, đủ thứ trục trặc đã xảy đến mà với chính các VĐV thì chẳng khác gì cơn ác mộng. Trong đó, không chỉ phải tự lo di chuyển, nấu ăn và sinh hoạt, luyện tập ở môi trường xa lạ với VĐV Việt Nam mà họ còn phải thay đổi lại toàn bộ chương trình, cách thức luyện tập theo yêu cầu của chuyên gia.
Rốt cuộc đến ASIAD, cả nhóm đi Mỹ tốn kém tiền tỷ đều trình diễn một thể lực và phong độ rất thấp và may mắn được cứu vãn với tấm HCB xuất thần của Quách Thị Lan.
VĐV Quách Thị Lan.
Quách Thị Lan lại rơi vào “vết xe đổ”
Những tưởng sau vài vụ thua “trắng mắt”, môn điền kinh sẽ rút ra được bài học xương máu cho mình để có các chuyến xuất ngoại tập huấn thực sự bài bản, chuyên nghiệp, thảm cảnh vẫn tái lập. Càng cay đắng hơn vì nó lại rơi vào đúng tài năng trẻ số 1 - Á quân ASIAD Quách Thị Lan.
Ngay sau kỳ tích ở đấu trường đỉnh cao châu lục từ tháng 9/2014, ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản Thanh Hóa đã thống nhất “chung sức” chăm lo cho Lan tới nơi tới chốn, theo phương thức dài hạn tại Mỹ.
Không hiểu người ta khai triển thế nào, mãi tới tháng 2/2015, VĐV sinh năm 1995 này mới có thể lên đường, trong khi đến tháng 6 đã phải quay về dự tranh SEA Games 28. Thời gian quá ngắn, lại theo điều chỉnh mới của ông chuyên gia nên Lan không biết xoay sở thế nào để vừa kịp cho SEA Games vừa đảm bảo sự phát triển dài lâu. Tại giải đấu trên đất Singapore, dù Lan đã quyết tâm và nỗ lực cao độ, song vẫn thua đau cả 2 cự ly 200m và nhất là 400m sở trường. Rất bi hài vì Lan để thua chính người đồng đội Nguyễn Thị Huyền chỉ luyện tập trong nước trước SEA Games.
Đến 2016, Lan cùng với người anh ruột Quách Công Lịch tiếp tục được đưa sang Mỹ rèn tài với mục tiêu giành suất Olympic. Họ cũng chỉ xuất phát từ tháng 3 và mọi chuyện đều phải tự thân vận động, phụ thuộc cả vào chuyên gia ngoại, chứ không có HLV trong nước theo kèm. Cũng chẳng hiểu tại sao đến thời điểm này, đích Olympic coi như ngày càng xa vời khi không chỉ Lan và Lịch đều thua quá xa chuẩn Olympic tại các giải đấu loại. Dù họ còn 1 giải đấu nữa để phấn đấu, song như thừa nhận của giới chuyên môn, hai anh em nhà họ Quách đã không còn kịp để chinh phục thành công, khi mà thành tích còn thua cả chính mình ở SEA Games.