Tại Hải Dương, thời điểm hiện tại đã ghi nhận 277 ca mắc COVID-19, làm hàng ngàn mẫu xét nghiệm để xác định ca bệnh. Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, đến 15h ngày 4/2, Hà Nội ghi nhận 22 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong những ngày qua, (từ ngày 30/1-4/2), Hà Nội làm hơn 40.000 mẫu xét nghiệm và tất cả các trường hợp F0, F1 đều được trả kết quả ngay. Tại Quảng Ninh, đến nay, toàn tỉnh đã có 42 ca bệnh dương tính, truy vết hàng chục nghìn trường hợp từ F1-F4.
Mỗi ngày, các cán bộ làm việc tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật phải làm việc từ sáng đến 16 - 17h chiều để chạy máy thử mẫu. Đến 20h tối các mẫu xét nghiệm ở các nơi đổ về. Suốt từ khi bùng phát dịch, những cán bộ này ngày nào cũng thức đêm muộn, lấy đêm làm ngày...
Khi các mẫu xét nghiệm về tới các trung tâm kiểm soát bệnh tật, ê-kíp nhanh chóng tiến hành phân loại các mẫu xét nhiệm và đánh mã cho từng mẫu từ F1-F4. Việc phân loại nhằm xác định ai là F1 bị nhiễm bệnh, ai là F2 bị nhiễm bệnh, liệu có lây sang cho F3 hay không. Và đồng thời tìm ra mối liên quan giữa các ca nghi nhiễm. Sau khi phân loại, các mẫu xét nhiệm được chuyển sang phòng tra mẫu để thử với hóa chất, dựa vào các phản ứng sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính với COVID-19.
Ông Nguyễn Nhân Duy (chuyên gia sinh học phân tử) đã bay từ TP. HCM ra Hải Dương với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát được dịch. Ông Duy cho biết: “Ai cũng có gia đình, có nỗi niềm riêng nhưng cần phải gác lại, thậm chí Tết sắp đến rồi nhưng phải nghĩ tới cái lớn hơn là vì xã hội. Sự nỗ lực của chúng ta sẽ giúp sớm kiểm soát được dịch bệnh”.
Nhân viên y tế tiến hành phân loại mẫu bệnh phẩm chuẩn bị đưa vào chạy máy.
Chị Nguyễn Phạm Kim Ngân (quê Khánh Hòa) bật mí: “Tôi đã từng tham gia vào điểm nóng Đà Nẵng nên quen với cường độ làm việc cao. Lần này có hơi chút khác biệt vì là năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nhưng với tôi đó chỉ là điều nhỏ, điều lớn hơn là phải quyết tâm chống dịch thành công”.
Chị Trần Thị Quỳnh Lan (Bến Tre) chia sẻ: “Mấy ngày nay tôi chỉ tranh thủ chợp mắt một chút trong lúc chờ mẫu xét nghiệm mới về hoặc khi nào mệt quá không cố gắng được nữa mới dám nằm nghỉ. Lúc đi tôi còn chưa dám nói với ba mẹ, xuống tới đây gọi báo về, ba mẹ chỉ biết động viên tôi cố gắng lên!”
Không phải trường hợp ngoại lệ, chị Vũ Thị Huyên làm việc tại phòng PCR đã 9 đêm thức trắng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Hải Dương. Từ khi có ca nhiễm ở Hải Dương, mỗi ngày đội của chị Huyên làm việc 3 ca trong phòng lab, mỗi ca kéo dài từ 6-7 tiếng, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ những hôm không phát hiện ca nhiễm mới, cả đội mới tranh thủ ăn uống, ngủ nghỉ.
Trong những ngày chống dịch, chị phải gửi con về quê với ông bà ở Kim Thành (Hải Dương) mặc dù rất nhớ con nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị chỉ có thể trò chuyện với con qua điện thoại để vơi đi nỗi nhớ. Không chỉ vậy, chồng chị Huyên hiện là chiến sĩ công an đang tham gia chống dịch 3 tháng nay chưa thể về nhà.
Anh Lưu Văn Khanh, sinh năm 1989, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng, Hải Dương là một trong những cán bộ y tế được giao nhiệm vụ cắm chốt y tế tại các khu cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao của tâm dịch Hải Dương. Cả 3 đợt dịch bùng phát tại Hải Dương vừa qua, anh đều là người được điều động tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu.
Cuộc chiến chống COVID-19 chưa biết tới ngày nào kết thúc. Đã là cuộc chiến thì không ai có thể nói trước điều gì, 10 ngày, 20 ngày hay lâu hơn nữa... Nhưng, điều quan trọng là ở đâu trong mỗi chiến hào, tình người, sự sẻ chia cứ thế được lan đi trong tinh thần của những “chiến binh” quả cảm.