Những chiến lược mới trong chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế

27-05-2021 08:14 | Thời sự

SKĐS -Chiều 26/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”.

Tham dự tọa đàm có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại tọa đàm. 

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiệm kỳ vừa qua là một nhiệm kỳ rất thành công về phát triển kinh tế-xã hội. Đà cải cách của chúng ta được đẩy mạnh, hội nhập đỉnh cao của đất nước được rộng mở. Riêng về mặt kinh tế cộng đồng doanh nghiệp đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ chưa bao giờ có về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp.

“Dịch COVID-19 của năm 2020 cũng một lần nữa cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của toàn dân. Một lần nữa, khả năng chống chịu của nền kinh tế đã được toả sáng và chúng ta trở thành một trong những điển hình thành công của phòng chống COVID-19, điển hình thành công tăng trưởng trong khó khăn. Chúng ta trở thành điểm đến an toàn, tin cậy, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài. Trong những lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, văn hoá, xã hội thì đều có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ đồng bộ với những cải cách, tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế. Tôi cho rằng, đó là bối cảnh hết sức thuận lợi cho các thế hệ lãnh đạo, cho Chính phủ mới trong chặng đường sắp tới” - ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Bổ sung vào nhận định này, ông Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Chúng ta thừa kế được cái quan trọng nhất là sự ổn định, đó là một thế mạnh rất lớn của mô hình thể chế chính trị của chúng ta, của đất nước ta. Không một đất nước nào có thể phát triển kinh tế vững mạnh, hùng cường được nếu không có sự ổn định. “Trong sự ổn định đó có ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng quan trọng hơn là ổn định chính trị-xã hội. Đó là nền tảng mà chúng ta có được trong một thời gian rất dài, nền tảng để kinh tế phát triển và tiếp tục là nền tảng rất quan trọng” - ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ.

Ở khía cạnh khác, các đại biểu cho rằng, việc chuyển tiếp, tiếp quản công tác chỉ đạo điều hành về kinh tế-xã hội giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ diễn ra và hoàn thành đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho Chính phủ hiện nay. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, niềm tin rất lớn của người dân dành cho Chính phủ và cho các bộ, ngành địa phương hiện này là làm thế nào để bảo đảm nhịp điệu tăng trưởng; để người dân tiếp tục tin tưởng, đồng lòng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19…

Nói nhiều hơn về thách thức, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề cập tới việc cần có được một chương trình tiêm chủng đat hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết nhất để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Cái đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số 1 của Chính phủ vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng phát biểu tại tọa đàm. 

“Xét cho cùng bản chất của vấn đề là chúng ta có giải quyết được vắc-xin cho cộng đồng hay không. Quan trọng nhất mà thế giới rút ra được vẫn là phải tiêm chủng. Nếu chúng ta miễn dịch được cả cộng đồng, hoàn toàn có xã hội yên tâm và lành mạnh, ngẩng cao đầu về sức khoẻ của nhân dân, vững bước thực hiện các nhiệm vụ khác. Nếu họp Quốc hội mà không ra hội trường, phải họp trực tuyến, cho dù hiện đại mấy thì vẫn mất đi không khí của Quốc hội, của nghị trường.

Tâm lý của xã hội là vô cùng quan trọng. Hãy huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống của chúng ta, làm sao cho mọi doanh nghiệp, người dân an tâm, sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức để chúng ta đàm phán và mua được vắc-xin về tiêm cho người dân thì chúng ta mới duy trì được một xã hội an toàn, phát triển” - ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Trong việc tăng cường vắc-xin, theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh việc nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trước mắt thì chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Tôi được biết Thủ tướng đã gặp và giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp lớn, không chỉ Nhà nước mà tư nhân, đề nghị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Xã hội hóa là một công thức rất thích hợp để chúng ta chuyển trạng thái, thay đổi phương thức chủ yếu nhằm đối phó với dịch bệnh.

Biện pháp khoanh vùng dập dịch như là biện pháp trọng tâm của chống dịch của năm ngoái. Đây là biện pháp bị động cần thiết cho chống dịch mà chúng ta phải làm. Nhưng biện pháp căn bản hiện tại mà chúng ta cùng khẳng định là có vắc-xin để miễn dịch cộng đồng, đấy là biện pháp dài lâu. Các nước tiên tiến khác đã làm được điều này. Tôi chỉ xin khẳng định biện pháp chủ động, tích cực là biện pháp tiêm chủng.

Việc chúng ta thực hiện xã hội hoá vắc-xin, nhưng không chỉ là xã hội hoá mà còn là vấn đề đối tác công tư. Rất nhiều việc hiện nay, nhất là trong sản xuất và cung ứng vắc-xin, đối tác công tư không chỉ là chuyện giao cho các DN tư nhân hay DN nhà nước sản xuất mà vấn đề là có một sự họp bàn, sự cộng sinh giữa các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước với các DN tư nhân. Đây được coi là những dự án sản xuất vắc-xin tự chủ của chúng ta được thực hiện theo phương thức đối tác công tư chứ không phải các DN làm riêng, Nhà nước làm riêng, tư nhân làm riêng được. Cho nên tôi đề nghị thúc đẩy xu hướng này.

Khi nói về phát triển, chúng ta nói nhiều đến việc phát triên cơ sở hạ tầng thì đối tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình văn hoá  xã hội cũng là một giải pháp rất quan trọng của Chính phủ trong thời gian tới. Nếu chúng ta huy động được phương thức đối tác công tư thì sẽ rất tốt để thực hiện được những mục tiêu, công việc cần làm, không chỉ trong bối cảnh COVID-19 mà còn trong chiến lược phát triển chung.

Ông Vũ Tiến Lộc mong muốn đề nghị với Quốc hội sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện các mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh bởi vì khi triển khai các giải pháp đặc biệt về phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19, sẽ có những vấn đề có thể đụng đến các quy định pháp luật. Nếu kỳ họp tới, Quốc hội ra nghị quyết vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thông thường thì như vậy có thể là một giải pháp để giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Đề cập tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, các đại biểu cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ thúc đẩy cải cách thể chế, coi thể chế là nền tảng. Cùng với đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân phải xem xét khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nếu chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 6,7% có cơ sở khả thi.

Tình huống chống COVID-19 thay đổi bởi 3 yếu tố: Một là biến chủng của COVID-19 khác với trước, hai là độc lực khác trước, ba là tâm thế, kinh nghiệm chúng ta tích lũy nên phương thức phải khác. Trước đây chúng ta bao vây, truy vết, xử lý khi chưa có bài học phòng chống COVID, thế giới chưa có vắc-xin, lúc đó là phù hợp. Còn bây giờ, bối cảnh là biến chủng lan nhanh, độc lực mạnh hơn, chúng ta không thể duy trì mãi bao vây, cô lập như thế nữa nên tinh thần của Thủ tướng là chủ động tấn công, nhưng không phải lúc nào cũng là tấn công mà phải hài hòa giữa phòng thủ và tấn công. Phải thay đổi phương thức, từ chỗ bao vây, truy vết, xử lý sang lấy miễn dịch cộng đồng để đối phó với lây lan cộng đồng.

Theo ông Lê Thanh Vân, có 5 giải pháp liên hoàn. Thứ nhất là thay đổi biện pháp cách ly, lấy cách ly cá nhân tại chỗ làm trọng. Hai là tiêm vắc-xin cho tối thiểu 60-70% dân số để tạo ra kháng nguyên trong mỗi cơ thể con người, sinh ra kháng thể để chống lại COVID-19. Ba là duy trì liên tục 5K. Bốn là tăng cường tính kỷ luật của mỗi công dân cùng với cộng đồng, cùng với cả nước, tình trạng vô kỷ luật, không chấp hành nghiêm pháp luật có thể phá vỡ thế trận. Cuối cùng là kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại. Xung quanh chúng ta có rất nhiều cây thuốc nam có thể hỗ trợ quá trình tạo ra những kháng chất chống lại COVID-19. Cái này là nhiệm vụ của ngành y học. Chống đại dịch COVID-19 chúng ta làm tốt mới bàn đến thúc đẩy tăng trưởng bởi các yếu tố mà tôi vừa nêu ra.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, chuẩn bị vào nhiệm kỳ mới, cả phía Quốc hội và Chính phủ cần rà soát lại thể chế về tổ chức, làm sao đột phá được khâu bộ máy, liên thông, xuyên suốt, hệ thống cấu trúc phải chặt chẽ, chứ không phải phát động chỗ này, chỗ kia tắc nghẽn, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh. Bên cạnh đó, rà soát lại các quy định về đầu tư công. rà soát lại các điểm nghẽn trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để khơi thông các dòng vốn, huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước. Rà soát lại các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là đề cao trách nhiệm người đứng đứng đầu trong việc trọng dụng hiền tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm...


TS-CT
Ý kiến của bạn