Những câu hỏi thường gặp liên quan đến mất ngủ mạn tính

11-10-2024 21:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ từ 3 đêm trở lên trong một tuần, kéo dài hơn 3 tháng. Mất ngủ mạn tính có thể gây rối loạn tâm lý, suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ…

Dưới đây là một số giải đáp liên quan đến mất ngủ mạn tính:

1. Đông Y có chữa được mất ngủ mạn tính?

Theo Lương y Trịnh Văn Sỹ, mất ngủ hay khó ngủ là chứng bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong đời sống rất nhiều người. Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân sinh mất ngủ là do tâm tỳ hư tổn, thận hư, âm hư, tâm thận bất giao, tâm hỏa cang thịnh, cũng có thể còn do tâm thần bị sang chấn quá mạnh sinh ra mất ngủ.

Đông y có những bài thuốc điều trị chứng bệnh này theo từng thể lâm sàng rất hữu hiệu, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.

1.1. Mất ngủ do tâm tỳ hư

Người bệnh thường mất ngủ tăng dần, tinh thần uể oải, phờ phạc, hay quên, tâm hồi hộp rạo rực, ăn uống kém, chân tay mềm nhão, thỉnh thoảng đau vùng trước tim, lồng ngực nặng kèm khó thở, chất lưỡi bệu nhạt, bụng sôi ậm ạch, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, chân tay lạnh, da bụng dày, môi và niêm mạc nhợt nhạt, cơ thể yếu mệt.

Bài thuốc: Bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, sơn thù 12g, ngũ gia bì 16g, phòng sâm 16g, đương quy 16g, cao lương khương 12g, nhục quế 6g, ngũ vị 10g, phục thần 12g, hắc táo nhân 16g, lạc tiên 20g, cam thảo 12g, đại táo 7 quả. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tỳ thổ, cân bằng âm dương, ổn định chức năng tiêu hóa, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

1.2. Mất ngủ do suy nhược thần kinh

Người bệnh luôn căng thẳng, đau váng đầu, ù tai, giấc ngủ chập chờn hoặc không ngủ được, trằn trọc, tâm rạo rực, căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Phép trị là bổ thần kinh, an thần dưỡng tâm. Dùng một trong các bài:

Bài thuốc: lá vông, lá dâu mỗi vị 24g; củ đinh lăng 20g, trinh nữ hoàng cung 20g, hà thủ ô 16g, bạch thược 12g, phục thần 12g, đương quy 12g, thảo quyết minh 16g (sao vàng kỹ), cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tâm, an thần định chí.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến mất ngủ mạn tính- Ảnh 1.

Lá vông nem, lạc tiên thường được sử dụng trong các bài thuốc trị mất ngủ mạn tính.

1.3. Mất ngủ do âm hư hỏa vượng

Người bệnh bị mất ngủ kéo dài, đau lưng, ù tai, đầu nặng, choáng váng từng cơn, mắt thâm quầng, thỉnh thoảng toát mồ hôi. Nếu là nam giới dễ bị di tinh, hoạt tinh. Phép chữa: tư âm, giáng hỏa, an thần. Dùng một trong các bài:

Bài thuốc: thục địa 16g, hoài sơn 16g, đan bì 10g, chi tử 12g, sơn thù 16g, trạch tả 16g, rau má 24g, mạch môn 20g, tri mẫu 12g, thạch hộc 16g, thân cây mía 40g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

2. Mất ngủ mạn tính có nguy hiểm không?

Theo BS. Nguyễn Viết Chung - Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E, nếu mất ngủ kéo dài, người bệnh sẽ bị ảo giác và ảo tưởng kèm theo các bệnh lý cơ thể như tăng huyết áp, tim mạch, mệt mỏi, stress.

Mất ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, có thể gây ra lo âu và trầm cảm. Không ngủ, các vùng não điều chỉnh cảm xúc sẽ bị suy yếu.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa giấc ngủ ngon hơn và sức khỏe cảm xúc. Ở những người khỏe mạnh, giấc ngủ chất lượng tốt có liên quan đến tâm trạng tích cực hơn - và chỉ cần một đêm thiếu ngủ cũng có thể gây ra sự lo lắng và một số triệu chứng trầm cảm tăng đột biến vào sáng hôm sau.

Hơn nữa, những người bị mất ngủ mạn tính có xu hướng trải nghiệm các sự kiện hàng ngày tiêu cực hơn, khiến họ khó thoát khỏi suy nghĩ u ám, tiêu cực.

Các triệu chứng mất ngủ cũng làm tăng nguy cơ hành vi tự tử ở những người có nguy cơ và thường xảy ra trước giai đoạn khởi phát ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Hơn nữa, ngay cả sau khi điều trị đầy đủ chứng trầm cảm hoặc lo âu, những người tiếp tục gặp khó khăn về giấc ngủ vẫn có nguy cơ tái phát cao hơn so với những người có giấc ngủ được cải thiện.

Ngoài ra, mất ngủ mạn tính có thể gây căng thẳng cho hệ thần kinh, tạo áp lực cho tim. Kết quả một nghiên cứu cho thấy, mất ngủ trong thời gian dài có thể làm teo não đến 25%. Đặc biệt nguy cơ đột quỵ ở những người ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm cao gấp 8 lần so với người bình thường.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến mất ngủ mạn tính- Ảnh 2.

Mất ngủ mạn tính ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. (ảnh minh hoạ)

3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Mất ngủ mạn tính là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về giấc ngủ, ngay từ giai đoạn cấp tính, nên xem xét lại chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình để điều chỉnh cho phù hợp.

Nếu đã áp dụng những biện pháp trên mà tình trạng mất ngủ không được cải thiện thì nên chủ động đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bị mất ngủ mạn tính.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám:

  • Khó ngủ hoặc thức giấc thường xuyên trong hơn một tháng, dù đã cố gắng cải thiện thói quen sinh hoạt.
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải suốt ngày, dù đã ngủ đủ giấc.
  • Khó tập trung vào công việc, học tập hoặc các hoạt động hàng ngày.
  • Cảm thấy dễ cáu gắt, dễ bị kích thích, lo lắng hoặc trầm cảm.
  • Khi mất ngủ ảnh hưởng đến mối quan hệ, công việc hoặc các hoạt động xã hội.

Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ, có thể là do bệnh lý, stress, hoặc các yếu tố khác.

Dựa trên nguyên nhân và tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, có thể bao gồm thay đổi lối sống, liệu pháp hành vi nhận thức, hoặc thuốc ngủ.

Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, như bệnh tim mạch, đái tháo đường và suy giảm hệ miễn dịch. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng này.

4. Có nên dùng thuốc trị mất ngủ ở trẻ vị thành niên?

Theo BS. Nguyễn Kim Chi, đối với chứng mất ngủ ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, dược phẩm không phải là cách tiếp cận đầu tiên.

Hiện chưa có loại thuốc điều trị mất ngủ nào được FDA phê duyệt để sử dụng cho trẻ em. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ như trẻ bị khuyết tật phát triển có thể cần dùng thuốc để điều trị các vấn đề về giấc ngủ.

Các thuốc có thể được bác sĩ sử dụng trong trường hợp này là benzodiazepine, chất chủ vận thụ thể alpha như clonidine và guanfacine, thuốc kháng histamine an thần và thuốc chống trầm cảm an thần. Chỉ dùng thuốc khi các phương pháp hành vi thất bại.

Hai loại thuốc kháng histamine (alimemazine và hydroxyzine), có tác dụng an thần, có thể được sử dụng để điều trị một số loại chứng mất ngủ ở trẻ, nhưng việc dùng thuốc nên ngắn hạn (không quá 2 tuần). Nếu trẻ thấy buồn ngủ hoặc khó tập trung vào sáng hôm sau sau khi uống thuốc, trong trường hợp này, nên ngừng điều trị.

Melatonin thường được các bậc cha mẹ coi là một phương thuốc tự nhiên, vô hại cho giấc ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến khích cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng. Melatonin chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ sau khi thiết lập thói quen ngủ lành mạnh cho trẻ.

Thuốc thảo dược có thể được chỉ định trong rối loạn giấc ngủ nhẹ ở trẻ em. Độ tuổi sử dụng thay đổi theo từng loại thuốc. Mặc dù có sẵn mà không cần toa, nhưng cha mẹ không nên sử dụng mà không có lời khuyên của thầy thuốc. Theo nguyên tắc chung, việc sử dụng các loại thuốc nhằm thúc đẩy giấc ngủ chính thức không được khuyến khích ở trẻ em, kể cả những loại thuốc dựa trên thực vật.

5. Khắc phục chứng mất ngủ ở người cao tuổi như thế nào?

Theo ThS. Lê Chung Thủy, mất ngủ là một trong những tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Thực tế cho thấy rằng, có khoảng hơn một nửa người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ, đây là tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc bị tỉnh dậy giữa đêm.

Mất ngủ kéo dài sẽ làm cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, lo lắng, tâm lý không ổn định và không kiềm chế được cảm xúc. Những ảnh hưởng to lớn của mất ngủ đến sức khỏe có thể là những bệnh lý nghiêm trọng hơn đe dọa tính mạng con người…

Cần điều trị bệnh mất ngủ ở người già càng sớm càng tốt để giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và phòng tránh được những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến mất ngủ mạn tính- Ảnh 4.

Mất ngủ ở người cao tuổi cần đường điều trị sớm.

Trước tiên cần lựa chọn các biện pháp điều trị không dùng thuốc để điều chỉnh giấc ngủ, giúp người bệnh trở lại giấc ngủ một cách tự nhiên nhất.

Người cao tuổi nên học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần. Tạo môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ…

Tránh uống cà phê, rượu hoặc hút thuốc lá; Không nên ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.

Ban đêm, không nên nhìn vào đồng hồ. Tránh căng thẳng hoặc xúc cảm trước khi đi ngủ. Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn.

Việc thay đổi thói quen và cách sống giúp cải thiện những vấn đề về giấc ngủ. Do đó, cần phải đi ngủ và thức dậy đều đặn.

Tránh ngủ ngày quá nhiều.

Tập thể thao hằng ngày nhưng không nên tập trước giờ đi ngủ; Chỉ nằm trên giường khi ngủ, tránh nằm trên giường đọc sách, xem tivi…

Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi khi đi ngủ.

Nếu nằm trên giường 30 phút mà chưa ngủ được thì hãy ra khỏi giường và có những hoạt động nhẹ nhàng ví dụ như nghe nhạc, đọc sách nhưng tránh tiếp xúc với ánh sáng chói.

Chỉ sử dụng thuốc cho các bệnh lý kèm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp tác dụng gây mất ngủ của thuốc.

Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần phải được đi khám và có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần được ông cha ta sử dụng lâu đời dùng để chữa mất ngủ rất hiệu quả như: tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…

Với người già thì không nên sử dụng thuốc ngủ vì cơ thể người già yếu hơn so với thanh niên nên gặp các tác dụng phụ của thuốc sẽ nguy hiểm hơn, nếu tình trạng này kéo dài thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.

Chữa mất ngủ bằng các loại cây cỏ quanh nhàChữa mất ngủ bằng các loại cây cỏ quanh nhà

SKĐS - Mất ngủ, khó vào giấc là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người. Trong Đông y, chứng mất ngủ còn gọi là thất miên, người mắc chứng bệnh này hoàn toàn có thể sử dụng một số cây thuốc nam quanh nhà hỗ trợ trong việc điều trị.


Lâm Nghi
Ý kiến của bạn