Những chú ý cần thiết khi dùng thuốc cho người mang thai

11-06-2019 10:56 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Danh mục thuốc có tiềm năng gây hại cho thai khá nhiều. Tuy nhiên cũng có loại chống chỉ định tuyệt đối (thầy thuốc không bao giờ cho dùng) nhưng cũng có loại chỉ chống chỉ định tương đối (thầy thuốc vẫn có thể cân nhắc cho dùng khi cần thiết).Nếu dùng bừa bãi, có hại nhưng nếu từ chối mọi thứ sẽ gây trở ngại cho việc điều trị.

Tác động thuốc tới các giai đoạn của thai kỳ

Ba tháng đầu thai kỳ: Thai biệt hóa rất nhanh để hình thành các tổ chức, sớm hay muộn tùy bộ phận (tim từ ngày 1 - 40, thần kinh trung ương từ ngày 15 - 25, chân tay từ ngày 24 - 36) Một số thuốc có thể làm sai lệch quá trình biệt hóa này gây nên dị tật thai. Thí dụ: thuốc động kinh phenytoin gây dị tật tim, khe môi vòm miệng, ảnh hưởng tới bộ xương, thần kinh trung ương, ống tiêu hóa.

Ba tháng giữa thai kỳ: Thai vẫn tiếp tục hoàn thiện một số bộ phận. Lúc này, thai ít nhạy cảm với thuốc. Tuy nhiên, một số thuốc vẫn tác động lên thai gây hại cho các tổ chức dang trong thời kỳ hoàn thiện như thần kinh, sinh dục bên ngoài.

Thí dụ Streptomycin gây suy giảm thính giác, thậm chí có thể gây diếc bẩm sinh.

Ba tháng cuối thai kỳ: Thai đã hình thành đầy đủ các bộ phận. Từ tháng thứ 6, thai bắt dầu “tự chủ” để thích nghi dần với đời sống tương lai ngoài bụng mẹ. Tuy nhiên, lúc này chức năng các bộ phận của thai chưa hoạt động đầy đủ như gan chưa làm tròn nhiệm vụ chuyển hóa, thận chưa làm tròn nhiệm vụ thải trừ.

Trong khi đó, nhau thai mỏng đi, thuốc có thể thấm ồ ạt vào thai gây hại cho thai, cho trẻ sơ sinh và cho cả mẹ. Phần lớn không gây dị tật, quái thai nhưng có thể gây bất thường thai ở trẻ sơ sinh.

Những chú ý cần thiết khi dùng thuốc cho người mang thai

Thí dụ Aspirin  gây ngộ độc trên tim phổi thận của thai, tăng nguy cơ gây chảy máu ở mẹ và thai, làm đóng sớm ống động mạch thai, làm tăng huyết áp động mạch phổi, làm suy hô hấp trẻ sơ sinh, trì hoãn việc chuyển dạ

Suốt thai kỳ: Một số thuốc có thể gây ảnh hưởng không lợi cho thai suốt thai kỳ, nhưng gây bất lợi nặng ở một giai đoạn nào đó, còn ở giai đoạn khác, nhẹ hơn. Rất nhiều thuốc gây hại thai theo cách này.Thí dụ:Methotrexat (thuốc chống gián phân) gây dị tật thần kinh nặng ba tháng đầu thai kỳ (lúc tế bào sinh sản mạnh nhất) nhưng ở các giai đoạn khác (tế bào sinh sản không mạnh bằng), vẫn tiếp tục gây dị tật cho thần kinh nhưng ở mức nhẹ hơn.

Cách phân loại các thuốc có hại cho thai:

Thuốc có hại cho thai được chia thành 5 nhóm:

- Nhóm X: Bao gồm những thuốc đã có bằng chứng gây hại thai trên động vật thí nghiệm và trên người. Tuyệt đối cấm dùng nhóm này cho người có thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải có các biện pháp tránh thai hữu hiệu khi dùng các thuốc này.

- Nhóm D: Bao gồm các thuốc có bằng chứng có hại cho thai trên động vật thí nghiệm và trên người song tác hại đó thấp hơn lợi ích nên vẫn có thể cân nhắc dùng cho người có thai khi cần thiết.

Thí dụ: có bằng chứng người có thai dùng vitamin A mỗi ngày 10.000IU kéo dài sẽ làm cho trẻ sinh ra sứt môi hở hàm ếch. Nhưng với người có thai bị bệnh về mắt, bị bỏng, vì không có thuốc nào phục hồi da và niêm mạc tốt hơn nên vẫn có thể cân nhắc dùng vitamin A mỗi ngày 5000 IU và chỉ trong thời gian gian ngắn.

- Nhóm C: Bao gồm các thuốc có bằng chứng có hại cho thai trên động vật thí nghiệm nhưng chưa có bằng chứng kiểm chứng trên người vì thế cần tránh dùng cho người có thai nhưng cũng có thể dùng khi cần.

Thí dụ mefloquin gây dị dạng xương, khe hở vòm miệng, quái thai, lòi não trên súc vật nhưng chưa được kiểm chứng trên người. Nếu người mang thai 3 tháng đầu thai kỳ bị sốt rét mà không có thuốc thay thế vẫn có thể cho dùng thuốc này

- Nhóm B: Bao gồm các thuốc chưa có bằng chứng có hại cho thai trên động vật thí nghiệm và cũng chưa có bằng chứng kiểm chứng trên người vì thế cần tránh dùng cho người có thai nhưng khi cần, vẫn dùng:

Ví dụ trên súc vật còn non, kháng sinh fluoroquinolon gây thoái hóa sụn khớp chịu lực nhưng chưa thấy gây tác hại trên thai động vật và cũng chưa kiểm chứng trên thai người. Vì vậy khi người mang thai bị nhiễm Shigella mà các thuốc khác không đáp ứng, vẫn có thể dùng thuốc này trong thời gian ngắn với liều vừa đủ có hiệu lực

Nhóm B và nhóm C thường được xếp chung vào cùng một nhóm gọi là nhóm thuốc chưa có đủ thông tin về tác hại với thai và cách xử lý gần giống nhau.

- Nhóm A: Bao gồm các thuốc chưa có bằng chứng có hại cho thai trên động vật thí nghiệm và cũng chưa có bằng chứng kiểm chứng trên người  trong thời gian theo dõi và tổng kết lâm sàng dài. Loại thuốc này được cho là an toàn với thai và được dùng cho người mang thai.

Thai phụ tuân thủ chỉ định của thầy thuốc

- Không dùng thuốc khi chưa cần thiết. Ví dụ: sốt nhẹ chỉ cần chườm lạnh cũng tốt không nhất thiết phải dùng thuốc.

- Người có thai khó nắm được sự phân nhóm này nhưng khi đọc trên tờ giới thiệu thuốc cần chú ý đến chữ cấm dùng, cân nhắc dùng, tránh dùng để hiểu mức độ tác hại và có các cảnh giác thích hợp.

Trong bảng phân loại của Cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm (FDA) (Mỹ - 2004) có tới 1.262 loại hoạt chất nhưng chỉ có 12 loại thuộc nhóm A (an toàn) là được dùng còn lại là các nhóm X-D-B-C (không hoặc khó an toàn) phải cấm dùng, cân nhắc dùng, tránh dùng.

Vì có quá nhiều thuốc ở diện cấm dùng, cân nhắc dùng, tránh dùng, nên người có thai không tự ý chọn lựa mà muốn dùng thuốc phải khám và dùng theo chỉ định của thầy thuốc ngay cả khi thuốc đó thuộc dạng OTC (bán không cần phải có đơn).

Ví dụ: Aspirin là thuốc OTC, nếu dùng trước khi sinh, thuốc có tính chống tập kết tiểu cầu gây chảy máu kéo dài, làm kéo dài thời gian chuyển dạ do dó khi người có thai bị sốt không nên tùy tiện mua thuốc này dùng.

Những chú ý cần thiết khi dùng thuốc cho người mang thaiNgười có thai phải khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc ngay cả khi thuốc đó dạng OTC

- Trong khi dùng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc không tự ý tăng liều (với dụng ý có tác dụng mạnh) không kéo dài thời gian dùng (với dụng ý sẽ chữa khỏi hẳn bệnh). Hết đợt dùng thuốc theo chỉ định nên tái khám để thầy thuốc có thể tiếp tục cho dùng hay điều chỉnh hoặc chỉ định ngừng hẳn.

- Người trong độ tuổi sinh đẻ khi dùng các thuốc chữa bệnh có tiềm năng gây hại thai, trước đó phải khám chắc chắn không có thai mới dùng; trước khi dùng một tháng, sau khi ngừng dùng một vài tháng và trong suốt thời gian dùng thuốc phải có biện pháp tránh thai hữu hiệu.

- Người cần có thai nhưng vì bệnh mạn tính mà phải dùng các thuốc có tiềm năng gây hại thai lâu dài, cần có kế hoạch có thai, trao đổi kỹ với thầy thuốc, thầy thuốc có thể cho ngừng dùng thuốc vào thời kỳ bệnh ổn định (với thời gian cần thiết đủ để mang thai và sinh đẻ).

- Vì lý do nào đó có thể mang thai ngoài ý muốn trong thời gian đùng thuốc, việc bỏ thai hay không hoặc có tiếp tục dùng thuốc hay ngừng… đều phải hỏi ý kiến thầy thuốc. Ví dụ đang dùng thuốc động kinh mà lỡ có thai thầy thuốc vẫn có thể tiếp tục cho dùng thuốc nhằm tránh cho thai phụ lên cơn gây hại thai hơn khi không dùng thuốc. Tất nhiên thầy thuốc sẽ chọn thuốc và theo dõi chặt chẽ thai.

- Một số thuốc có khuyến cáo gây hại thai nhưng khi cần thiết thầy thuốc vẫn có thể cho dùng. Thí dụ nifedipin  được khuyến cáo gây hại thai nhưng thuốc này lại chống co bóp tử cung tốt nên thầy thuốc vẫn cho dùng trong trường hợp nguy kịch đe dọa sẩy thai (với liều lượng và thời gian vừa đủ, có theo dõi cẩn thận).

Trong trường hợp này người có thai cần hiểu rõ giải thích của thầy thuốc để khỏi thắc mắc, yên tâm chấp hành tốt y lệnh sẽ có lợi cho mình.


DS. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn