1. Dừng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Tại Nghị quyết số 116/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 thì người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, nhóm đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.
Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2. Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử
Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Đây là nội dung tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, được Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.
Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
3. Sáp nhập nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, bỏ Tổng cục Đường bộ
Ngày 24/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT giảm từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối trực thuộc bộ, so với quy định trước đây.
Theo đó, cơ cấu tổ chức Bộ GTVT gồm: 1. Vụ Kế hoạch - Đầu tư; 2. Vụ Tài chính; 3. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; 4. Vụ Vận tải; 5. Vụ Pháp chế; 6. Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; 7. Vụ Hợp tác quốc tế; 8. Vụ Tổ chức cán bộ; 9. Thanh tra; 10. Văn phòng; 11. Cục Đường bộ Việt Nam; 12. Cục Đường cao tốc Việt Nam; 13. Cục Hàng hải Việt Nam; 14. Cục Hàng không Việt Nam; 15. Cục Đường sắt Việt Nam; 16. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; 17. Cục Đăng kiểm Việt Nam; 18. Cục Quản lý đầu tư xây dựng; 19. Trung tâm Công nghệ thông tin; 20. Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; 21. Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải; 22. Báo Giao thông; 23. Tạp chí Giao thông vận tải.
Các tổ chức quy định từ (1) đến (18) nêu trên là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Còn các tổ chức quy định từ (19) đến (23) là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Như vậy, so với hiện hành, hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường do hai vụ này tương đối gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau nên cần tổ chức lại thành một đầu mối.
Cùng với đó, giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ an toàn giao thông liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển nhiệm vụ liên quan đến vận tải về Vụ Vận tải. Sáp nhập Vụ Đối tác công - tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư, vì hiện nay việc đầu tư chủ yếu có hai hình thức là đầu tư công và PPP nhưng hai hình thức này chỉ khác nhau một số nội dung ở bước chuẩn bị đầu tư.
Đối với việc “xóa” Tổng cục Đường bộ được dư luận quan tâm thời gian qua, theo ý kiến của Bộ Nội vụ, do thiếu một tiêu chí thành lập tổng cục bởi có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã. Theo đó, Tổng cục sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, để tăng đầu mối cấp Cục. Như vậy, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.
Với Cục Đường cao tốc Việt Nam, nhiệm vụ là tham mưu, quản lý đường cao tốc, đồng thời thực hiện khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc được giao quản lý và có Trung tâm Kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc… Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.
Cũng theo Nghị định số 56, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam có con dấu hình Quốc huy.
4. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối bên thứ ba trong đầu tư xây dựng
Đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối bên thứ ba trong đầu tư xây dựng là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với bên thứ ba trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 20/2022/NĐ-CP, số tiền bảo hiểm tối thiểu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba được quy định cụ thể:
- Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
+ Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
+ Đối với công trình có giá trị từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
5. Giá đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng
Thông tư 55/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 8/10/2022.
Theo đó, mức giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 570.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo: 360.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: 330.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: 290.000 đồng.
- Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 190.000 đồng.
- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 190.000 đồng.
- Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 360.000 đồng.
- Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 330.000 đồng.
- Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 290.000 đồng.
- Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 250.000 đồng
- Xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 110.000 đồng.
(So với hiện hành tại Thông tư 238/2016/TT-BTC thì giá đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng).
6. Những dữ liệu trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam
Từ ngày 1/10/2022, Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):
- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu.
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc thuốc giảm cân khi tự ý sử dụng