1. Methadone có gây biến chứng khi mang thai?
Việc sử dụng heroin trong thời kỳ mang thai có thể khiến trẻ bị sinh non hoặc sảy thai. Do đó, dùng methadone trong thời kỳ mang thai nhằm giúp giảm biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi phụ nữ mang thai uống methadone.
Tất cả các loại thuốc mà phụ nữ mang thai dùng đều có thể đi qua nhau thai và đến thai nhi trong tử cung. Việc sử dụng thuốc methadone vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh nếu không được giám sát y tế.
2. Methadone có thể gây dị tật bẩm sinh không?
Khoảng 2-3% trẻ sơ sinh, sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Đây được gọi là rủi ro nền. Hầu hết các nghiên cứu về methadone đều không báo cáo khả năng dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cao hơn rủi ro nền. Có những nghiên cứu cho rằng, sử dụng methadone trong ba tháng đầu của thai kỳ làm tăng khả năng dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, không có bằng chứng cụ thể nào về dị tật bẩm sinh được ghi nhận. Điều này cho thấy, các yếu tố khác ngoài thuốc methadone có thể liên quan.
3. Methadone có làm tăng nguy cơ sảy thai không?
Sảy thai là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ thai kỳ nào vì nhiều lý do khác nhau. Hiện nay chưa có chứng minh rõ ràng về việc uống methadone có làm tăng nguy cơ sảy thai hay không.
4. Methadone làm tăng nguy cơ sinh non?
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần mang thai) và nhẹ cân khi sinh (cân nặng dưới 2500 g khi sinh) cao hơn khi sử dụng methadone trong thời kỳ mang thai. Những kết quả này có thể xảy ra ở người dùng methadone với liều lượng lớn hơn khuyến cáo hoặc đang sử dụng methadone nhưng không được chăm sóc.
Những người dùng thuốc phiện với liều cao hoặc trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao hơn về tình trạng thai nhi chậm phát triển, thai chết lưu, sinh non và phải sinh mổ.
5. Methadon có gây hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh?
Thực tế có hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh khi sử dụng methadone trong thời kỳ mang thai. Hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh mà thai phụ dùng trong thời kỳ mang thai.
Các triệu chứng của hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh bao gồm: Cáu kỉnh, khóc, hắt hơi, nghẹt mũi, ngủ kém, mệt mỏi, ngáp, bú kém, đổ mồ hôi, run rẩy, co giật, nôn mửa và tiêu chảy.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ sơ sinh đều mắc hội chứng cai nghiện. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi sinh và có thể kéo dài hơn hai tuần. Hội chứng cai do dùng methadon ở trẻ sơ sinh là rất ít so với các triệu chứng cai heroin. Không những thế, hội chứng cai ở trẻ sơ sinh có thể được điều trị.
Nên trao đổi với bác sĩ nếu đang dùng methadone trong thời kỳ mang thai, để trẻ được chăm sóc tốt nhất. Cần lưu ý, nếu bệnh nhân dùng nhiều hơn liều lượng được khuyến cáo, trẻ có thể bị nghiện thuốc. Do đó, liều dùng methadon cho phụ nữ mang thai phải được theo dõi và quản lý chặt chẽ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trong giai đoạn này, nhu cầu trao đổi chất của người mẹ thường tăng lên và thai nhi đã đạt đến giai đoạn phát triển cuối cùng. Liều lượng sẽ cần được điều chỉnh cẩn thận để phù hợp với sức khỏe của em bé và sức khỏe của người mẹ.
Các dấu hiệu hội chứng cai ở trẻ sơ sinh:
Trẻ sơ sinh thường có thể biểu hiện các triệu chứng cai nghiện trong hai ngày đầu tiên:
- Các triệu chứng về hô hấp: Nghẹt mũi, thở nhanh, hắt hơi và ngáp liên tục.
- Các vấn đề về hệ thần kinh: Giảm ngủ, bồn chồn, cáu kỉnh và giật mình khi có âm thanh hoặc va chạm.
- Các vấn đề về hệ tiêu hóa: Chậm tăng cân, chán ăn, ăn kém, mất nước và nôn mửa.
- Trẻ sơ sinh cũng có thể bị co giật nếu thai phụ thường xuyên dùng một lượng thuốc cao bất thường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ma túy tổng hợp và con đường dẫn đến HIV.