Hà Nội

Những chuyến hàng xách tay trái phép của tiếp viên hàng không

01-04-2014 15:34 | Thời sự
google news

Buôn lậu điện thoại, “xách tay” hàng trộm cắp, vàng… Những vụ việc vi phạm điển hình này của tiếp viên hàng không đã bị phát hiện ở nhiều thời điểm, trong đó đã có những tiếp viên bị phạt tù, bắt giữ và đình bay. >> Tiếp viên “xách tay” đồ trộm cắp: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự >> Tiếp vi

Buôn lậu điện thoại, “xách tay” hàng trộm cắp, vàng… Những vụ việc vi phạm điển hình này của tiếp viên hàng không đã bị phát hiện ở nhiều thời điểm, trong đó đã có những tiếp viên bị phạt tù, bắt giữ và đình bay.

Vụ việc mới đây nhất là trường hợp nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc mang mã số 35 tham gia trên đường bay quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, bị cơ quan cảnh sát điều tra Nhật Bản bắt giữ vì hành vi vận chuyển quần áo và mỹ phẩm hàng hiệu có nguồn gốc trộm cắp. Vụ việc thậm chí còn bị cơ quan điều tra truy vấn về việc đã có hành vi này từ giữa năm ngoái.

Cùng với đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Nhật Bản cũng cho rằng, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc không một mình thực hiện hành vi vận chuyển hàng trộm cắp mà còn có sự tham gia của nhiều thành viên trong đoàn bay. Bởi thế, một cơ phó và 4 nữ tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng đã bị cảnh sát thẩm vấn và có yêu cầu dẫn độ sang Nhật Bản để phục vụ cho công tác điều tra.

Ngay khi biết về sự việc nói trên, Vietnam Airlines đã lập tức đình chỉ bay đối với các phi công và tiếp viên mà cảnh sát có nghi vấn, hãng này cũng khẳng định không bao che, dung túng cho những vi phạm và sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra Nhật Bản nhằm làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những cá nhân liên quan.

Đã có nhiều trường hợp thành viên đoàn bay bị bắt giữ và xử phạt vì vi phạm
Đã có nhiều trường hợp thành viên đoàn bay bị bắt giữ và xử phạt vì vi phạm các quy định khi vận chuyển hàng trái phép theo đường hàng không (ảnh minh họa)

Cuối tháng 9/2013, lực lượng an ninh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài phát hiện và tạm giữ 50 chiếc điện thoại iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện do tiếp viên phó của Vietnam Airlines là Bùi Ngọc Tuấn (SN 1977) vận chuyển trái phép qua đường hàng không trên chuyến bay VN1106 từ Paris (Pháp) về Hà Nội.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra và soi chiếu hành lý xách tay, lực lượng an ninh sân bay Nội Bài nhận thấy nam tiếp viên này có biểu hiện lạ khi muốn “né” cửa soi chiếu hành lý của hải quan cửa khẩu. Vì vậy, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị yêu cầu mở hành lý ra để kiểm tra và 50 chiếc iPhone 5S mới bị phát hiện. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, bàn giao vụ việc cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra làm rõ.

Vào tháng 4/2012, nam tiếp viên Thái Anh Tiến (31 tuổi) tham gia đường dây vận chuyển hàng lậu là đồ điện tử từ Australia về Việt Nam tiêu thụ, khi qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất - TPHCM thì số hàng vận chuyển trái phép này bị phát hiện và bắt giữ. Tiếp viên Thái Anh Tiến sau đó bị Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù treo. Đặc biệt, liên quan đến vụ việc của tiếp viên Thái Anh Tiến, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lần theo các dấu vết từ tháng 10/2008 và xác định có khoảng 400 kiện hàng đã được hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển trái phép từ Australia về Việt Nam.

Khoảng giữa tháng 11/2011, khi chuyến bay VN937 của Vietnam Airlines hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh thì lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng. Vụ việc bị Nhà chức trách Hàn Quốc lập biên bản, 3 tiếp viên hàng không bị tạm giữ để điều tra làm rõ nguồn gốc số vàng có trong hành lý và áp dụng mức phạt theo quy định nước này.

Năm 2009, phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines bị tạm giữ tại Nhật Bản vài tháng do có liên quan đến tội mua hàng ăn cắp của các nhóm người Việt rồi “tuồn” về Việt Nam theo đường hàng không. Vụ việc bị đưa ra tòa xét xử nhưng sau đó được đình chỉ đặc cách, tuy nhiên viên phi công này vẫn bị Vietnam Airlines đình bay 1 năm.

Trước những vi phạm của các tiếp viên, mà gần đây nhất là vụ việc tại Nhật Bản, đại diện Vietnam Airlines cho biết việc quản lý khám xét hành lý của thành viên đoàn bay đã có từ cách đây 10 năm, phi hành đoàn có thể bị kiểm tra vali, xe kéo trước khi bay và sau khi bay về, bị hạn chế vali theo đường bay. Vietnam Airlines đã áp dụng biện pháp kiểm tra từng chuyến bay hay xây dựng quy trình kiểm soát, kết hợp với các biện pháp trong giáo dục, huấn luyện, quản lý bay. Tuy nhiên, việc tuân thủ còn tùy thuộc vào ý thức cá nhân.

Mới đây, Vietnam Airlines cũng siết chặt hơn nữa công tác quản lý thành viên tổ bay bằng việc tăng cường trách nhiệm giám sát cho cơ trưởng, tiếp viên trưởng, họ chịu trách nhiệm kiểm soát các thành viên trong phi hành đoàn mang hàng ngoài quy định và có quyền ra quyết định không cho thành viên vi phạm tham gia tổ bay.

“Với một hãng hàng không khai thác trung bình hơn 300 chuyến bay mỗi ngày thì kiểm tra không phải là biện pháp duy nhất, chúng tôi cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ nhiều phía cơ quan hữu quan như hải quan, xuất nhập cảnh ở các đầu sân bay để hạn chế triệt để tình trạng vi phạm và giải quyết tận gốc tình trạng này” - đại diện Vietnam Airlines cho nhấn mạnh.

 

 

 


Ý kiến của bạn