Hà Nội

Những chiêu lừa trên thị trường lao động

08-04-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm người có nhu cầu tìm việc và cũng hàng trăm cá nhân, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng người lao động.

Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm người có nhu cầu tìm việc và cũng hàng trăm cá nhân, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng người lao động. Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ, cộng với tình trạng công ty môi giới việc làm “tranh tối tranh sáng” như hiện nay, thị trường lao động đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội gây ra những thiệt hại không nhỏ đến người lao động và người có nhu cầu sử dụng lao động.

Cả người lao động và người sử dụng lao động đều bị lừa

Mới đây, một vụ việc người sử dụng lao động trở thành nạn nhân của người làm thuê đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm manh động này. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Tươm đã thuê Hoàng Văn Thành (SN 1992, trú tại Việt Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên) phụ giúp mà không hề biết Thành vừa ra tù được một thời gian ngắn. Lấy lý do nhà xa xin được ở tại cửa hàng, Thành đã tìm hiểu và biết chị Tươm có khá nhiều tiền để ở két sắt trên tầng 2. Khoảng 0h ngày 13/3, Thành gọi cho chị Tươm nói bị đau bụng và chỉ chờ cho nạn nhân đi xuống dưới nhà, hắn bất ngờ áp sát, tay trái ghì cổ, tay phải cầm con dao khống chế ép chị dẫn vào phòng ngủ mở két sắt, lấy ra số tiền gần 138 triệu đồng và bỏ trốn. 3 ngày sau, Thành bị cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm bắt giữ. Lý giải cho việc thiếu cảnh giác với người làm thuê này, chị Tươm cho rằng, chị thuê người qua trung tâm môi giới nên hoàn toàn tin tưởng vào việc giới thiệu nhân sự của trung tâm. Hơn nữa, vào thời điểm đó chị đang rất cần người nên cũng không kịp kiểm tra nhân thân người làm thuê.

Những chiêu lừa trên thị trường lao động

Không chỉ là phía người tuyển dụng lao động bị lừa, mắc bẫy với người làm thuê, hiện nay, thông qua các trang quảng cáo, giới thiệu lao động việc làm hay thậm chí mạng xã hội, người lao động cũng có thể tìm thấy thông báo tuyển người với nhiều quyền lợi hấp dẫn như mức lương cao, công việc nhàn, tuy nhiên đằng sau đó là những cái bẫy khó ngờ. Với những quảng cáo về quyền lợi được hưởng như: mức lương 4,5 triệu đồng/tháng; sau 6 tháng làm việc sẽ được đóng BHXH, BHYT... trong khi công việc chỉ là trực điện thoại tại văn phòng; hành chính văn phòng, quản lý hồ sơ, gửi và nhận công văn, thực hiện các công việc chuyển tải thông tin; nhận và phản hồi thông tin khách hàng; soạn văn bản, hợp đồng; chấm công, điểm danh;... Với mức lương và công việc như thế quả là hấp dẫn với nhiều người và cũng chính từ đây, không ít người lao động đã mắc lừa. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 10/2014, thông qua mạng xã hội, chị Nguyễn Thị X. nhận được thông tin có một nhà nghỉ trên địa bàn quận Tây Hồ tuyển nhân viên với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Chị X. liên hệ và được chủ nhà nghỉ là Ngô Duy Khánh, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) hướng dẫn đến nhà nghỉ để nhận việc. Khi vừa đến nơi, chị X. đã bị Khánh mời lên phòng và yêu cầu khai lý lịch. Khi chị X. đang viết thì Khánh khóa trái cửa phòng, bất ngờ ôm chị này từ phía sau, dùng vũ lực rồi cưỡng hiếp chị X.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền

Hiện trên toàn quốc có khoảng 130 trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các nhiệm vụ được giao như  tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động... Các trung tâm này được quản lý chặt chẽ và thường xuyên được rà soát kiểm tra xem có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ không. Nhưng trên thực tế không phải người lao động nào cũng biết đến các trung tâm này mà thường tìm đến những doanh nghiệp “chui”. Không phải vì chi phí ở những trung tâm “chui” rẻ hơn mà phần lớn người lao động, nhất là từ các tỉnh ngoài về Hà Nội hoàn toàn không được tư vấn hay tuyên truyền về việc cần phải nộp hồ sơ ở đâu.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 3/2015, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Thông tư 07/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều trong Nghị định 196/CP về thành lập và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) và Nghị định 52 quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động DVVL của doanh nghiệp. Theo đó, hợp đồng ký kết về DVVL phải bảo đảm nội dung cụ thể, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng... Hợp đồng thực hiện việc giới thiệu hoặc cung ứng lao động phải quy định rõ trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm trong thời gian lao động thực hiện hợp đồng mùa vụ, hợp đồng lao động theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, quy định này đặt ra, thực tế chỉ là để nắm các doanh nghiệp thuộc diện quản lý của Sở LĐTB&XH chứ khó có thể kiểm soát được các “công ty ma”. Để người lao động và người sử dụng lao động không bị lừa thì cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua ngành LĐTB&XH đến tận người lao động về các trung tâm, doanh nghiệp uy tín, có chức năng tuyển dụng và cung ứng lao động. Đối với những người sử dụng lao động không nên chủ quan khi kiểm tra về nhân thân người lao động, dù cần người gấp cũng phải kiểm tra từ cơ quan chức năng ở cơ sở. Nếu là những đối tượng đã từng có tiền án về hành vi phạm pháp nên thông báo đến cơ quan công an để cùng phối hợp quản lý, tạo điều kiện cho người đã thi hành án xong có điều kiện hoàn lương, đồng thời tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc về an ninh trật tự.

Nguyễn Hải

 

 

 

 

Nếu không tỉnh táo, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có thể bị mắc lừa (ảnh minh họa).


Ý kiến của bạn