Hà Nội

Những chất độc... cứu người

15-03-2017 22:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong thời kỳ xa xưa của lịch sử y học, các thầy thuốc đã sử dụng một số chất độc để chữa bệnh.

Trong thời kỳ xa xưa của lịch sử y học, các thầy thuốc đã sử dụng một số chất độc để chữa bệnh. Đến ngày nay, y học hiện đại cũng sử dụng phương pháp “lấy độc trị độc” bằng cách dùng chất độc để chữa trị các chứng bệnh mạn tính, nan y như tim mạch và ung thư.

Thạch tín (asen)

Asen là một chất độc, độc gấp 4 lần thủy ngân. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) và liên minh châu Âu (EU) công nhận asen là chất gây ung thư nhóm 1 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Asen có thể được tìm thấy trong tự nhiên (nước, đất), trong thuốc trừ sâu, sản phẩm xây dựng và một số quy trình công nghiệp. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, trong lịch sử, asen đã được sử dụng để điều trị bệnh, chẳng hạn từ thời La Mã cổ đại cho tới thời đại Victoria (1837-1901) đã dùng chất độc này để trị bệnh giang mai. Năm 1910, nhà vi khuẩn học người Đức Paul Ehrlich cũng sử dụng một dạng của asen để chữa bệnh này và trở thành liệu pháp điều trị hàng đầu trước khi penicillin ra đời. Khoa học hiện đại đã chứng minh nếu sử dụng asen ở liều cao hay trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc và tử vong. Tuy nhiên, asen vẫn được sử dụng để trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, một dạng ung thư máu có liên quan đến vấn đề nghiêm trọng về hiện tượng chảy máu và đông máu khi người bệnh không đáp ứng với thuốc kháng u (anthracyclines).Nọc độc của rắn lục vẩy răng cưa có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh bạch cầu cấp.

Nọc độc của rắn lục vẩy răng cưa có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh bạch cầu cấp.

Độc chất từ cây mao địa hoàng

Đối với những người bị suy tim, digoxin có thể là một loại thuốc cứu sinh giúp tăng trương lực co cơ tim, kiểm soát nhịp đập và cải thiện tuần hoàn. Digoxin có nguồn gốc từ thực vật có khả năng gây chết người gọi là mao địa hoàng. Đây là một loại cây thân cao, có gai, hoa có hình ống với cổ họng lốm đốm. Hoa có thể có màu hồng, đỏ, tím, trắng hoặc vàng. Khi ăn lá của loài cây này có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nhịp tim bất thường, huyết áp hạ, hôn mê, ảo giác, đau đầu, hạn chế tầm nhìn, tiêu chảy hoặc phát ban... tùy thuộc vào giai đoạn cũng như thời gian nhiễm độc. Trong lịch sử dược, cây mao địa hoàng nổi tiếng là khám phá của William Withering, một bác sĩ người Anh ở thế kỷ XVIII. Cây mao địa hoàng chứa cardiac glycosides (bao gồm digoxin, digitoxin và lanatosides), anthraquinones, flavonoids và saponins. Chất digitoxin làm mạnh dần nhịp tim, chậm hơn và đều hơn mà không cần nhiều ôxy. Cùng một lúc, cây kích thích sự sản xuất nước tiểu, điều này làm hạ lượng máu và giảm sự vận chuyển đến tim. Tuy nhiên, thuốc bài tiết ra rất chậm nên chất digoxin thường được dùng làm thuốc chữa trị lâu dài khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tia xạ

Tia xạ là một trong những biện pháp y học đặc biệt được sử dụng để điều trị khối u trong bệnh lý ung thư ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể. Phương pháp này sử dụng bức xạ năng lượng cao, có thể là tia gama hoặc các chất phóng xạ... để thu nhỏ khối u, tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tấn công và phá hủy AND của tế bào ung thư, làm chúng bị tiêu diệt hoặc không hoạt động. Loại và liều lượng bức xạ cho mỗi bệnh nhân được bác sĩ tính toán cẩn thận. Tuy nhiên, những tia bức xạ này cũng gây nguy hiểm cho các tế bào khỏe mạnh được coi là tác dụng phụ của phương pháp này bao gồm các vấn đề về da như lột da, bỏng, nôn mửa và mệt mỏi. Ngoài ra, liều cao của bức xạ có thể gây tử vong.

Chất độc từ lá và vỏ cây thủy tùng

Một loại chất độc khác có khả năng chữa ung thư và bệnh tim mạch được lấy từ cây thủy tùng. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở New York, Mỹ lưu ý rằng tất cả các bộ phận của cây thủy tùng (hạt giống, lá và vỏ cây) là độc hại đối với con người. Do đó, khi dùng bất kỳ bộ phận nào của loại cây này đều có thể bị ngộ độc với biểu hiện tim đập nhanh, run cơ, co giật, khó thở, suy tuần hoàn, có thể tử vong. Tuy nhiên, một số hợp chất tìm thấy trong vỏ của cây thủy tùng được phát hiện năm 1967 có hiệu lực như chất chống ung thư. Sau đó, các tiền chất của thuốc hóa trị paclitaxel thuộc nhóm taxan cũng đã được chiết xuất từ lá của loại cây này. Ngoài ra, đối với những người đặt stent trong động mạch vành, việc sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thủy tùng cũng có thể ngăn chặn sự tái hẹp của động mạch. Cây thủy tùng và những dược chất từ cây là ví dụ điển hình trong việc sử dụng các chất độc nhằm mục đích chữa bệnh.

Nọc độc rắn

Hàng ngàn động vật trên trái đất có nọc độc có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn nhưng nọc độc này cũng lại có thể được sử dụng làm thuốc cứu người. Chẳng hạn nọc độc của rắn lục vẩy răng cưa đã được sử dụng làm thuốc chống ngưng kết tiểu cầu bằng cách làm loãng máu hay chất mambalgin được chiết xuất từ nọc rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng giảm đau mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả morphin. Bên cạnh đó, nó còn có trong thành phần của thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim và bệnh thận do đái tháo đường.Ngoài ra, phospholipases loại A2 (PLA2s) từ một loài rắn lục và rắn đuôi ngắn hay rắn núi đã được tìm thấy có hoạt tính chống khối u và kháng khuẩn do enzym này thủy phân phospholipid nên có thể hoạt động trên bề mặt tế bào vi khuẩn và tiêu diệt chúng.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn