Một số chấn thương thường gặp vào dịp Tết
Dịp nghỉ Tết với các hoạt động vui chơi, ăn uống, đi lại… diễn ra liên tục là thời điểm dễ xảy ra một số chấn thương. Có những chấn thương thường gặp vào dịp Tết là:
- Chấn thương do tai nạn giao thông: Đây là loại chấn thương thường gặp nhất trong dịp lễ Tết. Vào các dịp lễ Tết, số ca tai nạn giao thông thường tăng cao so với ngày thường. Rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, tiếp theo là chấn thương cột sống, gãy chi, chấn thương ngực bụng kín hay hở, chấn thương phần mềm...
Chấn thương do tai nạn giao thông thường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, người bệnh có thể tàn tật hoặc tử vong.
- Chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Vào dịp lễ Tết, một số yếu tố làm tăng nguy cơ gặp các chấn thương từ sinh hoạt hàng ngày như: gãy chi do té ngã, bong gân, bỏng, chấn thương khi chơi thể thao hoặc tập thể dục quá sức, chấn thương phần mềm…
- Chấn thương do pháo nổ. Đây là một trong những tai nạn thường gặp vào dịp Tết và là tai nạn rất nguy hiểm. Bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở trên cơ thể, pháo có thể khiến cơ thể bị bỏng và tổn thương nặng các vùng mặt, cổ, mắt, tay… do các hóa chất như lưu huỳnh, phốt pho…
- Chấn thương ở trẻ nhỏ, người già. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ gặp chấn thương trong dịp Tết. Bởi đối với trẻ nhỏ, đây là thời gian cha mẹ ít để ý tới con đồng thời trẻ chưa có ý thức về các hành động nguy hiểm.
Một số chấn thương thường gặp vào dịp Tết ở trẻ nhỏ là: điện giật, hóc dị vật, té ngã, bỏng… Còn đối với người già, cũng cần lưu ý một số chấn thương có thể gặp như té ngã do đi lại nhiều hoặc tập thể dục gắng sức.
Phòng ngừa chấn thương vào ngày Tết
Rất nhiều trường hợp chấn thương có thể phòng tránh được, do vậy trong dịp nghỉ Tết, người dân cần lưu ý một số điều sau để hạn chế các chấn thương:
- Không uống rượu bia khi tham gia giao thông, tuân thủ các nguyên tắc khi tham gia giao thông. Đặc biệt cần lưu ý quan sát kỹ hơn khi tham gia giao thông vào các dịp lễ Tết.
- Không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, hoặc đốt các loại pháo bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật để tránh gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
- Với trẻ nhỏ: Cha mẹ cần lưu ý cần thường xuyên để mắt tới trẻ, để trẻ tránh xa các khu vực nguy hiểm như ổ điện, ao hồ, bếp nấu ăn, vật dụng thủy tinh, sắc nhọn… Không cho trẻ nhỏ ngậm các loại hạt, kẹo để tránh hóc dị vật. Cha mẹ cần có kiến thức để sơ cứu cho trẻ khi bị hóc dị vật, trong trường hợp không thể sơ cứu hoặc thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc và đến gần nơi có pháo nổ.
- Với người già: Người thân trong gia đình cần lưu ý quan tâm và đồng hành cùng với người già trong các hoạt động di chuyển nhất là khi thời tiết có mưa, trời tối, địa hình trơn trượt… Người già không nên tập thể dục hoặc chơi thể thao quá sức trong các dịp Tết. Khi tham gia giao thông cần hết sức cẩn thận hoặc hạn chế điều khiển phương tiện giao thông.
Trong trường hợp gặp các chấn thương tốt nhất người bệnh nên được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.
Xem thêm video được quan tâm:
Báo động đỏ cứu người bệnh chấn thương sọ não | SKĐS