Áp dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Từ 25/5, Thông tư 01/2023/TT-VPCP hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng và thuận lợi. Việc áp dụng mã QR đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006).
Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau:
Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Mã thủ tục hành chính; Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; Tên giấy tờ được xuất bản; Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu; Thời điểm xuất bản; Mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; Mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).
Quy định mới về vật dụng được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT
Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu lực từ ngày 9/5, sẽ được áp dụng từ kỳ thi năm 2023.
Cụ thể, theo thông tư trên, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Cũng từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, thí sinh sẽ không được mang theo các máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi dù không có chức năng truyền, nhận thông tin, tín hiệu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có các điểm mới, cụ thể như sau: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Thay vào đó, chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên; bổ sung tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 3 năm; giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới…
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.
Thay đổi quy định về sổ đỏ
Trong tháng 5/2023, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được áp dụng từ ngày 20/5. Nghị định có những thay đổi liên quan đến việc cấp sổ đỏ và nhiều quy định khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện...
Khi đăng ký biến động đất đai hoặc cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì cho phép văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, bổ sung điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân.
Quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo
Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5.
Thông tư gồm 6 điều, quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.
Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao như sau: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại C: Phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; về kinh dị; về ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Ngoài ra, Thông tư còn bao gồm các nội dung về: Nguyên tắc phân loại phim; nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim; nguyên tắc thực hiện cảnh báo; nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo…
Các trường hợp không bị tính tiền chậm nộp phạt giao thông
Thông tư 18/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/5, miễn việc tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp: Trong thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại; Trong thời gian cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.
Thông tư cũng hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 2 hình thức nộp tiền mặt và chuyển khoản.
Từ 15/5 sim không chính chủ sẽ bị thu hồi
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác về họ và tên, CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp… với các nhà mạng.
Thời gian qua, các nhà mạng đã rà soát thông tin và thực hiện thông báo đến từng số thuê bao để nhắc nhở người dân cập nhật thông tin chính xác đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với các sim số không khớp sẽ bị khóa 1 chiều từ ngày 31/3 và kéo dài đến 15 ngày sau sẽ bị khóa chiều còn lại. Ngày 15/4, các nhà mạng đã thực hiện khóa liên lạc hai chiều đối với khoảng 1,2 triệu thuê bao. Sau ngày 15/5, các thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị khóa 2 chiều sẽ bị thu hồi.