Hà Nội

Những chuyện kỳ lạ ở một ngôi chùa

29-06-2017 16:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Về miền đất Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) văn hiến, ta bắt gặp những hình ảnh huyền ảo ngàn năm, không nơi nào có được.

Về miền đất Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) văn hiến, ta bắt gặp những hình ảnh huyền ảo ngàn năm, không nơi nào có được. Đó là chiếc cầu Mái lá được xây từ đời Lý ở làng Kênh. Hay làng nghề tơ lụa Cổ Chất hình thành hàng trăm năm, nơi sinh ra những câu hát dân ca say đắm lòng người. Và ai đã đến chùa Cổ Lễ, ắt không khỏi ngạc nhiên bởi những chuyện thật kỳ lạ nơi đây.

Một khu vườn cổ tích

Đầu tiên, phải nói đến bố cục kỳ lạ về quần thể kiến trúc, độc nhất vô nhị của chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự). Công trình được xây trên nền móng đầu tiên của ngôi chùa Cổ Lễ, do Quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng, từ thời Lý Thần Tông (1128-1138). Mới thoạt nhìn, ai cũng ngờ ngợ đó là một khu nhà thờ đạo, với phong cách kiến trúc Gô-tích phương Tây. Cao lớn, với mái vòm cong, nhiều ô cửa tạo sự uy nghiêm, kỳ vĩ. Đó là hình ảnh của ngôi chùa chính với quan niệm “Nhất Thốc Lâu đài”, mà hòa thượng Phạm Quang Tuyên (1851-1934), người xây dựng chùa năm 1902, đã nuôi ý tưởng ngay từ đầu. Nhưng kiến trúc sư này đã giữ lại cái hồn cốt của một ngôi chùa Việt, ở những đường cong và chạm khắc trên mỗi góc chùa, cùng điểm tô những mái ngói rất bất ngờ xuất hiện. Nhưng riêng nội dung ở bên trong lại hoàn toàn theo các cung bậc thiết yếu của một ngôi chùa thờ Phật. Ngài hòa thượng này đã vẽ những bản thiết kế trong đầu, theo sự phối hợp mỹ học về kiến trúc hòa nhập giữa phương Đông và phương Tây, tạo dáng vóc của chùa Cổ Lễ thật cuốn hút và lạ mắt.

Những chuyện kỳ lạ ở một ngôi chùaCầu Mái lá làng Kênh.

Ngoài chùa chính cao 29 mét, thì phía trước chùa, hòa thượng Phạm Quang Tuyên còn cho xây một ngôi tháp cao tới 32 mét, với chín tầng cùng 64 bậc lên xuống. Ông quan niệm 64 bậc dẫn lên đỉnh tháp, ứng với 64 quẻ Kinh dịch, nói lên sự biến hóa vô thường theo quy luật trời đất. Đó là sự thâm sâu của “sắc sắc - không không” trong đạo Phật. Ông cho đó là một “Ngôi nhà đích thực”, với tư duy biện chứng Phật pháp rằng, ngôi nhà đích thực của ta là ở đây, ngay bây giờ, không giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc gia hay chủng tộc. Kinh dịch là vậy. Tháp có cái tên mang hình ảnh hoa sen: “Cửu phẩm Liên hoa”, với 9 tầng hoa sen dẫn lên vũ trụ đạo Phật. Tư tưởng Phật pháp còn có điểm nhấn khi hòa thượng xây ngôi tháp trên lưng một cụ Rùa, dài 18 mét, rộng 10 mét làm chân đế vững chãi cho ngôi tháp thờ Phật A di đà. Đó là sự bền vững và tôn nghiêm của Đức Phật chủ trì thế giới Tây phương cực lạc. Có thể nói việc xây tháp “Cửu phẩm Liên hoa” còn khó hơn cả xây chùa chính, tạo nên ấn tượng khó quên. Ấy là còn chưa nói đến xung quanh tháp còn có bốn ngọn giả sơn, cùng những chú voi, tạo nên sức sống trường tồn. Đó cũng là nền tảng chân thực, hướng tới Phật pháp sâu sắc của các phật tử, mỗi khi đến đây.

Sự lạ thứ ba ở chùa Cổ Lễ còn ở tháp chuông và quả chuông lớn nhất nước, gắn với những sự kiện lịch sử, kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Cổ Lễ. Riêng quả chuông “Đại hồng chung”, do chính những người dân Cổ Lễ đúc, với  chiều cao 4,2 mét, đường kính 2,2 mét và nặng tới 9 tấn. Không những thế, đây là quả chuông đồng đã được pha chế cùng vàng bạc, vòng nhẫn, hoa tai mà người dân Cổ Lễ và dân chúng quanh vùng đã cung tiến vào năm 1937. Khi chuông vừa đúc xong, thì kháng chiến bùng nổ, chùa đã phải dìm chuông xuống hồ sâu. Mãi đến năm 1954, chuông mới được vớt lên và giữ nguyên trạng bày như hiện nay, để cho Phật tử khắp nơi đến chiêm ngưỡng. Sau này, các Phật tử còn đúc được quả chuông mới (năm 2003), bày dưới tầng một tháp chuông phía sau chùa chính, lớn và nặng không kém chuông “Đại hồng chung”. Nhưng với thời gian và lịch sử hội tụ vào những năm đầu kháng chiến, chuông “Đại hồng chung” là một kỳ quan, mang yếu tố tâm linh mà những tấm lòng phật tử dành cho chùa Cổ Lễ. Đồng thời, đó cũng là minh chứng cho một hình ảnh kỳ lạ khác về những người con Phật tu luyện tại chùa Cổ Lễ. Họ đã hiến dâng thân mình cho đất nước, khi có nguy biến. Những ký ức ấy không bao giờ phai mờ...

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Đây cũng là hình ảnh tinh thần lớn và cũng là nét độc đáo mà chỉ có ở chùa Cổ Lễ. Mặc dù, không ít nhà sư ở nhiều nơi đã xung phong vào mặt trận, chiến đấu vì độc lập dân tộc; nhưng cả một đội quân đông tới 27 nhà sư ở chùa Cổ Lễ cùng khoác súng lên đường vào đầu năm 1947, theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại là chuyện chưa từng có. Đáng chú ý, trong số đó còn có hai ni cô là Đàm Nhung và Đàm Lân cùng xung phong đầu quân. Họ đã hát bài ca “Cùng nhau đi hùng binh”, đội mũ gắn sao lên đường, khích lệ lòng người trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Hiện bia nhà chùa còn khắc những vần thơ hừng hực khí thế lên đường kháng chiến năm đó: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào. Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao. Ra đi quyết rửa thù cứu nước. Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào”. Phải nói, đây là hình ảnh đậm chất lãng mạn cách mạng của những chiến binh Phật tử, tại ngôi chùa ngàn năm này. Sự kiện hy hữu này điểm tô cho bản anh hùng ca của dân tộc, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của chiến sĩ, đồng bào cả nước ta.

Những chuyện kỳ lạ ở một ngôi chùaChùa chính Cổ Lễ.

Một trong những thành viên của đội quân “Nghĩa sĩ Phật tử” ngày đó còn sót lại là Đại tá quân đội Đinh Thế Hinh (pháp danh Thích Pháp Lữ), hiện ở 302, E3, khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Ông năm nay đã ở tuổi 90 nhưng vẫn còn nhớ rõ hình ảnh đầu quân ngày đó tại chùa Cổ Lễ. Trong nhật ký có đoạn ông ghi “Hòa thượng Thích Thế Long (người chủ trì chùa ngày đó) đỡ 27 tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật, đội mũ gắn sao vàng lên đầu 27 nhà sư để thành lập một đơn vị gồm 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn trực thuộc Trung đoàn 34”. Những nghĩa sĩ Phật tử đã vào trận đúng với hình ảnh chiến binh quên thân hiến máu đào. Trong ký ức người thành Nam khi đó còn lưu giữ hình ảnh, trong những trận giao chiến với quân Pháp, đơn vị “Nghĩa sĩ Phật tử” đã dũng cảm chiến đấu, lập công đầu tiên. Nhiều người trong số đó đã hy sinh, trong cuộc chiến đầy cam go nhưng mặt trận nào họ cũng là người chiến sĩ tiên phong, trước mũi súng kẻ thù. 12 người đã nằm xuống, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, để lại dấu ấn khó quên. Sau này, số còn lại đều tiếp tục con đường quân ngũ, hoặc trở lại tu hành khi không còn sức khỏe.

Chưa hết, phòng truyền thống của chùa Cổ Lễ còn ghi lại nhiều dấu ấn sau đó về tinh thần vì nước quên thân của các nhà sư nơi đây. Vào những năm kháng chiến, chùa Cổ Lễ trở thành nơi hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ và là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc của huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định trong nhiều năm. Hòa thượng Thích Thế Long, trụ trì chùa Cổ Lễ lúc đó hết lòng tham gia công tác kháng chiến và đảm đương nhiều trọng trách trong giáo hội. Sau này ông còn giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, nước Cộng hòa XHVN Việt Nam. Trong chùa hiện còn kỷ vật của hòa thượng Thích Thế Long. Đó là chiếc ôtô do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng ngài vì công trạng hoạt động cách mạng. Hơn nữa, vào năm 1979, các nhà sư tu tại chùa Cổ Lễ tiếp bước truyền thống cách mạng, đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong một cuộc phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài khi đề cập đến việc các nhà sư ra trận cầm súng có phạm lỗi Phật dạy, hòa thượng Thích Thế Long đã bày tỏ chính kiến một cách sâu sắc. Ông nói: “Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh thì trừ một kẻ ác để cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa”. Chính vì tinh thần đó, các nhà sư luôn đồng hành cùng dân tộc.

Hội chùa

Hội chùa Cổ Lễ, từ ngày 13 đến 16 tháng chín âm lịch hàng năm, bao giờ cũng thu hút hàng chục ngàn người thập phương tụ về với sự lắng đọng của tinh thần Phật sống trong lòng dân tộc. Phật tại tâm cũng chính vì lẽ đó. Các Phật tử đến với niềm tin rằng, mình đang về ngôi nhà đích thực của mình, bên tháp “Cửu phẩm Liên hoa”. Ngày tưởng nhớ đến Quốc sư Nguyễn Minh Không (14/9), người đầu tiên xây dựng chùa Cổ Lễ, đã đi vào tiềm thức của dân gian, với câu ca dao: “Dù ai buôn bán trăm nghề. Mười tư tháng chín thì về hội Ông”. Không ít cư dân các vùng miền lân cận còn coi đây là cái tết thứ hai trong năm. Họ coi đó là ngày về với tổ tiên Phật đạo. Đó là sự trở về của bóng tối trở thành ánh sáng. Họ trả lại đời những sân hận và quay lại đường tu với sự bừng chiếu của chính niệm bao dung.

Mọi người đến đây và ngộ ra, “hạnh phúc” chỉ có được khi ta có khả năng dừng lại, trân quý giây phút hiện tại và trân quý chính bản thân mình. Ta không cần phải trở thành một người khác. Ta đã là một sự màu nhiệm của sự sống rồi. Chính hòa thượng Thích Tâm Vượng, trụ trì chùa Cổ Lễ hiện tại, cũng đã dịch bài thơ “Nhất thốc Lâu đài”, viết về ngôi chùa, của Phạm Quang Tuyên, với ý nghĩa thiền như vậy. Nhà thơ thể hiện: “Mây lành che phủ áng từ vân. Mười phương lan, cúc chen chân tới. Một khóm lâu đài nhúc nhích xuân. Mơ ước ngàn năm đâu dễ gặp. Nay về chốn Cổ Lễ phong thuần”. Cùng với thiền, sự nhận biết của mỗi phật tử khi đến đây đã ngộ ra, cần từ bi cùng với trí tuệ để đi xa hơn trên mỗi con đường. Chính vì thế, vì sao trên mỗi cánh tay của Bồ tát lại cầm một công cụ khác nhau, và trong lòng bàn tay lại có một con mắt trí tuệ. Quốc sư Nguyễn Minh Không đã từng nói như thế. Hàng ngàn phật tử mỗi năm lại về đây, nghe và tỉnh giác vì những con mắt trên ngàn bàn tay.


Bài và ảnh: Cảnh Linh
Ý kiến của bạn