Hà Nội

Những 'chất độc' có thể tiềm ẩn trong mỹ phẩm, bạn cần biết

31-12-2022 09:30 | Thông tin dược học

SKĐS - Nhiều sản phẩm làm đẹp chúng ta sử dụng hằng ngày như dầu gội đầu, mỹ phẩm trang điểm... có thể tiềm ẩn những độc tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Hóa chất có thể được tìm thấy trong thực phẩm, nước, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Mặc dù hầu hết các hóa chất trong mỹ phẩm đều an toàn, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học liên kết các hóa chất với các vấn đề sức khỏe lâu dài như ung thư và các vấn đề sinh sản...

Những chất độc có trong mỹ phẩm - Ảnh 1.

Mỹ phẩm trang điểm có thể chứa độc tố gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

1. Rủi ro của mỹ phẩm

Hóa chất có trong mỹ phẩm xâm nhập vào cơ thể qua da, hít thở và sử dụng bên trong cơ thể có thể gây ra rủi ro giống như hóa chất trong thực phẩm. Ngoài những rủi ro do các thành phần cố ý thêm vào, mỹ phẩm có thể bị nhiễm kim loại nặng, bao gồm asen, cadmium, chì, thủy ngân và niken.

Một số hóa chất được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân ở liều lượng rất thấp cũng có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết tố. Nghiên cứu cho thấy rằng các hóa chất gây rối loạn nội tiết như paraben và phthalate, có thể gây rủi ro lớn trong quá trình phát triển của thai nhi trước khi sinh khi các cơ quan và hệ thần kinh hình thành. 

Tiếp xúc với những hóa chất này có liên quan đến các bệnh nội tiết và một số loại ung thư. Ví dụ, chất gây rối loạn nội tiết được biết là có ảnh hưởng đến cách cơ thể phụ nữ sử dụng estrogen và do đó có liên quan đến ung thư vú. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các chất gây rối loạn nội tiết có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch, một tác động khiến chúng ta dễ nhiễm bệnh và virus hơn.

2. Các hóa chất phổ biến trong mỹ phẩm có thể gây độc

Benzophenone: Benzophenone được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như son dưỡng môi và sơn móng tay để bảo vệ sản phẩm khỏi tia UV. Các dẫn xuất của benzophenone, như benzophenone-2 (BP2) và oxybenzone (benzophenone-3 hoặc BP3) là những thành phần phổ biến trong kem chống nắng. 

Benzophenone bền, tích lũy sinh học và độc hại. Những hóa chất này có liên quan đến ung thư, rối loạn nội tiết và nhiễm độc hệ cơ quan. Benzophenone cũng được tìm thấy trên nhãn là oxybenzone, sulisobenzone và sulisobenzone natri. 

Các hợp chất butylat hóa: Butylated hydroxyanisole (BHA) và butylated hydroxytoluene (BHT) được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc cá nhân. Cả hai hóa chất này cũng được sử dụng làm chất bảo quản trong thực phẩm. Những hóa chất này có liên quan đến một số mối lo ngại về sức khỏe bao gồm rối loạn nội tiết và nhiễm độc hệ thống cơ quan.

Muội than: Muội than là một loại bột màu đen sẫm được sử dụng làm chất màu trong mỹ phẩm như bút kẻ mắt, mascara và son môi. Muội than được tạo ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các sản phẩm dựa trên carbon như nhựa than đá và có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tác động tiêu cực đến các cơ quan. 

Những chất độc có trong mỹ phẩm - Ảnh 2.

Hóa chất có trong mỹ phẩm xâm nhập vào cơ thể qua da, hít thở...

Nhựa than đá: Nhựa than đá là một chất lỏng đặc được tạo ra từ quá trình đốt than. Được công nhận là chất gây ung thư, nhựa than đá là hỗn hợp của hàng trăm hợp chất. Than đá được thêm vào dầu gội đầu, xà phòng, thuốc nhuộm tóc và kem dưỡng da và có thể xuất hiện trên nhãn là KC 261, lavatar, picis carbonis, naphtha, naphtha dung môi cao, naphtha chưng cất hoặc Benzin B70.

Ethanolamines: Ethanolamines là hóa chất có chứa axit amin và rượu. Trong mỹ phẩm, diethanolamine (DEA) và triethanolamine (TEA) đóng vai trò là chất nhũ hóa, chất tạo bọt và cân bằng độ pH. Ethanolamines có thể có trong dầu gội đầu, xà phòng, dầu xả, kem dưỡng da, kem cạo râu, bút kẻ mắt, mascara, phấn mắt, má hồng, phấn nền và nước hoa. 

Formaldehyde: Formaldehyde là một loại khí không màu được thêm vào mỹ phẩm để ngăn vi khuẩn phát triển. Mỹ phẩm có thể chứa formaldehyde mà không được liệt kê là thành phần hoạt tính, do một số chất bảo quản cũng có thể giải phóng formaldehyde, bao gồm Quaternium-15, DMDM hydantoin, imidazolidinyl urê, diazolidinyl urê, polyoxymethylene urê, natri hydroxymethylglycinate, bromopol và glyoxal. Bạn có thể tìm thấy những hóa chất này trong sơn móng tay, gel vuốt tóc, dầu gội đầu, xà phòng tắm và sữa tắm.

Những chất độc có trong mỹ phẩm - Ảnh 3.

Trước khi sử dụng mỹ phẩm cần tìm hiểu kỹ thành phần.

Hương liệu tổng hợp: Là hỗn hợp các chất hóa học được thêm vào mỹ phẩm để tạo mùi hương không chỉ giới hạn ở nước hoa. Hương liệu được liệt kê trên dầu gội đầu, xà phòng, sữa tắm, chất khử mùi, kem dưỡng da, kem mặt, tẩy tế bào chết và đồ trang điểm. Tùy thuộc vào hóa chất, hương liệu có thể gây kích ứng da và cũng có thể hoạt động như một chất gây rối loạn nội tiết.

Hydroquinone: Hydroquinone là một chất tẩy trắng da được tìm thấy trong các sản phẩm làm sáng da, sữa rửa mặt, dưỡng ẩm, dầu xả và các sản phẩm chăm sóc móng tay. Tuy nhiên, hydroquinone loại bỏ lớp trên cùng của da, làm tăng lượng tia UV hấp thụ từ ánh sáng mặt trời.

Chì và kim loại nặng: Kim loại nặng có thể được tìm thấy trong mỹ phẩm, điều này đã gây lo ngại cho người tiêu dùng. Các kim loại như asen, chì và thủy ngân có thể độc hại, trong khi niken, coban và crom có thể gây kích ứng. 

Không phải tất cả các kim loại nặng đều được thêm vào một cách có chủ ý. Trên thực tế, hầu hết chúng là sản phẩm phụ của phản ứng với các thành phần khác. Ví dụ, các sản phẩm có chứa chì bao gồm son môi, sơn móng tay, bút kẻ mắt và phấn nền. 

Mica: Loại bụi khoáng này được sử dụng trong kem nền trang điểm để giữ màu và tạo hiệu ứng lấp lánh. Mica được biết đến là có hại nhất cho công nhân trong các nhà máy chế biến mica. Việc hít phải lâu dài đã được biết là gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Nitrosamines: Nitrosamines xuất hiện như một sản phẩm phụ khi các hợp chất, như diethanolamine (DEA) hoặc triethanolamine (TEA), được trộn lẫn với chất bảo quản. Nitrosamines là chất gây ung thư đã biết. Chúng có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại mỹ phẩm có thành phần DEA hoặc TEA.

Parabens: Nhóm hóa chất này mô tả nhiều loại chất bảo quản được thêm vào mỹ phẩm (chủ yếu là các sản phẩm dạng lỏng) để ngăn vi khuẩn phát triển và tăng thời hạn sử dụng. Parabens là một chất gây rối loạn nội tiết bắt chước estrogen. Trừ khi nhãn biểu thị cụ thể một sản phẩm là không chứa paraben, paraben có thể tìm thấy nó trong dầu gội, dầu xả, kem dưỡng da và sữa rửa mặt. 

Các loại paraben phổ biến bao gồm ethylparaben butylparaben, methylparaben, propylparaben, isobutylparaben hoặc isopropylparaben.

Phenoxyethanol: Phenoxyethanol được sử dụng cho hai mục đích, làm chất bảo quản trong nhiều loại sản phẩm và làm chất ổn định trong nước hoa và xà phòng. Nó được biết đến như một chất gây dị ứng và có thể gây phát ban và chàm.

Phthalates: Phthalates là một họ hóa chất được biết đến là chất gây rối loạn nội tiết. Các phthalate phổ biến nhất bao gồm dibutyl phthalate trong sơn móng tay, diethyl phthalate trong các sản phẩm có mùi thơm như kem dưỡng da và Di-2-ethylhexylphthalate trong keo dán lông mi. 

Talc: Talc là một khoáng chất tự nhiên được thêm vào phấn rôm em bé, phấn mắt, má hồng, chất khử mùi và xà phòng để hút ẩm. Trong các mục đích sử dụng khác, nó có thể giúp cải thiện cảm giác của mỹ phẩm hoặc ngăn ngừa lớp trang điểm bị vón cục. Tuy nhiên, một số có thể chứa amiăng, một chất gây ung thư. 

Triclosan: Triclosan là chất kháng khuẩn và kháng nấm được thêm vào sản phẩm để ngăn vi khuẩn hình thành. Mặc dù nó bị cấm sử dụng trong xà phòng sát trùng, các công ty mỹ phẩm vẫn sử dụng trong kem đánh răng, chất khử mùi, kem và các sản phẩm cạo râu. Triclosan là một chất gây rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng đến các hormone tuyến giáp và sinh sản.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải

Ths. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn