Những “chiếc đinh” trên tường văn học - nghệ thuật 2014

03-01-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Có thể nói 2014 là một năm có nhiều hoạt động sôi nổi về văn học nghệ thuật. Ðiều ấy được nhiều người lý giải là do tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta...

Có thể nói 2014 là một năm có nhiều hoạt động sôi nổi về văn học nghệ thuật. Ðiều ấy được nhiều người lý giải là do tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta tương đối ổn định và có bước phát triển trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ đó, tâm lý sáng tạo của công chúng, nhất là giới nghệ sĩ cũng có thêm động lực và niềm hứng khởi mới.

Về lĩnh vực nghệ thuật

Vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam công bố 10 sự kiện âm nhạc nổi bật năm 2014. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì năm 2014 là một năm rất thành công của hoạt động âm nhạc nói chung, trong đó có nhiều sự kiện âm nhạc mang ý nghĩa lịch sử. Chẳng hạn như Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cho xuất bản tập ca khúc Dậy sóng Biển Đông nhằm phản đối Trung Quốc ngay sau khi họ cho hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở vùng biển thuộc chủ quyền và vùng kinh tế của nước ta vào giữa năm 2014. Tiếp đến là một loạt các chương trình nghệ thuật Là người con Đất Việt lần thứ hai, chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi… và sự kiện Hội Nhạc sĩ Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/2014.

Biểu diễn dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ảnh: TTXVN

Cùng với đấy là sự kiện Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong số 10 sự kiện tiêu biểu về âm nhạc trong năm 2014 còn có sự góp mặt của nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi và độc đáo như: Festival Âm nhạc mới Á - Âu, Festival Âm nhạc Quốc tế gió mùa, Liên hoan Ca trù toàn quốc, Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân…

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước đã diễn ra nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân đã được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV để nhân dân cả nước cùng thưởng thức.

Tại Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo. Tại buổi lễ này, khán giả được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật hào sảng và độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, ca ngợi truyền thống 70 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân Việt Nam anh hùng do các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ trung ương và các đơn vị nghệ thuật quần chúng của địa phương trình diễn.

Ở TP. Hồ Chí Minh, chương trình liên hoan nghệ thuật Hát mãi khúc quân  hành đã quy tụ được 15 đơn vị tham gia. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, qua đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, tiếp bước các thế hệ cha anh kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm.

Triển lãm ảnh nghệ thuật với 102 tác phẩm xoay quanh nội dung chủ đề chính Bộ đội Cụ Hồ - Những người đẹp nhất đã được các nhiếp ảnh gia tên tuổi và có nhiều trải nghiệm thể hiện. Ngoài nhiếp ảnh, triển lãm còn có gần 100 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu... của hơn 56 tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ… sáng tác và được in phát hành tập sách mang tên Khi được sống hoà bình hãy nhớ tới anh…Tập sách là thông điệp mạnh mẽ từ trái tim đến trái tim của giới văn nghệ sĩ thành phố mang tên Bác và của tất cả chúng ta, những trái tim đang hòa nhịp đập cùng hồn thiêng sông núi với tinh thần bất diệt của truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cùng với các hoạt động trên, một chương trình biểu diễn nghệ thuật đã được diễn ra với chủ đề Bài ca người lính, giao lưu cùng các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Trần Hiếu, NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Thế Hiển, NSƯT Ánh Nguyệt…

​Chúc một ngày tốt lành - Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Về lĩnh vực văn học

Trong năm 2014, các hoạt động văn học cũng sôi đông không kém. Mở đầu là Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (NVHN). Vài năm trở lại đây, Giải được trao đúng vào ngày kỉ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10. Với 6 tác giả đứng trên bục nhận giải thưởng năm nay, so với những năm trước thường chỉ có 3 hoặc 4 đủ cho thấy Hội NVHN năm nay được mùa giải thưởng. Những tác phẩm đoạt giải chính thức năm nay gồm: Dằng dặc triền sông mưa của họa sĩ-nhà văn Đỗ Phấn; Mỗi ngày sau một ngày của nhà thơ Trần Nhật Lam; Hy vọng - tiểu thuyết dịch của Lê Bá Thự. Ngoài ra còn có hai giải thưởng trẻ dành cho Đoàn Ánh Dương với Không gian văn học đương đại và dịch giả Nham Hoa với tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm. Các tác phẩm đoạt giải đã có không ít ý kiến trái chiều nhau nên vô tình đã trở thành những sự kiện nổi bật của Hội NVHN trong năm 2014.

Cũng vào đầu tháng 12/2014, Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 3 (2011- 2014) của Hội Nhà văn VN đã ra thông báo về việc kết thúc cuộc thi. Tính đến ngày 31/10, BTC đã nhận được 170 tác phẩm của 143 tác giả tham dự, trong đó có nhiều tác giả đã thành danh và đã từng nhận được các giải thưởng về thể loại tiểu thuyết trước đây như: Nguyễn Bảo, Bùi Thanh Minh, Phạm Quang Đẩu, Phạm Gia Dũng, Nguyễn Quang Hà, Đỗ Thị Hiền Hòa, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Một… và cũng có rất nhiều người lần đầu tham dự cuộc thi. Tuy nhiên, giải thưởng cuộc thi sẽ được công bố vào dịp Tết Ất Mùi nên đến thời điểm này, kết quả vẫn còn nằm trong sự bí mật của vòng chung khảo.

Theo một khảo sát gần đây thì 5 tác phẩm được săn đón nồng nhiệt nhất trong năm 2014, đã tạo nên sự sôi động đáng kể của thị trường văn chương trẻ. Có thể nói, đã lâu rồi, chưa bao giờ thị trường sách trẻ lại hút khách và có sức lan tỏa đến thế. Tuy còn có những ý kiến không đồng thuận nhưng không thể phủ nhận một thực tế là những cây bút trẻ đang có sức hút mạnh trong năm 2014.

Trước hết, cần phải kể đến Nguyễn Nhật Ánh với Chúc một ngày tốt lành đã nâng tên tuổi của ông lên một tầm cao mới, đứng đầu bảng xếp hạng các tác giả được chào đón nhất năm 2014. Văn của Nguyễn Nhật Ánh thường chứa đựng những tình cảm nhẹ nhàng làm độc giả tuổi mới lớn xốn xang, còn những ai đã đi qua lứa tuổi này lại như được sống lại cái thời áo trắng mộng mơ.

Tiếp đến là tập tản văn Người yêu cũ có người yêu mới của Iris Cao là sự lắng đọng cảm xúc của một cô gái trẻ trước tình yêu của đời sống đô thị hiện đại. Iris Cao là cô gái trẻ khá thông minh và luôn biết cách kết hợp với những người cùng trang lứa để tạo hiệu ứng truyền thông tốt nhất. Dù còn có những ý kiến này nọ nhưng Người yêu cũ có người yêu mới vẫn tạo nên được một cơn sốt văn chương trong năm 2014.

Chàng trai mơ mộng và rất lãng tử Anh Khang với Buồn làm sao buông đã tạo nên sức nóng thực sự về văn chương cho riêng mình. Anh Khang đã biết cách đi vào những khoảng lặng trong tình yêu khiến bất cứ ai trong đội tuổi yêu không ít hơn một lần phải ngưỡng vọng và săn lùng tác phẩm của anh.

Thủ khoa Học viện Ngoại giao TP. Hồ Chí Minh có cái tên khá Tây - Sơn Paris đã tự khẳng định mình qua Muốn khóc thật to được đóng mác 16 . Anh từng tâm sự: Tôi muốn kéo người trẻ ra khỏi sự cô đơn, gạt bỏ sự bế tắc, muốn kéo họ ra khỏi thế giới mạng, ra khỏi sự ì ạch trước công nghệ mỗi ngày. Tôi muốn được nắm tay, đưa họ đến một khu vườn đầy hoa thơm, những bông hoa nở bung giữa đại ngàn. Vì thế, cuốn tiểu thuyết của anh đã nhanh chóng trở thành cuốn sách hot mặc dù nó mới được ra đời cách đây chưa đầy một tuần.

Phương Thanh (biệt danh là Gào) vốn là một hotgirl Hà thành vừa cho ra mắt Hoa linh lan đã làm nóng văn đàn phía Bắc. Minh chứng là cô đã có số đầu sách khá đầy đặn. Mặc dù từ khi lập gia đình, Gào ít viết hơn nhưng với Hoa linh lan, cái tên Gào của cô vẫn giữ nguyên độ nóng với vị trí ngôi đầu bảng trong thời gian ra mắt độc giả. Vì với cô qua tác phẩm này, người đọc như có thể tìm lại được chính mình nơi quá khứ bi thương, nhưng tràn trề hy vọng, cảm thấy nhắm mắt có thể với tới trời xanh lạc lõng.

Ngọc Tâm

 

 


Ý kiến của bạn