Họ là những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam khi chiến đấu chưa một lần mặc quân phục và phục trang của họ là… quần loe, quần đùi bố, mũ lưỡi trai, áo chim cò, kính đen lênh đênh trên những con tàu không số chuyên chở vũ khí, tiền, vàng bạc và cả huân, huy chương vào miền Nam những ngày chiến tranh góp phần làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển...
Vào một ngày thu tháng Tám, đến công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi vinh dự được các anh trong Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị bố trí cho gặp hơn một chục bác cựu chiến binh nguyên là "lính" trên những con tàu không số của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành huyền thoại.
Chiến sĩ trên tàu Không số. Ảnh: TL |
Sau 47 năm, những người lính năm xưa vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm về những chuyến đi lặng lẽ âm thầm. Có lẽ trong lực lượng vũ trang của chúng ta ngày ấy, đơn vị các ông là đơn vị duy nhất... không có thương binh! Ở giữa biển cả mênh mông, gặp địch, khôn khéo tránh được để đưa vũ khí đến đích, nếu phải chiến đấu thì 3,4 tấn thuốc nổ trên tàu đủ xóa đi tất cả để bảo đảm bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển. Tất cả thành liệt sĩ. Nếu có thoát được, họ cũng có thể bị địch bắt làm tù binh và suốt cuộc chiến chưa hề có chiến sĩ nào bị địch bắt khai ra bí mật con đường vận chuyển trên biển. Không có thương binh là vậy vì người bị thương làm sao đủ sức bơi vào bờ. Bạn đọc nghe nhiều về đoàn tàu không số ngỡ "tàu không số" chỉ vận chuyển vũ khí nhưng ít ai biết rằng trên tuyến đường biển huyền thoại ấy còn chở cả lãnh đạo vào Nam ra Bắc, chở cả tiền vàng và... huân, huy chương. Không ít chuyến ngoài vũ khí còn có cả "khách" là những chiến sĩ đặc công theo tàu chi viện gấp cho chiến trường.
Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Từ ngày đầu bằng những phương tiện thô sơ thuyền gỗ gắn máy, trọng tải nhỏ, đi dọc theo ven biển đã phát triển lên các đội tàu sắt, có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra biển. Mỗi khi địch đánh phá ác liệt hoặc giở những thủ đoạn mới thâm độc thì các lực lượng vận tải quân sự hải quân lại sáng tạo ra những phương thức vận chuyển mới. Khi địch phong tỏa gắt gao trên biển gần - phải đi biển xa, vòng qua vùng biển quốc tế để trở về vùng biển Việt Nam. Những chuyến gần, men theo biển, các anh hóa trang như thuyền đánh cá của bà con ngư dân. Những chuyến tàu lớn vòng qua đảo Hải Nam ra vùng biển quốc tế rồi quay vào bờ biển phía Nam, các anh hóa trang thành tàu nước ngoài.
Đường Hồ Chí Minh trên biển chỉ tồn tại 14 năm nhưng 14 năm ấy là cả những tháng ngày căng thẳng với rất nhiều hình thức "chiến đấu" được sáng tạo. 14 năm địch phong tỏa đường dài thì lại đi phân đoạn, đồng thời khéo léo kết hợp cải dạng, ngụy trang, nghi binh, lợi dụng địa hình và đặc điểm thời tiết vùng biển để tìm ra tuyến đi bất ngờ, khéo léo đánh lừa địch... Rồi táo bạo, bí mật thọc sâu vào bến, lợi dụng từng con nước, từng thời điểm, nhanh chóng tổ chức cùng lực lượng ở bến bốc hàng xong là rút ngay để giữ bí mật bến bãi, bí mật con đường. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu Không số với tinh thần "Vì miền Nam ruột thịt" đã âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, xác định ra đi là cảm tử, chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Và vượt lên tất cả là phải chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm. 14 năm làm nên chiến công anh hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển còn là trình độ tác chiến chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và các cơ quan tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần theo một hệ thống đảm bảo, hệ thống thông tin vô tuyến điện và tín hiệu thông suốt từ Sở chỉ huy đến từng con tàu hành trình trên biển và lực lượng ở các bến bãi. Chiến công này còn có sự hy sinh, đùm bọc, che chở của nhân dân các địa phương nơi tàu vào và các đơn vị ở bến.
Tàu “Không số” năm xưa.Ảnh: TL |
Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu đưa từ miền Nam ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, lực lượng vận tải biển của hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường khu V khốc liệt, vào tận cửa ngõ Sài Gòn, đến tận cùng đất nước để vận chuyển vũ khí chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh giặc.
Những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, vây ráp, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch nhưng vẫn mở suốt 14 năm liên tục, huy động gần 2000 lượt tàu, đi trên 4 triệu hải lý, vận chuyển 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
47 năm sau, gặp lại những chiến sĩ trên tàu không số xưa, các "anh" đã vào tuổi thất thập. Hỏi về kỷ niệm cũ chả thấy ai chịu nói về mình. Gặng mãi, các ông mới kể rằng đi tàu sợ nhất là... sóng! Sóng giần người như tra tấn, văng bên này, lộn bên kia đến trầy da tróc thịt nhưng các ông lại thích... bão vì đi trong bão tố là an toàn nhất, tàu địch đang trú trong bờ. Hạnh phúc của người lính trên tàu không số năm xưa chỉ đơn giản là... mong có những cơn mưa. Lênh đênh trên biển hai ba tuần, nước ngọt chỉ đủ nấu ăn, làm gì có nước tắm và những cơn mưa là cứu tinh! Những con người thích "đi trong bão tố" ấy ngồi cả buổi vẫn chẳng hé thêm về mình. Có chăng, các ông toàn kể chuyện người khác, đơn vị khác, về những con tàu va đá mất chân vịt bị bão đánh giạt vào đảo xa. Các anh moi cát chôn thuyền, nguỵ trang đợi thay chân vịt mới...
Chia tay những người lính đoàn tàu Không số, Thượng tá Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển nhìn phóng viên cười: Cán bộ, chiến sĩ các thế hệ đường Hồ Chí Minh trên biển, dù ở hoàn cảnh nào, luôn giữ trọn lối sống nghĩa tình, thủy chung, đem hết sức khỏe, trí tuệ còn lại để làm việc có ích cho gia đình và xã hội, làm gương cho con cháu noi theo.
Lưu Thủy