LTS: Ngày 2/3/2011 là một cột mốc đáng nhớ của lịch sử y học Việt Nam khi lần đầu tiên các thầy thuốc Việt Nam tự đảm nhiệm và thực hiện thành công ca ghép tim từ người chết não. Để có được thành quả này, các thế hệ thầy thuốc của chúng ta đã phải dày công học hỏi hàng chục năm trời. Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về thành công của ca ghép tim tại BVTW Huế, báo SK&ĐS xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Giám đốc BVTW Huế, GS.TS. Bùi Đức Phú, người đã trực tiếp phẫu thuật những ca mổ tim hở đầu tiên tại BVTW Huế và là phẫu thuật viên chính của ca ghép tim này.
Toàn cảnh ca phẫu thuật ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. |
Bước chuẩn bị gần nửa thập kỷ Hội đồng Khoa học công nghệ BVTW Huế đã đánh giá kỹ lưỡng các yêu cầu về nội dung khoa học, phương pháp nghiên cứu logic, tính khả thi cao của ca ghép tim thể hiện qua năng lực tổ chức triển khai, điều kiện cơ sở trang thiết bị hiện đại để thực hiện, đội ngũ cán bộ có trình độ cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị phẫu thuật hồi sức tim mạch và ghép tạng, có sự hỗ trợ của các trung tâm ghép tim quốc tế và đặc biệt nguồn cho tạng có nhiều thuận lợi.
Đưa trái tim người cho vào ngực người nhận. |
Về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị: Trung tâm Tim mạch BVTW Huế được xây dựng và đưa vào hoạt động vào năm 2007 gồm 5 Khoa chuyên ngành tim mạch. Trang thiết bị chủ yếu của Trung tâm gồm có: hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (4 dàn) để tiến hành phẫu thuật ghép tim; hệ thống ECMO rất cần thiết cho hồi sức sau ghép tim; hệ thống Contrepulson ĐMC hỗ trợ cho bệnh nhân chờ ghép tim; các máy CT Scan 64 lát cắt, DSA (thông tim chụp mạch khảo sát huyết động học), Cardiospect, 4 Siêu âm Doppler có đầu dò thực quản rất cần thiết để đánh giá bệnh nhân chờ ghép tim; EEG để chẩn đoán chết não, 20 máy thở. Các máy sinh hoá định lượng Cyclosporin, độ tương hợp HLA, đọ chéo. Ngoài ra, BV còn có các khoa Ngoại thần kinh, Giải phẫu bệnh, Hồi sức cấp cứu trung tâm tham gia vào công tác hồi sức bệnh nhân chết não hiến tạng. Đặc biệt với ghép tim, Trung tâm Tim mạch đã triển khai và hoạt động có hiệu quả tốt kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn bằng oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). ECMO là kỹ thuật đặc biệt cần thiết để duy trì sự sống cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chờ ghép tim; bệnh nhân chết não cho tim và đặc biệt hữu ích hỗ trợ tuần hoàn sau ghép khi có thải ghép cấp hoặc để duy trì huyết động trong thời gian chờ đợi hồi phục chức năng tim ghép... ECMO là một trong những yếu tố quyết định thành công trong ghép tim.
Ghép tim cho người bệnh. |
Chúng tôi đã có một đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo đồng bộ chuyên ngành tim mạch trong và ngoài nước. Bệnh viện đã có các mối quan hệ hợp tác với các trung tâm ghép tim quốc tế rất hiệu quả như Trung tâm ghép tim nổi tiếng ở Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan... Ngoài ra, Hội đồng Ghép tim BVTW Huế đã chỉ đạo biên soạn sách “Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim” nhằm tăng cường sự phối kết hợp và huấn luyện đội ngũ cán bộ y tế có trình độ tham gia vào chương trình ghép tim của bệnh viện. Công tác tổ chức điều hành được vận hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế khoảng 60 người gồm 8 tổ chuyên môn: Tổ chuẩn bị bệnh nhân trước mổ và điều trị sau ghép, Tổ chẩn đoán chết não, Tổ hồi sức chết não, Tổ phẫu thuật lấy và ghép tim, Tổ gây mê và hồi sức sau mổ ghép tim, Tổ cận lâm sàng (Kíp miễn dịch truyền máu, Kíp chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng tim mạch, Kíp chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thần kinh, Kíp thông tim can thiệp, Kíp giải phẫu bệnh, Kíp hóa sinh, Kíp vi sinh), Tổ hậu cần, Tổ truyền thông. Hàng tháng Hội đồng họp một lần, và hàng tuần mỗi tổ họp một lần. Tập trung tập huấn trao đổi trong công tác quản lý bệnh nhân chờ ghép tim, thành lập danh sách bệnh nhân chờ ghép tim; quản lý điều phối nguồn tạng nói chung và nguồn tạng có thể có từ đối tượng chết não nói riêng; thực hành thao tác lấy tim và ghép tim thực nghiệm, quản lý kiểm tra chất lượng vật tư trang thiết bị phục vụ ghép tim. Xây đựng kịch bản tổng diễn tập ghép tim và được diễn tập tổ chức lấy tim và ghép tim từ người cho chết não . Đặc biệt số lượng bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Trung ương Huế hàng năm có đến hàng trăm, nguyên nhân thường gặp là chấn thương sọ não do tai nạn giao thông trong đó có 50% từ bệnh viện các tỉnh miền Trung chuyển đến. Ghép tim có điểm đặc thù chỉ sử dụng nguồn tạng từ người chết não có liên quan chặt chẽ về pháp luật, do đó, mô hình tổ chức là rất quan trọng.
Quả tim được đặt vào vị trí an toàn. |
Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não Tháng 6/2010, Bộ Y tế thành lập Hội đồng để thẩm định và công nhận các điều kiện của Bệnh viện trung ương Huế về hoạt động ghép tim lấy từ người cho chết não và đến tháng 8/2010, Bộ Y tế ra Quyết định công nhận BVTW Huế là cơ sở có đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép tim từ người cho chết não 14 giờ ngày 28/2/2011, thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não được triển khai một cách khẩn trương với tinh thần trách nhiệm rất cao bởi các kíp chuyên môn của Hội đồng ghép tạng. Nạn nhân được xác định là chết não theo Luật về chẩn đoán chết não do Quốc hội ban hành và theo “Tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng và các trường hợp không áp dụng tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não” của Bộ Y tế. Công tác văn bản pháp luật được triển khai, cũng như công tác hồi sức tích cực được tiến hành song song đồng thời với tinh thần khẩn trương nhằm bảo tồn và duy trì sự sống cho các tạng còn lại ở nạn nhân chết não để phục vụ cho công tác ghép tạng.
Các thầy thuốc thực hiện đóng thành ngực cho bệnh nhân. |
Diễn biến ca phẫu thuật 15 giờ ngày 1/3/2011, thời điểm quyết định với hội chẩn lần cuối cùng của hội đồng chuyên môn tuyển chọn một bệnh nhân đang được điều trị chờ ghép tim tại Bệnh viện trung ương Huế có những đặc điểm tương đồng miễn dịch cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến. Để đi đến quyết định cuối cùng này, ngoài thăm khám lâm sàng cần phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp tiến hành cho cả người cho tim chết não và người sẽ nhận ghép tim tại hệ thống labo của bệnh viện. Các xét nghiệm cận lâm sàng này được phân ra 3 nhóm nhằm (1) đánh giá chức năng các cơ quan; (2) đánh giá tương hợp miễn dịch; và (3) nhằm phát hiện nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong và sau khi ghép tim để từ đó có phương thức điều trị thích hợp. Sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng nhằm đưa lại tỉ lệ thành công cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn tạng, và tính chất sống còn của cuộc phẫu thuật ghép tim. Tất cả xét nghiệm đều phù hợp và chấp nhận được, tuy vậy chúng tôi phải chờ kết quả xét nghiệm đọ chéo máu, phải mất 8 giờ mới có kết quả. Chờ đợi trong nỗi lo vì bệnh nhân chết não sắp sửa tử vong thì không lấy được tạng và nếu kết quả đọ chéo dương tính thì chống chỉ định ghép. Có nghĩa là phải hoãn thực hiện. May thay, kết quả đọ chéo âm tính và 22h ngày 1/3/2011, cuộc phẫu thuật ghép tim được bắt đầu tại trung tâm tim mạch Huế bởi chính đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện trung ương Huế. Bệnh nhân được phẫu thuật ghép tim là Trần Mậu Đ., 26 tuổi, ở phường Phú Hội, Thừa Thiên Huế với chẩn đoán bệnh cơ tim giãn; suy tim độ IV; phân suất tống máu thất trái tâm thu EF # 17%. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Quả tim được lấy từ một nơi khác và chuyển đến phòng mổ ghép trong vòng 30 phút, thời gian thiếu máu lạnh ngắn dưới 1 giờ. Bệnh nhân được phẫu thuật theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với hai miệng nối tĩnh mạch chủ, đây là một kỹ thuật tuy hơi phức tạp so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ , nhưng kỹ thuật này tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua van 2 lá và van 3 lá và đặc biệt phù hợp với độ tuổi còn rất trẻ của bệnh nhân, phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tim thế giới. Cuộc mổ kéo dài 5 tiếng và kết thúc lúc 3giờ sáng ngày hôm sau (2/3/2011). Sau mổ 7 giờ các thông số huyết động, hô hấp, tri giác hoàn toàn bình thường, chức năng tim tốt với phân suất tống máu thất trái EF # 57% và đã được rút ống nội khí quản và tự thở. Ngày thứ ba sau mổ (5/3/2011) diễn biến khá thuận lợi các thông số huyết động ổn định, FE 60%, không có dấu hiệu nhiễm trùng, các chỉ số miễn dịch trong phạm vi điều chỉnh. Bệnh nhân đang được tập phục hồi chức năng để trở lại sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân sau phẫu thuật đang hồi phục tốt. |
Kết quả rực rỡ Thành công ban đầu của ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não đã tạo động lực mới cho toàn thể kíp ghép tim và CBCC BVTW Huế. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng hoàn thiện trong chuyên môn nghiệp vụ và y đức, cầu thị hợp tác phát triển vì sự nghiệp y tế, từng bước cải thiện các vấn đề tổ chức - điều hành, chương trình truyền thông về hiến ghép tạng, quan niệm tôn giáo... chúng tôi hy vọng có thể thực hiện được một cách thường qui phẫu thuậ t ghép ghép tim trong thời gian sớm nhất.
Lịch sử phẫu thuật tim trên thế giới bắt đầu từ năm 1938. Ở nước ta, bắt đầu bằng ca mổ nong van hai lá do hẹp tại Bệnh viện Việt Ðức, Hà Nội do GS Tôn Thất Tùng thực hiện năm 1958. Nhưng do chiến tranh, mãi tới năm 1991, Viện tim TP Hồ Chí Minh mới được thành lập và triển khai phẫu thuật tim hở một cách chính quy. Trong khi đó nhu cầu điều trị của bệnh nhân tim mạch ngày càng đòi hỏi cấp bách. Với số dân 70 triệu người vào thời điểm những năm 90 cả nước chỉ có hai địa điểm phẫu thuật tim mạch (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) mỗi năm giải quyết khoảng 1.500 ca. Tại miền Trung, chuyên ngành này còn bỏ trống mặc dù dân số ở khu vực này gần 15 triệu người. Nếu chúng ta biết rằng tại Pháp có 1 trung tâm tim mạch cho 1 triệu dân, tại Mỹ có 3 trung tâm cho 1 triệu dân, thì sẽ thấy có sự đòi hỏi cấp thiết phải triển khai phẫu thuật tim tại BVTW Huế. |
GS.TS.Bùi Đức Phú