Hà Nội

Những “chuyện lạ” trong ốc đảo O2

21-07-2013 11:00 | Thời sự
google news

Làng O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh, Bình Ðịnh) là làng xa nhất của huyện nghèo nhất tỉnh với một ngày đường đi bộ. Mấy mươi năm sau ngày đất nước hòa bình nhưng O2 vẫn gần như biệt lập với bên ngoài. Và chuyện làm lúa nước, chuyện học chữ nơi này bỗng dưng trở thành “chuyện lạ” với người dân.

Làng O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh, Bình Ðịnh) là làng xa nhất của huyện nghèo nhất tỉnh với một ngày đường đi bộ. Mấy mươi năm sau ngày đất nước hòa bình nhưng O2 vẫn gần như biệt lập với bên ngoài. Và chuyện làm lúa nước, chuyện học chữ nơi này bỗng dưng trở thành “chuyện lạ” với người dân.

Kỳ tích nơi “ốc đảo”

Người Ba Na tại làng O2 đã bao đời nay vì không có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài nên cuộc sống chẳng khác nào một ốc đảo, người dân quanh năm chỉ biết phá rừng làm rẫy mặc dù tiềm năng đất đai của địa phương hết sức dồi dào và màu mỡ. Đấy là nghe anh bạn nói thế lúc ở trung tâm huyện, chứ trong lòng tôi vẫn đinh ninh rằng bây giờ O2 đã khác lắm rồi, đời sống người dân đã ít nhiều được cải thiện chứ đâu còn như mấy năm trước nữa.

Những “chuyện lạ” trong ốc đảo O2 1
Một góc làng O2 bây giờ.

Sau 40 cây số đi bằng xe máy từ trung tâm huyện, chúng tôi có mặt tại cầu treo Đak Miên để bỏ xe máy lại vì không còn đường đi rồi quyết tâm lên O2 với tất cả sự hào hứng lẫn mệt nhọc, vất vả ngay từ con dốc đầu tiên ngược lên phía núi cao vời vợi dốc đứng như ngọn dừa. Tiếp theo đó là dốc, và lại là dốc. Sau 2 giờ đồng hồ, mưa phùn lất phất rơi trên những tán rừng nhuốm thêm màu biếc cho đại ngàn. Đường vào O2 thêm trơn trượt. Những con vắt ngo ngoe dưới đất, trên lá càng làm nhanh thêm những bước chân mệt mỏi. Rồi bất ngờ O2 hiện ra nhạt nhòa trong mưa rừng ở một thung sâu. Làng chỉ vẻn vẹn chừng 40 hộ dân với 209 nhân khẩu, quần tụ ở 5 cụm dân cư, lấy nhà rông của làng làm điểm trung tâm. Mà mỗi cụm có từ 7 - 8 hộ tính từ trung tâm ấy.

 Bá Gan - Bí thư làng O2 đón chúng tôi tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày mới gặp. Người Barnah vốn thế, người vùng cao vốn thế, cứ trầm hùng và khoáng đạt như gió đại ngàn vậy. “Bây giờ thì sướng nhiều rồi, làng hôm nay có nhà rông đẹp vừa được Nhà nước làm cho, có điện để thắp sáng nè, con cháu trong làng được đi học ở các trường gần, trường xa. Người Barnah mình đỡ khổ nhiều rồi. Đấy là kỳ tích đấy!”. Bí thư Gan bảo thế khi dẫn chúng tôi đi thăm thú quanh làng chờ cho tới bữa rượu mà bà con đang làm để tiếp khách.

Bok Thoảng, 82 tuổi, ở làng O2 nhưng trông Bok vẫn còn khỏe lắm. Cả cuộc đời gắn bó trên ngôi làng nằm giữa đại ngàn hun hút gió, bao nghìn lần mặt trời lặn mọc, Bok chứng kiến được hết cuộc sống của người dân ở O2 đổi thay từng ngày. Người dân O2 bấy lâu nay vẫn chỉ sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính, cả làng có khoảng 6ha ruộng lúa nước, mỗi năm gieo cấy 2 vụ. Đấy là nhờ cán bộ người Kinh lên hướng dẫn làm lúa nước, hướng dẫn chăm bón và thu hoạch, chứ dân làng O2 chỉ biết trồng lúa rẫy thôi. Mà lúa rẫy trồng một mùa (một năm trồng được một vụ vào lúc mùa mưa) ăn chỉ 3 tháng là hết. Lại đói. Nhờ biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa nước ở O2 cũng được từ 35 - 40tạ/ha. Như nhà Bá Khít trồng lúa nuôi được người, lại nuôi được cả heo gà, trâu bò. Đàn gia súc nhà Bá Khít có hơn 10 con trâu, 7 con bò lớn không tính những con bê, nghé mới sinh ra. Bá Khít nhẩm tính các nguồn thu trong năm của gia đình cũng được khoảng 30 triệu đồng. Bá Khít là người giàu nhất làng đấy.

Một kỳ tích mà Bí thư Gan cho biết, đấy là bây giờ, người O2 không phá rừng nữa, mà thay vào đó là trồng cây công nghiệp dài ngày. Ở O2 bây giờ có rất nhiều hộ xuống dưới xuôi cõng cây công nghiệp dài ngày về trồng trong vườn rừng. Ngoài cây luồng và tre điền trúc lấy măng, bà con đã trồng hơn 40ha cây bời lời, điều, cà phê. Lứa cây đầu tiên đã cho thu hoạch với thu nhập hàng chục triệu. Bà con mừng lắm! Chưa hết, những rẫy đất mênh mông ở O2 được trồng các loại cây nông sản canh tác trên diện tích rẫy cũ, không phát rẫy mới để bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng mà bà con đã ký với Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện. “Đấy là kỳ tích chứ còn gì nữa!”, Bí thư Gan hào hứng vỗ vai tôi như thế. Mà cũng phục thật! Người dân vốn quen với quan niệm văn hóa và kinh tế rừng, lấy rừng làm nguồn sống, bây giờ không còn cảnh đốt rừng làm nương rẫy, không còn chặt cây phá rừng nữa. Đó cũng xứng đáng là một kỳ tích của O2 vậy.

Nhưng còn một kỳ tích khác khiến ai cũng phải trầm trồ kinh ngạc là chuyện O2 làm thủy điện. Điện lưới quốc gia chưa có, cách đây vài năm, Nhà nước đầu tư cho O2 mấy tấm pin năng lượng mặt trời để có điện nghe cái đài, xem cái tivi nhưng điện chập chờn lắm, mùa mưa thì đành bỏ xó vì không dùng được. Thế là bà con bắt tay vào làm thủy điện. Để lên được O2, việc cõng vài ba kilogam đã vất vả. Đằng này mỗi mobil thủy điện cũng không dưới 50kg. Vậy mà ở O2 có 8 hộ làm được thủy điện nhỏ chạy bằng sức nước, cộng với nguồn điện năng lượng mặt trời, thế là 100% số hộ ở O2 giờ đã có điện thắp sáng, xem tivi hằng ngày - Một điều mà không ai ở O2 dám nghĩ tới cách đây vài năm giờ đã thành hiện thực.

Những “chuyện lạ” trong ốc đảo O2 2
 Bá Khít, “người giàu” ở O2.

Cái chữ và mơ ước đủ đầy hơn

Đêm ở làng vùng cao O2, trời như gần hơn. Đại ngàn bao la hơn trong đêm trăng thượng tuần. Lúc đi, vì vội vã mà quên mất giờ đang là mùa phật đản nên trăng mới sáng như thế. Trong nhà Bá Khít, phía trong buồng vọng ra tiếng trẻ ê a học bài của cậu con út lẫn vào tiếng trò chuyện râm ran của mấy Bá, mấy Bok đang mời rượu khách ở bên ngoài. Trong hơi rượu nồng nàn, chủ và khách thân nhau như anh em một nhà. Tôi hỏi chuyện học chữ ở làng. Bá Khít cười rung cả sàn: “Cuối tháng 8/2012, lần đầu tiên O2 đón một cô giáo về dạy cho những đứa trẻ đã quen theo cha mẹ lên nương rẫy. Đó là một ngày đáng nhớ với người O2 nơi đây. Từ xưa tới nay có ai biết cái chữ là gì đâu, có cô giáo về mới có cái chữ. Chứ nếu không lũ trẻ phải xuống trung tâm xã trọ học, vất vả lắm!”, các Bá, các Bok cũng cười. Đó là niềm vui của người O2, cũng là niềm hy vọng của cả O2 này. Như nhà Bá Khít bây giờ không còn lo cái ăn nữa, chỉ lo chuyện học cho lũ trẻ thôi. Mà không chỉ mình Bá khít, ai trong làng này cũng mong như vậy cả.

Sự có mặt của cô giáo Ðinh Thị Kim tại làng O2 là một ngày đáng nhớ với người dân O2. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Barnah thuộc hàng trí thức ở xã Vĩnh Kim này, Đinh Thị Kim đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ. Tốt nghiệp THPT, cô thi vào lớp trung cấp mầm non của Trường Cao đẳng Bình Định vì muốn trở thành giáo viên dạy những “mầm non” của núi rừng. Ra trường, Kim tình nguyện xin lên O2 dạy học.

Cô giáo trẻ trải lòng: “Đồng bào mình thường đem theo con lên nương rẫy. Trẻ không rành tiếng Việt, không được làm quen với chữ cái, con số nên vào học lớp 1 rất khó khăn. Biết O2 là làng khó khăn nhất huyện, chưa có lớp mẫu giáo, mầm non nào nên tôi tình nguyện đến dạy trẻ”. Những ngày đầu, cô giáo trẻ phải đối mặt với bao khó khăn. Hàng tuần, Kim phải lội bộ gần 8km, băng rừng, vượt dốc từ nhà đến lớp dạy trẻ. Cô đến từng nhà vận động đồng bào cho con đi học. Làng chưa có trường mẫu giáo, Kim mượn tạm nhà rông làm lớp, rồi nghĩ cách kê bàn, treo bảng, bố trí tranh ảnh. Suốt 1 năm học miệt mài gieo chữ ở O2, cô giáo trẻ vui khi thấy lứa học trò đầu tiên của mình có nhiều tiến bộ. Trẻ ở O2 giờ chân đã quen mang dép, biết giữ vệ sinh thân thể, đi học đúng giờ, ở nhà thường múa hát, kể chuyện cho ông bà, ba mẹ nghe. Bá Gan không ngại ngần tâm sự: “Cả làng quý cô Kim vì nhờ cô, lũ nhỏ của làng biết hát múa, vẽ, vệ sinh sạch sẽ, nhiều đứa đã lên cân. Trẻ 5 tuổi biết mặt con chữ, con số, nói rõ tiếng Việt, không nhút nhát, rụt rè mà mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp nữa”. Dẫu vậy, bên cạnh những đổi thay đáng mừng, nhưng vẫn còn đó rất nhiều nỗi khó khăn vất vả. Ngôi trường lợp tôn vách nứa đến nay đã tả tơi. Mùa hè nắng dội, mùa đông mưa lùa gió tạt. Cô và trò cùng “xê dịch” vòng tròn trong mấy chục mét vuông ấy, tránh mưa và gió lùa để bồi đắp kiến thức. Trẻ em nghèo mong manh mảnh áo co ro lạnh, khó mà nuốt nổi cái chữ. Nhà công vụ giáo viên cũng không khá gì hơn.

Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt ở O2 chủ yếu lấy từ nguồn nước suối chảy trong các hốc đá. Giữa làng là 2 vũng nước, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện kinh tế khá hơn thì mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép, bên trong có lót vải bạt để trữ nước dùng trong mùa khô. Trong hơi gió thoảng đêm vùng cao, tôi nghe thấy tiếng thở dài trăn trở của Bok Thoảng: “Để người O2 bớt khổ thì mong có một con đường dẫn lên tới đây. Khi nào người O2 được nghe tiếng còi ôtô, có lẽ lúc ấy mới khá hơn được!”, đấy là suy nghĩ của người già như Bok Thoảng. Còn tôi, đến tận lúc chia tay O2, vẫn không khỏi băn khoăn khi nghĩ về điều Bok Thoảng nói. Phải rồi, có một con đường lên đây thì người O2 mới hết khổ được.                        

  Bài và ảnh: Phạm Hữu


Ý kiến của bạn