(SKDS) - Giờ thì ông Ama Kông ấy gần như đã trở thành huyền thoại về khả năng đàn ông và cái món thuốc của ông cũng nhờ thế mà trở thành món rượu (hoặc là kể về rượu) để chiêu đãi nhau, biếu nhau hoặc chí ít cũng là để… thì thào với nhau mỗi khi nói đến chuyện “thắc mắc biết hỏi ai”. Không chỉ các ông, mà các bà các cô cũng quan tâm. Biết đâu, nó chỉ là một liệu pháp tâm lý…
Lại nhớ năm nào đó tôi cùng mấy nhà văn công an dự trại sáng tác ở Nha Trang tổ chức một chuyến lên thăm buôn Đôn, vừa vào cổng nhà ông Kông (Ama) thấy một cô gái rất xinh đẹp và trẻ ơi là trẻ lễ mễ xách ra một chồng thuốc Ama Kông. Trên một chiếc xe 4 chỗ mới coong biển số Hà Nội là một chàng trai măng tơ tràn đầy sức sống ngồi chờ. Lúc ra bãi voi lân la làm quen tôi mới biết đấy là một cặp vợ chồng mới cưới, chồng là kỹ sư giao thông, vợ là giáo viên cấp 3.
Trên đường tự lái xe hưởng tuần trăng mật xuyên Việt, ghé thăm buôn Đôn, chả biết nghe ai xui, cô vợ trẻ vào mua cho chồng mấy chục thang Ama Kông. Tôi đùa: Cháu ơi, bằng tuổi trẻ và sự xinh tươi đến như thế kia, cháu chính là rượu Ama Kông rồi, thậm chí còn là… ông tổ của thuốc ấy nữa. Can cớ gì phải đi mua cho nó… bạc nhược đi.
Chuyện trên tôi kể trong một bài báo đã in trên số Tết báo Sức khỏe&Đời sống, sau khi báo in ra thì một cựu chiến binh hàm đại tá mail cho tôi: “Anh kể chuyện này chú nghe. Sau một chuyến công tác Tây Nguyên về, trong đoàn của anh ai cũng cố mua cho được một xách thuốc Ama Kông và hí hửng ra mặt. Về đến thành phố Hồ Chí Minh tất cả mới tá hỏa khi thấy cậu Chiến lái xe lại khoe có thêm một bọc rễ cây băm nhỏ nữa. Hỏi nó bảo các thủ trưởng mua là thuốc bổ, thêm vị này nữa mới thành thang “cường dương”! Thế có bỏ mẹ không! Trách thì nó bảo suốt cả chuyến đi em có thấy thủ trưởng nào yếu sinh lý đâu.
Em tưởng mỗi mình em! Có thật là phải mua thêm “bọc rễ cây” không Hùng ơi? Mà có khi đúng thật, vì anh uống liên tục hơn một tháng mà “chỗ cần run thì nó… không run”! Huhu…”. Thú thực là tôi đã được nhiều bạn bè trong Nam ngoài Bắc nhờ mua loại thuốc này dù nhà tôi cách đấy hơn 200 cây số, nếu mua tôi lại phải nhờ một lần nữa, nhưng tôi chưa bao giờ uống. Cũng chả phải do cơ thể mình hoành tráng gì, mà cơ bản là do… không tin, thế thôi. Đã tin thì uống lá mít sắc cũng thành viagra, còn không tin thì là hàng vốc viagra cũng thành thuốc… tăng trọng.
Dẫn chi tiết ấy để nói, có vẻ như thuốc Ama Kông đang trở thành… trò đùa trong thiên hạ. Tôi đã hỏi nhiều người đã dùng Ama Kông, ai cũng chỉ tủm tỉm rất… bí hiểm: thì cũng… rưa rứa. Nhưng hỏi giờ còn uống không thì đều… lắc. Một anh bạn làm thơ ở Đà Nẵng tiết lộ (cũng qua mail): “Lần đến mới nhất là cách đây khoảng 1/2 tháng (kể cả gặp bà vợ thứ tư rực lửa của ông) tại ngôi nhà sàn nhỏ cạnh đường (không còn ở trong khu du lịch như trước đây nữa) và mấy lần chụp ảnh chung với ông.
Ở buôn Đôn hiện có rất nhiều quầy bán thuốc mang hiệu Ama Kông nhưng tôi nghĩ những thuốc đó không như quảng cáo. Tôi đã hỏi ông Ama Kông chuyện này và chuyện tại sao người ta lấy tên ông để rao bán hàng mà ông không có ý kiến gì thì chỉ thấy ông ... cười. Bà vợ thứ tư của ông đang kinh doanh thuốc Ama Kông, một thang (3 gói nhỏ) giá 100 ngàn.
Thuốc chất cao một góc nhà. Thông thường các nơi đến đây mua sỉ. Tôi có mua một thang để ngâm rượu. Bao giờ anh Văn Công Hùng có dịp ra Đà Nẵng, tôi mời anh thưởng thức một... ly rượu Ama Kông nhé”.
Lại cái chuyện ông Ama Kông li dị vợ cũng ly kỳ. Bà vợ thứ tư của ông tên là Hồng Khăm, ít hơn ông mấy chục tuổi, có một đứa con gái (nghe đồn) với ông Kông khi bà này 40 và ông đã 85. Bà này đã bị ông Kông bỏ, cho một cái nhà với điều kiện không được treo biển hiệu tên ông để bán thuốc, thế nhưng bà này vẫn cứ dựng lên. Các con ông Kông cứ tối tối ra nhổ biển hiệu thì sáng hôm sau bà lại dựng lại.
Bởi trong buôn Đôn ấy thì con gái Ma Kông vẫn đang bán thuốc Ama Kông chính hiệu, còn thuốc Hồng Khăm cũng treo biển Ama Kông nhưng nó lại… “made in” Hồng Khăm. Tôi có chụp một bức ảnh giơ tay hàng bên biển quảng cáo Ama Kông Hồng Khăm. Giơ tay hàng vì nhiều nhẽ, trong đấy có sự cảnh báo các bác mày râu cứ nghe tuyên truyền mà mua thuốc và cả cách ứng xử với vợ trẻ như thế nào chứ đừng để như cụ Ama Kông kính mến kia, hơn chín chục tuổi phải bỏ vợ vì bà Hồng Khăm này mỗi khi say rượu lại xách dao rượt ông chồng già của mình.
Có lần chạy không kịp đã bị bà này chém đứt tay. Cái nhà khá bề thế của Hồng Khăm ở ngay mặt đường hiện nay là do ông Kông chu cấp cho bà vợ hoành tráng và ghê gớm của mình để đổi lấy sự yên thân. Hỡi các ông chồng, nếu lỡ có bề gì, hãy học cách cao thượng và cả cao... kiến của Ama Kông nhé.
Nhà Ama Kông ở khu du lịch buôn Đôn. |
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy kể: “Năm 2004, tôi vào Đăk Lăk viết bài
Người M’Nông ở Buôn Đôn, gặp hai vợ chồng Ama Kông. Vua săn voi hỏi, nhà báo sao mà ốm thế? Tôi bảo, do con đói ăn già ạ. Vua voi hỏi tiếp, đói ăn có yêu vợ được không? Lại bảo, cũng... kém lắm già ạ. Thế thì uống Kookling kookchoong đi! Lúc đó tôi mới biết tên bài thuốc này.
Nhưng tôi bảo, con chỉ muốn viết về phong tục tập quán của người M’Nông ta thôi, chứ cái khoản kia con không quan tâm, vì con tuy yếu nhưng đã có... ba thằng con trai rồi. Ama Kông cười rung cả nhà sàn nói, giỏi, giỏi! Nhà báo nào đến đây cũng chỉ chăm chăm đòi mua thuốc Kookling Kookchoong, thế mà mày lại không. Rồi ông ghé tai tôi nói nhỏ: Cứ chạy nhảy nhiều nhiều là sẽ khỏe nhiều nhiều. Thuốc chỉ dành cho những người lười thôi!”. Thế đấy! Có vẻ uy-mua nhưng nó cũng có một phần sự thật.
Bởi sự thật là ông Kông ấy, trước hết là một người săn voi. Ông săn voi rất giỏi và tất nhiên như thế thì phải là một người đàn ông thông minh, khỏe mạnh và đẹp trai. Với từng ấy tố chất thì các bà các cô không mê mới lạ. Mà như có lần ông nói với người viết bài này: Đời tôi chỉ sợ đàn bà buồn và khổ. Họ yêu mà tôi không yêu lại thì thế nào họ cũng khổ và buồn, vậy nên tôi phải làm cho họ không khổ và buồn. Nói trộm vía luật hôn nhân gia đình của chúng ta chứ, dân đạo Hồi họ được phép lấy đến 4 vợ mà họ có cần Ama Kông đâu.
Thế nhưng ở đây, uy tín trong việc vợ trẻ hơn đến nửa thế kỷ vẫn có con khiến cho loại lá ông hay uống thay nước trà như của người Kinh trở thành… thuốc Ama Kông. Hãy nhớ chi tiết này nhé: Người Tây Nguyên chỉ có rượu cần chứ không có rượu trắng. Và rượu cần thì không thể ngâm thuốc bởi nó rất nhạt và không chưng cất. Vậy tức là ông Kông ấy có uống cái món Kookling kookchoong ngâm rượu đâu.
Thuốc Ama Kông “xịn” do con gái ông trực tiếp làm và bán. |
Thế mà chúng ta, cứ coi cái bình rượu đỏ au màu hổ phách để ở đầu giường ấy là chìa khóa của tình yêu, là của gia bảo. Nghe nói có nhiều bà vợ ngâm cho chồng xong còn cẩn thận… khóa lại. Mỗi đêm trước khi ngủ mới lạch cạch mở khóa chi li chắt cho chồng một li nhỏ. Khi hớn hở mang rượu đến thì chồng đã khò từ đời nào, mà đổ vào thì mất công, thế là chị chàng chép miệng và… đổ vào mồm mình vì nghĩ đằng nào thì nó cũng chỉ ở trong người mình.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long một lần cùng tôi sang Đăk Lăk, nghe tôi tán về thuốc Ama Kông, khi về Hà Nội đã kỳ công sưu tầm một bài thuốc như sau: “Ama Kông của em “pha chế” thế này (gửi các bác dùng thử) và em sắc uống đều mỗi ngày: Thể dục sáng 450g ăn sáng nhẹ đúng giờ 50g Không rượu bia trưa 300g cà phê suốt ngày 30g Thấy mỡ không đụng đũa 100g Rủ món ăn lạ tránh xa 250g Thịt thú rừng (nhất là Tây Nguyên) coi như không có 350g Ai chửi cũng cười 500g Ai khen có khi mắng lại 550g Mặc quần lót rộng 240g Tắm toàn thân bằng nước ấm 450g Tắm của quý bằng nước lạnh (càng lạnh càng tốt) 750g Giảm ăn dọc đường 150g Một tuần 4 lần cười với Ama Kông của vợ/người yêu 1.125g Không xem phim THVN 850g Chỉ nhớ những điều tốt đẹp 650g Giảm đọc báo mục cướp – giết – hiếp 950g và 55g tùy các bác pha chế liều lượng cho công việc làm chữ, nhất là “phu chữ” gian khổ như các bác là bị tiêu diệt rất lớn cái… vụ kia. Rồi các bác cho tất tần tật vào hấp cách thủy, chiết để tủ lạnh uống dần. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần uống 1 bát ăn cơm (không uống bát nhựa Trung Quốc!). Riêng bài thuốc của nhà thơ Văn Công Hùng em thỏa hiệp bỏ món thú rừng… bác làm sao nhịn được… cái vụ này khi suốt ngày bác tiếp khách cơ chứ…hihi…”.
Thì chỉ là chuyện loành quành nên nó cũng hư thực như chuyện thuốc của dũng sĩ săn voi Ama Kông thôi, chép ra đây ai… tò mò thì đọc…
Bài và ảnh: Văn Công Hùng