Hà Nội

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đài bể thận

06-10-2024 20:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm đài bể thận là bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng cần được can thiệp y tế. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tránh gặp biến chứng nguy hiểm.

1. Đông y có chữa được bệnh viêm đài bể thận không?

Viêm đài bể thận là một bệnh lý nhiễm trùng ở thận và đường tiết niệu và thường cần điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ Tây y để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đông y có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm đài bể thận, nhưng không được coi là phương pháp chữa trị chính cho căn bệnh này.

Đông y có thể cung cấp các phương pháp hỗ trợ trong việc tăng cường sức khỏe tổng quát, cải thiện chức năng thận, giảm triệu chứng viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch.

2. Cách sơ cứu bệnh viêm đài bể thận

Viêm đài bể thận là bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng và không thể tự điều trị tại nhà chỉ bằng sơ cứu. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cơ bản, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được điều trị chuyên môn. Việc điều trị sớm và đúng cách là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm cho thận.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đài bể thận- Ảnh 1.

Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cơ bản, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được điều trị chuyên môn.

Khi bị viêm đài bể thận, việc sơ cứu chỉ nên tập trung vào giảm bớt triệu chứng trước khi người bệnh được đưa đến cơ sở y tế.

Theo đó, người bệnh nên uống đủ nước, sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt nếu bệnh nhân có đau hoặc sốt. Người bệnh có thể chườm ấm phần bụng dưới để giảm cơn đau và khó chịu.

Cho người bệnh nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể chất để giảm áp lực lên thận.

Theo dõi các triệu chứng cảnh báo bệnh chuyển nặng. Theo đó, khi bệnh nhân cảm thấy đau lưng dữ dội, sốt cao, buồn nôn, tiểu ra máu.. thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được hỗ trợ khẩn cấp.

3. Cách chăm sóc người bệnh viêm đài bể thận

Chăm sóc người bệnh bị viêm đài bể thận cần chú trọng vào việc giúp bệnh nhân giảm bớt triệu chứng, hỗ trợ quá trình phục hồi, và phòng ngừa biến chứng.

3.1. Tuân thủ điều trị thuốc

Người bệnh viêm đài bể thận thường được kê đơn kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Việc tuân thủ đầy đủ liều lượng và thời gian điều trị rất quan trọng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Không tự ý ngừng thuốc ngay cả khi triệu chứng giảm, vì điều này có thể dẫn đến tái phát hoặc kháng thuốc.

3.2. Đảm bảo uống đủ nước

Uống nhiều nước (khoảng 2-3 lít mỗi ngày) giúp làm loãng nước tiểu và hỗ trợ thải trừ vi khuẩn qua đường tiểu.

Tránh các loại đồ uống có cồn hoặc chứa caffeine (như cà phê, trà đen), vì chúng có thể gây kích thích đường tiết niệu và làm bệnh nghiêm trọng hơn.

3.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, tập trung vào rau củ, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ và vitamin.

Tránh thực phẩm mặn, nhiều gia vị hoặc dầu mỡ, có thể gây áp lực lên thận.

Nếu người bệnh có triệu chứng buồn nôn, cần ăn các bữa nhỏ, dễ tiêu hóa.

3.4. Nghỉ ngơi đầy đủ

Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để giảm tải áp lực cho cơ thể và giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.

Hạn chế các hoạt động thể chất nặng trong thời gian điều trị, đặc biệt là những hoạt động gây căng thẳng vùng lưng và bụng dưới.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đài bể thận- Ảnh 3.

Người bệnh viêm đài bể thận phải tuyệt đối điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

3.5. Theo dõi triệu chứng

Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể, nếu người bệnh bị sốt cao hoặc các triệu chứng như đau lưng dưới, tiểu khó, tiểu ra máu, nôn mửa, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Nếu triệu chứng không giảm sau vài ngày điều trị hoặc có dấu hiệu trở nặng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra.

3.6. Hỗ trợ vệ sinh cá nhân

Giữ vệ sinh đường tiết niệu: Hướng dẫn người bệnh vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi tiểu để tránh vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập.

Khuyến khích người bệnh đi tiểu thường xuyên, tránh nhịn tiểu vì điều này có thể gây ứ đọng nước tiểu và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3.7. Chăm sóc tinh thần

Sau khi hoàn thành quá trình điều trị, người bệnh nên đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo vi khuẩn đã được tiêu diệt hoàn toàn và bệnh không tái phát.

Chăm sóc tốt giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn và tránh được các biến chứng nguy hiểm như suy thận hay nhiễm trùng lan rộng.

4. Bệnh viêm đài bể thận có chữa khỏi được không?

Bệnh viêm đài bể thận có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Điều trị sớm bằng kháng sinh là phương pháp chính để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng.

Theo đó, để nhanh chữa khỏi bệnh viêm đài bể thận, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm, điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh, tuân thủ liệu trình điều trị, chăm sóc và theo dõi sức khỏe trong và sau khi điều trị.

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh có thể trở thành viêm đài bể thận mạn tính hoặc gặp phải những biến chứng nguy hiểm như suy thận, áp xe thận, nhiễm trùng huyết. Lúc này, quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp và kéo dài hơn.

5. Tại sao phụ nữ dễ bị viêm đài bể thận hơn nam giới?

Phụ nữ dễ mắc viêm đài bể thận hơn nam giới do những đặc điểm về giải phẫu học và các yếu tố liên quan đến vệ sinh cũng như hành vi sinh hoạt.

5.1. Cấu trúc giải phẫu của đường tiết niệu

Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn so với nam giới. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Ở phụ nữ, niệu đạo chỉ dài khoảng 3-4 cm, trong khi ở nam giới, nó có thể dài từ 15-20 cm. Do niệu đạo ngắn hơn, vi khuẩn dễ dàng di chuyển từ bên ngoài (vùng hậu môn hoặc âm đạo) vào bàng quang và sau đó lan lên thận gây nhiễm trùng.

5.2. Vị trí niệu đạo gần hậu môn

Ở phụ nữ, niệu đạo nằm gần hậu môn hơn so với nam giới. Điều này làm tăng nguy cơ vi khuẩn từ hậu môn, đặc biệt là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) – nguyên nhân phổ biến gây viêm đài bể thận, di chuyển vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

5.3. Tác động của hoạt động tình dục

Hoạt động tình dục là một yếu tố nguy cơ cao cho nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận ở phụ nữ. Quan hệ tình dục có thể đẩy vi khuẩn vào niệu đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Phụ nữ thường gặp tình trạng này nhiều hơn nam giới do vị trí và cấu trúc giải phẫu.

5.4. Thay đổi nội tiết tố

Nội tiết tố estrogen có vai trò bảo vệ đường tiết niệu ở phụ nữ. Sau mãn kinh, nồng độ estrogen giảm, làm cho niêm mạc đường tiết niệu mỏng hơn và dễ bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận.

5.5. Mang thai

Trong thời gian mang thai, tử cung mở rộng có thể gây áp lực lên bàng quang và niệu quản, làm cho dòng chảy của nước tiểu bị chậm lại hoặc bị tắc nghẽn. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lan rộng từ bàng quang lên thận, gây viêm đài bể thận. Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao hơn vì thay đổi hormone làm suy yếu cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ tiết niệu.

5.6. Thói quen vệ sinh cá nhân

Thói quen vệ sinh không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở phụ nữ. Việc lau từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh có thể dẫn đến việc vi khuẩn từ hậu môn di chuyển lên niệu đạo, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và có thể dẫn đến viêm đài bể thận.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đài bể thận- Ảnh 4.

Phụ nữ dễ mắc viêm đài bể thận hơn nam giới.

5.7. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh không phù hợp

Việc sử dụng sản phẩm vệ sinh cá nhân như băng vệ sinh, tampon, xà phòng không phù hợp hoặc các chất tẩy rửa mạnh có thể gây kích ứng hoặc làm mất cân bằng vi khuẩn có lợi ở vùng niệu đạo và âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

5.8. Sử dụng biện pháp tránh thai

Một số biện pháp tránh thai, chẳng hạn như màng ngăn âm đạo hoặc chất diệt tinh trùng, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và viêm đài bể thận ở phụ nữ.

6. Người bị viêm đài bể thận nên kiêng thực phẩm gì?

Người bị viêm đài bể thận nên chú ý đến chế độ ăn uống để hỗ trợ quá trình điều trị, bảo vệ thận và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng.

Người bị viêm đài bể thận nên kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều muối vì muối làm tích nước gây tăng áp lực lên thận.

Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu đạm động vật như thịt động vật ( thịt bò, thịt lợi…). Đạm là cần thiết cho cơ thể, nhưng khi thận bị tổn thương, việc tiêu thụ quá nhiều đạm có thể gây gánh nặng lên thận trong quá trình lọc chất thải.

Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều phốt pho như sữa, phô mai, các sản phẩm từ sữa, đậu nành, đậu hà lan, đậu phộng để tránh gặp các vấn đề về xương và mạch máu.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường vì đường có thể ảnh hưởng đến quá trình viêm nhiễm trong cơ thể, làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Kiêng ăn những thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ để tránh tăng nguy cơ tích tụ chất béo trong cơ thể, gây thêm áp lực cho thận khi phải lọc máu.

Không sử dụng chất kích thích và đồ uống có cồn. Các chất kích thích , caffeine có thể làm tăng áp lực lên thận và gây mất nước. Đồ uống có cồn có thể gây tổn thương trực tiếp đến thận, làm giảm hiệu quả chức năng của thận trong quá trình lọc chất thải.

Hạn chế ăn thức ăn cay, nhiều gia vị để tránh tình trạng kích thích niêm mạc đường tiết niệu, gây khó chịu và làm triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

7. Viêm đài bể thận mạn tính có nguy hiểm không?

Viêm đài bể thận mạn tính có thể rất nguy hiểm nếu không được điều trị và quản lý đúng cách. Đây là tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại hoặc kéo dài ở thận, dẫn đến tổn thương mô thận theo thời gian. So với viêm đài bể thận cấp tính, viêm mạn tính thường không có triệu chứng rầm rộ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hơn về lâu dài.

Theo đó, khi bị viêm đài bể thận mạn tính người bệnh thường có các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau âm ỉ vùng lưng dưới hoặc hông, sốt nhẹ không dứt, tiểu nhiều liền, tiểu đục hoặc tiểu buốt, tăng huyết áp, phù nề chân…

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đài bể thận- Ảnh 5.

Viêm đài bể thận có thể dẫn tới nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách.

Viêm đài bể thận mạn tính có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương thận vĩnh viễn: Sự tái phát và kéo dài của viêm nhiễm có thể gây ra sự hình thành sẹo ở thận. Qua thời gian, điều này dẫn đến suy giảm chức năng thận và có thể gây suy thận mạn nếu không được kiểm soát.
  • Suy thận: Nếu viêm đài bể thận mạn tính không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, tổn thương thận có thể tiến triển đến mức thận mất khả năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể. Điều này có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, khi đó người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
  • Nhiễm trùng tái phát: Người bị viêm đài bể thận mạn tính dễ bị nhiễm trùng tái phát, có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và đòi hỏi phải điều trị bằng kháng sinh thường xuyên, làm tăng nguy cơ kháng thuốc.
  • Tăng huyết áp: Suy giảm chức năng thận do viêm đài bể thận mạn tính có thể gây tăng huyết áp. Điều này làm tăng nguy cơ biến chứng về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh lý tim mạch khác.
  • Áp-xe thận: Viêm đài bể thận mạn tính có thể gây ra sự hình thành các ổ áp-xe trong thận, cần can thiệp y tế để loại bỏ ổ mủ.

8. Chi phí khám chữa bệnh

Chi phí khám và điều trị bệnh viêm đài bể thận có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp chẩn đoán, mức độ nghiêm trọng của bệnh, cơ sở y tế (bệnh viện công hay tư), cũng như liệu người bệnh có bảo hiểm y tế hay không.

Theo đó, nếu viêm đài bể thận được phát hiện sớm và chỉ cần điều trị ngoại trú bằng kháng sinh, tổng chi phí ước tính khoảng 500.000 - 3.000.000 VND cho việc khám và điều trị.

Nếu phải nhập viện hoặc có biến chứng, tổng chi phí có thể tăng lên từ 5.000.000 - 20.000.000 VND hoặc hơn, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và cơ sở y tế.

Nếu có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ được chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh. Ở các bệnh viện công, bảo hiểm y tế có thể chi trả từ 80-90% chi phí tùy theo mức độ bảo hiểm. Ở các bệnh viện tư nhân, bảo hiểm có thể chi trả ít hơn và chỉ đối với các dịch vụ nằm trong danh mục được bảo hiểm.

Với bảo hiểm y tế, chi phí có thể giảm đi đáng kể, đặc biệt là trong trường hợp phải nhập viện hoặc cần phẫu thuật.

Viêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trịViêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị

SKĐS - Viêm đài bể thận là một tình trạng nhiễm trùng tại hệ thống dẫn lưu nước tiểu của thận. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như suy thận, nhiễm trùng máu...


PGS.TS.BS Nguyễn Bách
Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM)
Ý kiến của bạn