Những chiến binh áo xanh trong khu cách ly

26-07-2021 15:31 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - 15 năm công tác tại khoa Bệnh nhiệt đới, BSCKII. Trần Kim Anh và các đồng nghiệp đã quá quen với các loại dịch bệnh.

Thời điểm cuối năm 2019, khái niệm “virus Corona” xuất hiện không khiến chị quá lo lắng. Thế nhưng không ngờ được rằng, loại virus chết người đó đã khiến thế giới chao đảo và cuộc sống của gia đình BS. Kim Anh và đồng nghiệp cũng bước sang một giai đoạn mới với nhiều xáo trộn.

Đã quen với những lớp khẩu trang, những hằn in lên mặt và bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mồ hôi vã ra như tắm cùng với sự tận tâm, tận lực quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Ngay từ những ngày đầu tiên, nhiều cán bộ y tế nói chung và khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh biện đa khoa Hà Đông nói riêng đã phải hy sinh niềm riêng và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho một trận chiến với COVID-19.

Theo lời kể của BS. Trần Kim Anh: “Kể từ mùa dịch đầu tiên, với phương châm an toàn bệnh viện - an toàn người bệnh, Ban Giám đốc và Ban Chỉ đạo chống dịch yêu cầu toàn bộ khoa Bệnh nhiệt đới ở lại sinh hoạt tại bệnh viện; đồng thời chăm sóc người bệnh đến cách ly, nhằm đem lại sự an toàn cho cộng đồng và quyết tâm đấy lùi dịch COVID-19.

Hết đợt dịch này nối tiếp đợt dịch khác (có đợt dịch cả tháng mới được về nhà 1 lần), nhiều bạn trong khoa, gia đình neo người lại có con nhỏ phải gửi về quê nội ngoại nhờ trông giúp. Đặc biệt  khoa có điều dưỡng trưởng Phạm Hồng Mai có con nhỏ 6 tháng tuổi nhưng cũng phải xa con để thực hiện nhiệm vụ chống dịch như chống giặc. Nhiều hôm gọi về nhà nhìn cảnh con khát sữa  khóc ngặt ngheõ, chồng 1 tay vừa pha sữa vừa dỗ con, rồi cho con bú bình thay sữa mẹ, cùng với nỗi nhớ da diết mà cả khoa và người cách ly không thể cầm nổi nước mắt.

Trong cuộc chiến cam go, mọi khó khăn đều có thể vượt qua, nhưng với những chị em có con nhỏ như chị Mai, việc phải xa con dài ngày thật sự là một thử thách lớn. Những ngày đầu con khóc đòi mẹ, mẹ cũng khóc theo con. Nhưng thời gian sau, tâm lý của Mai đã vững vàng hơn.

Chăm sóc và điều trị cho các trường hợp trong khu cách ly.

Chứng kiến cảnh mỗi lần chị em trong khoa gọi điện về nhà ai lấy đều nói với con “khi nào bắt được con COVID mẹ sẽ về” và có quà tặng con. Có lẽ, vì lời hứa đó mà các bác sĩ, điều dưỡng có thêm động lực, vững vàng, bản lĩnh hơn trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ngoài nguy cơ lây nhiễm, những áp lực về tâm lý, các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây cũng phải trải qua cũng không hề nhỏ. Trong hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm trên địa bàn, có nhiều ca trong khu cách ly khiến cả cộng đồng phải “nín thở” chờ kết quả..

Khi dịch bệnh tạm lắng, các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội đã tạm thời được dỡ bỏ thì điểm cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới vẫn liên tục tiếp có người dân đến từ vùng dịch về đây cách ly. Điều đó đồng nghĩa với việc, một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ cũng phải thay phiên nhau “trực chiến”. Tết năm 2021 cả khoa đón một cái tết không thể nào quên trong khu cách ly cùng người bệnh…

Việt Nam đã trải qua bao nhiêu đợt dịch là bấy nhiêu lần tôi và các đồng nghiệp xác định phải xa gia đình dài ngày. Ngay cả khi được về nhà nghỉ ngơi bản thân vẫn phải áp dụng các biện pháp và thời gian cách ly theo đúng quy định Bộ Y tế quy định.

Trực tiếp tiếp xúc, theo dõi sức khỏe cho người dân đi từ vùng dịch, nguy cơ mà các y, bác sỹ gặp phải là rất lớn, do đó, việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch được họ coi là yếu tố sống còn. Găng tay, khẩu trang, áo quần bảo hộ y tế... đã trở thành vật bất ly thân với chúng tôi ở đây cho dù nắng nóng 40 độ C chúng tôi vẫn mặc trên mình mồ hôi túa ra ướt đẫm rất khó chịu.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn về chăm sóc y tế, chúng tôi còn phải động viên tinh thần, ổn định tâm lý cho người dân để họ hợp tác trong quá trình cách ly. Với y, bác sĩ, ý thức của người dân chính là “vũ khí” quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch.

Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch...

Đã gần 2 năm nay, chúng đón ngày lễ truyền thống không hoa, không quà, không có những buổi lễ kỷ niệm. Ngày lễ năm nay càng lặng lẽ, khiêm nhường hơn với các y, bác sĩ phục vụ khu cách ly bởi đến cả lời chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp họ cũng chỉ được nhận qua điện thoại. Thậm chí Tết 2021 chúng tôi phải ăn tết tại khoa. Dù không có được ngày lễ như những năm trước nhưng không vì thế mà chúng tôi sao nhãng công việc. Mọi người vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chống dịch xong rồi đón những ngày lễ đoàn viên cũng chưa muộn.

Bằng trách nhiệm với cộng đồng, nhiệt huyết và tình yêu nghề, với quyết tâm bền bỉ, kiên trì trên “mặt trận” chống COVID-19, bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng tôi tin như vậy".


Đào Hiền
Ý kiến của bạn