1. Làm sao phân biệt nước ối với nước tiểu và dịch viêm nhiễm âm đạo?
- 1. Làm sao phân biệt nước ối với nước tiểu và dịch viêm nhiễm âm đạo?
- 2. Lý do ra nước âm đạo khi ối vỡ non, ối rỉ non?
- 3.Thai phụ cần làm gì khi bị ối vỡ non, ối rỉ non?
- 4. Những trường hợp ối rỉ non có khả năng bình thường trở lại không?
- 5. Tại sao ối vỡ non, ối rỉ non có nguy cơ gây nhiễm trùng ối?
- 6. Vỡ ối nhưng chưa đau đẻ, đau bụng có sao không?
- 7. Cần làm gì khi vỡ ối mà không đau bụng?
Khi bị vỡ ối non, thai phụ sẽ xuất hiện tình trạng chảy nước âm đạo đột ngột. Tuy nhiên, hiện tượng chảy nước âm đạo rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý, hiện tượng khác.
Theo đó, thai phụ có thể phân biệt nước ối với nước tiểu, dịch âm đạo như sau:
1.1 Đặc điểm nhận biết rỉ nước ối
- Dịch chảy ra có màu trắng trong hoặc có chất nhầy hay máu.
- Nước ối không có mùi.
- Rỉ nước ối thường sẽ thấm ướt quần lót.
- Rỉ ối có thể kèm theo cơn gò tử cung.
1.2 Đặc điểm của dịch âm đạo
- Dịch âm đạo thường có màu trắng đục hoặc vàng hay xanh.
- Có thể có mùi như mùi tanh.
- Dịch âm đạo chảy ra cũng có thể thấm ướt quần lót.
1.3 Đặc điểm của nước tiểu
- Nước tiểu thường màu vàng nhạt.
- Nước tiểu có mùi khai.
2. Lý do ra nước âm đạo khi ối vỡ non, ối rỉ non?
Khi trong tử cung, thai được nằm trong túi ối, màng túi ối là một màng mỏng, trong suốt, bóng, rất bền, vừa giữ chức năng bảo vệ thai, vừa giữ cho nước ối không bị chảy ra ngoài, bảo vệ thai khỏi sự tấn công của vi trùng từ môi trường âm đạo. Khi màng ối vỡ, tác dụng bảo vệ này không còn nữa sẽ dẫn đến nước ối bị chảy ra ngoài.
3. Thai phụ cần làm gì khi bị ối vỡ non, ối rỉ non?
Vỡ ối non là tình trạng cấp cứu, cần được xử lý nhanh chóng. Việc trì hoãn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác cho mẹ và thai nhi. Vậy nên, trường hợp xác định ối vỡ non, thai phụ cần phải liên hệ với bác sĩ và nhập viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị, theo dõi phòng ngừa nhiễm trùng.
Thai phụ nên:
- Ghi nhận thời gian vỡ ối, theo dõi thời gian thời gian vỡ ối và lượng nước ối chảy ra là rất quan trọng. Điều này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của mẹ và thai nhi.
- Quan sát màu sắc nước ối, nước ối thường có màu trong suốt hoặc hơi ngả vàng. Nếu nước ối có màu xanh lục, vàng đậm hoặc có lẫn máu, đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm, báo hiệu thai nhi có thể bị thiếu oxy hoặc gặp vấn đề sức khỏe. Hãy báo ngay cho bác sĩ.
- Nếu nghi ngờ vỡ ối non, thai phụ nên hạn chế vận động và nghỉ ngơi tại chỗ trong khi chờ được hỗ trợ y tế. Việc di chuyển nhiều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc gây co thắt tử cung, dẫn đến chuyển dạ sớm.
- Tư thế nằm nghiêng (đặc biệt là nghiêng bên trái) giúp cải thiện lưu lượng máu đến thai nhi và có thể giảm áp lực lên tử cung.
- Khi màng ối bị vỡ, cơ thể mẹ và thai nhi dễ bị nhiễm trùng hơn do màng bảo vệ (màng ối) đã bị rách. Không tự ý đưa tay vào âm đạo hoặc sử dụng băng vệ sinh, khăn giấy để kiểm tra. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
4. Những trường hợp ối rỉ non có khả năng bình thường trở lại không?
Trường hợp bị rỉ ối khi vỡ ối non, nếu màng ối rỉ lỗ nhỏ và 2 màng ối trượt lên nhau đóng kín lỗ rỉ, làm ngưng rỉ ối và không có dấu hiệu nhiễm trùng thì thai có thể phát triển đến đủ ngày. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp sau khi ối vỡ sẽ có chuyển dạ tự nhiên. Thời gian từ khi ối vỡ cho đến khi chuyển dạ đối với trường hợp thai gần đủ tháng hay đủ tháng < 24 giờ, còn trong trường hợp thai non tháng thì giai đoạn này lâu hơn.
5. Tại sao ối vỡ non, ối rỉ non có nguy cơ gây nhiễm trùng ối?
Nhiễm trùng ối là nhiễm trùng nước ối và màng ối. Màng ối có tác dụng ngăn cản không cho vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo, âm hộ lên, bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.
Vậy nên, khi màng ối vỡ tác dụng bảo vệ này không còn nữa sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng ối.
Tỷ lệ nhiễm trùng ối càng cao khi thời gian vỡ ối càng lâu. Nhiễm trùng ối sẽ dẫn đến nhiễm trùng thai, suy thai, trong thời kỳ hậu sản dễ bị nhiễm trùng hậu sản ở các mức độ khác nhau, nếu nặng có thể dẫn đến viêm phúc mạc hoặc nhiễm khuẩn huyết.
Trong một số trường hợp ngôi thai không bình chỉnh tốt, ối vỡ có thể bị sa dây rốn. Tiên lượng cho mẹ tùy thuộc xem có bị nhiễm trùng ối hay không, tiên lượng cho con thường xấu vì con non tháng, nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp.
6. Vỡ ối nhưng chưa đau đẻ, đau bụng có sao không?
Nếu thai phụ sau khi vỡ ối không gặp phải các cơn co thắt tử cung, đau bụng thì có thể do cơ thể chưa thích nghi hoặc chưa kịp phản ứng với thay đổi tự nhiên này. Tuy nhiên, thai phụ không được chủ quan mà cần tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Túi ối bị vỡ càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng càng tăng lên, thai nhi ở lâu quá trong tử cung có thể bị ngạt thở vì chèn ép dây rốn, không có oxy hoặc hít phải phân su rất nguy hiểm. Nếu quá trình chuyển dạ chưa bắt đầu trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm vỡ ối thai phụ sẽ được chỉ định các biện pháp can thiệp.
7. Cần làm gì khi vỡ ối mà không đau bụng?
Khi vỡ ối nhưng không đau bụng, các thai phụ cần bình tĩnh, không lo lắng, căng thẳng. Khi thấy chất lỏng chảy ra từ âm đạo, mẹ hãy ghi lại thời điểm và các đặc điểm của chất lỏng để thông báo cho bác sĩ.
Sử dụng băng vệ sinh, tã bỉm cho bà bầu và khăn sạch lau khô chất lỏng. Tuyệt đối không nhét tampon vào trong âm đạo. Nếu muốn tắm sạch sẽ, mẹ nên tắm đứng, không nên ngâm mình trong bồn tắm để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Sau đó, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra chính xác có phải hiện tượng vỡ ối hay không, từ đó sẽ hướng dẫn mẹ cách theo dõi hoặc có can thiệp kịp thời và hiệu quả.