Hà Nội

Những chuyện khó tin về tỉnh dậy sau hôn mê

22-01-2015 13:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Không giống như trên phim ảnh hay trong sách truyện, khi rơi vào trạng thái hôn mê kéo dài dường như người bệnh đã nắm chắc trong tay án tử. Nhưng mỗi một con người trong câu chuyện dưới đây là một điều kỳ diệu khó tin nhưng có thật sau hôn mê.

Các trường hợp bệnh nhân hôn mê thường không kéo dài, chỉ một vài tuần, nhưng có những người tình trạng hôn mê kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhiều người trong số đó không bao giờ tỉnh lại, nhưng có những người đã quay trở về với cuộc sống và đó chỉ có thể gọi là hành trình kỳ diệu tìm về sự sống.

Thoát khỏi hôn mê nhờ nghe nhạc

Vào năm 2008, một thợ làm bánh đã nghỉ hưu, ông Sam Carter – 60 tuổi đã rơi vào tình trạng hôn mê do di chứng của bệnh thiếu máu não. Tại Bệnh viện Staffordshire, ở Anh, Carter bị hôn mê suốt 3 ngày, các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có 30% cơ hội có thể tỉnh lại. Tuy nhiên tình trạng hôn mê của ông kéo dài suốt 10 tuần sau đó. Các bác sĩ đã đề nghị vợ ông cho ông nghe các bản nhạc yêu thích, ông đã nghe nhạc bằng tai nghe suốt 3 ngày một bản nhạc mà ông say mê thời trai trẻ của Rolling Stones. Bản nhạc Satisfaction đã “đánh thức” con người Carter, ông đã tỉnh dậy trong sự ngỡ ngàng của gia đình và các bác sĩ. Khi tỉnh dậy Carter cho biết, ông không nhớ nhiều về tình trạng hôn mê của mình, nhưng ông nhớ rằng rất thích bài hát này khi ông 17 tuổi. Ông cho biết, bài hát như đưa ông trở về thời trai trẻ của mình, ban nhạc Rolling Stones đã giúp ông “trở về từ cõi mê”.

Sarah Thomson và gia đình của mình.

Sarah Thomson và gia đình của mình.

Hôn mê “kéo lùi” thời gian

Đó là trường hợp của cô Sarah Thomson, cô đã rơi vào trạng thái hôn mê do cục máu đông trong đầu. Cô đã bị hôn mê trong 10 ngày và khi tỉnh dậy cô nghĩ rằng mọi sự kiện trong cuộc đời cô bị kéo lùi 13 năm chứ không phải năm 2012 của hiện tại. Bệnh nhân 32 tuổi này cứ nghĩ mình mới chỉ đang ở tuổi teen, cô không biết ban nhạc yêu thích của mình, nhóm Spice Girl đã tan rã hay ca sĩ Michael Jackson đã chết. Quan trọng hơn cô không nhận ra chồng và các con của mình. Thời điểm năm 1998, cô vừa mới sinh con với người chồng đầu tiên, nhưng chỉ sau trận hôn mê, cô trở nên hoảng sợ vì mình đã có con lớn 14 tuổi cùng 2 đứa con nhỏ và 1 người chồng hoàn toàn lạ lẫm. Trở về nhà, cô Sarah có nhiều hành động kỳ quặc như một teen thứ thiệt, cô nhuộm tóc, nghe nhạc rock và hành động bốc đồng. Một thời gian sau nhờ chồng và những người trong gia đình cô mới quay trở lại với cuộc sống bình thường của mình.

Tỉnh dậy “quên” tiếng mẹ đẻ

Rất nhiều trường hợp được ghi nhận trên thế giới, người bệnh tỉnh dậy sau hôn mê không thể nói hay viết được tiếng mẹ đẻ của mình. Như anh Ben Mc Mahon ở Australia, anh từng học tiếng Pháp và tiếng Trung nhưng chưa bao giờ thành thạo. Sau tai nạn xe hơi năm 2012, anh bị hôn mê, nhưng điều ngạc nhiên là khi tỉnh dậy anh không thể nói được tiếng Anh mà chỉ nói được tiếng Trung, mãi sau này anh đã lấy lại được khả năng tiếng Anh của mình nhưng khả năng tiếng Trung cũng không hề mất đi.

Hay như trường hợp cô bé Sandra Ralic, 13 tuổi ở Croatia đã từng học tiếng Đức. Chỉ sau một trận hôn mê 24 giờ, cô bé đã tỉnh dậy và có khả năng nói chuyện như được sinh ra ở Đức trong khi đó lại không thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.

Sáng tác nhạc trong thời gian hôn mê

Fred Hersch là một nghệ sĩ piano đương đại, những năm đầu thập niên 90, ông được chẩn đoán mắc căn bệnh thế kỷ AIDS. Năm 2008, căn bệnh tàn phá cơ thể anh, cộng thêm chứng mất trí, ông bị sốc nhiễm trùng và đi vào hôn mê. Sau 2 tháng hôn mê, ông Fred Hersch tỉnh dậy, tích cực tập vật lý trị liệu và tiếp tục chơi nhạc. Chính âm nhạc đã đưa ông trở về với cuộc sống. Ông đã viết thêm nhiều bản nhạc mà ông cho rằng mình sáng tác “trong thời gian bị hôn mê”.

Ông Jan Grzebski và vợ- người đã ở bên chăm sóc ông suốt 19 năm hôn mê.

Tỉnh lại sau 19 năm hôn mê

Câu chuyện hôn mê của ông Jan Grzebski ở Ba Lan đã rất nổi tiếng và được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải. Năm 1988, khi đang làm việc trên đường sắt, Jan Grzebski gặp tai nạn khi đang làm việc, ông đã bị hôn mê suốt 19 năm. Theo chẩn đoán cúa các bác sĩ tình trạng hôn mê của ông chỉ kéo dài được khoảng 2-3 năm, nhưng mọi chẩn đoán đều sai, ông Jan Grzebski đã sống sót và tỉnh dậy sau 19 năm mê man. Ông đã phải học lại tất cả từ đầu từ việc đi lại, nói năng đến cả việc thích nghi với thời cuộc, với 11 người cháu mà lần đầu tiên ông nhìn thấy chúng.

Tỉnh lại 18 giờ rồi lại hôn mê

Trường hợp hy hữu này là của một viên cảnh sát 33 tuổi tên là Gary Dockery. Ông làm cảnh sát ở Tennnessee, Mỹ và bị hôn mê sau một vụ đấu súng. Ông đã bị bắn vào đầu, cuộc phẫu thuật đã không làm Gary Dockery tỉnh lại, anh rơi vào trạng thái hôn mê suốt 7 năm. Vào một ngày tháng 2/1996, ông bất ngờ tỉnh dậy nói chuyện với gia đình mình, ông nhận ra con trai, nhớ tên cả con ngựa của mình, những kỷ niệm trong quá khứ. Tuy nhiên sau 18 giờ hồi tỉnh, ông lại rơi vào trạng thái thực vật. Sau đó 1 năm ông đã chết vì một cục máu đông trong phổi.

Đang hôn mê bỗng dậy xin uống nước

Năm 2003, Terry Wallis đã làm kinh hãi người mẹ của mình khi đang hôn mê bỗng chốc tỉnh dậy gọi mẹ và xin uống pepsi và uống sữa. Năm Terry Wallis 19 tuổi, anh bị một tai nạn xe hơi khủng khiếp và rơi vào trạng thái hôn mê, bỏ lại người vợ và con gái mới 6 tháng tuổi. Suốt 19 năm hôn mê, anh chưa một lần phản ứng lại bất cứ tín hiệu nào, nhưng khi tỉnh dậy, anh nói chuyện khá mạch lạc. Các bác sĩ đã tiến hành nghiên cứu trường hợp hồi phục kỳ lạ này và đưa ra giả thuyết não bộ của Terry Wallis đã tự sửa đổi cấu trúc của chính nó, khiến anh tỉnh dậy tỉnh táo như vậy.

Nguyễn Hoàng

Theo Listverse


Ý kiến của bạn