Những câu hỏi liên quan đến hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH)

20-04-2025 10:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bên cạnh tuân thủ điều trị thì thay đổi lối sống, kiểm soát lượng nước uống rất quan trọng giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ở người bị hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH).

1. Ai dễ mắc hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp?

Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH) là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone kháng bài niệu (ADH), loại hormone có tác dụng duy trì huyết áp, thể tích máu và hàm lượng nước trong mô, kiểm soát nồng độ nước tiểu được thận bài tiết.

Người mắc SIADH có tình trạng suy giảm khả năng bài tiết nước qua nước tiểu làm mất cân bằng muối trong cơ thể dẫn đến hạ natri máu.

Theo tài liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc SIADH tăng theo tuổi nhưng gần đây tỷ lệ mắc SIADH cao hơn đã được báo cáo ở trẻ em. Trẻ em và người lớn tuổi bị hạ natri máu nhiều hơn, đặc biệt là khi nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp và CNS như viêm phổi hoặc viêm màng não. SIADH cũng phổ biến hơn ở những bệnh nhân nhập viện, sau phẫu thuật do dùng dịch hạ trương, thuốc và phản ứng của cơ thể với căng thẳng.

Những câu hỏi liên quan đến hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH)- Ảnh 1.

Người mắc hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp có thể bị hạ natri máu.

2. SIADH có chữa khỏi được không?

Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH) thường là một tình trạng có thể điều trị được nếu xác định và giải quyết được nguyên nhân, ví dụ do một bệnh lý có thể điều trị được như: nhiễm trùng, khối u có thể phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc…

Nếu nguyên nhân không điều trị được hoàn toàn, trong nhiều trường hợp việc điều trị tập trung vào kiểm soát các triệu chứng và duy trì mức natri máu ở mức an toàn. Vì vậy, quan trọng nhất cần phải xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng SIADH để có hướng điều trị hiệu quả. Việc điều trị và theo dõi nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

3. Đông y có điều trị được SIADH không?

Đông y có thể có vai trò hỗ trợ giảm triệu chứng và tăng cường sức khỏe tổng thể cho người bệnh nhưng không phải là phương pháp điều trị chính. Việc điều trị SIADH vẫn cần dựa trên các phương pháp của y học hiện đại và có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Người bệnh không nên tự ý điều trị bằng Đông y mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

4. Người bị SIADH có phải hạn chế uống nhiều nước không?

Trong hội chứng SIADH, cơ thể sản xuất quá nhiều hormone kháng bài niệu (ADH). ADH khiến thận giữ lại nước quá mức dẫn đến tình trạng pha loãng máu và làm giảm nồng độ natri trong máu.

Do đó, một trong những biện pháp điều trị cơ bản và quan trọng nhất đối với người bị SIADH là kiểm soát lượng nước uống.

Việc hạn chế lượng nước uống giúp giảm bớt gánh nặng cho thận trong việc xử lý lượng nước dư thừa và tăng nồng độ natri trong máu, đưa về mức an toàn. Tuy nhiên, mức độ hạn chế nước sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh và cần được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền
https://suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-h...

5. Cách chăm sóc bệnh nhân SIADH tại nhà

Người bệnh cần tuân thủ điều trị dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, uống đúng liều lượng, đúng thời gian. Không tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc. Thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về kiểm soát lượng nước uống, lượng chất lỏng tối đa được phép uống mỗi ngày. Người bệnh nên ghi nhật ký lại lượng chất lỏng đã tiêu thụ để đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép. Hạn chế vận động mạnh hoặc tiếp xúc với môi trường nóng bức có thể làm tăng cảm giác khát.

Việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người bị SIADH. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết về chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng cụ thể của từng người.

Tập luyện ở mức độ vừa phải như đi bộ, đạp xe, yoga, thiền… giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, cải thiện tinh thần và giảm yếu cơ. Tránh các bài tập cường độ cao hoặc các bài tập làm tăng nhiệt độ cơ thể quá mức.

Những câu hỏi liên quan đến hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH)- Ảnh 2.

Bài tập thiền giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho người bệnh SIADH.

6. Khi có dấu hiệu mắc SIADH nên đi khám ở bệnh viện nào?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc SIADH người bệnh nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Chuyển hóa hoặc Nội thận. Ở đó có đội ngũ bác sĩ chuyên môn sâu về các rối loạn nội tiết và các vấn đề liên quan đến chức năng thận, điện giải và có khả năng thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán SIADH.

Người bệnh có thể tham khảo một số bệnh viện như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện uy tín có các chuyên khoa trên.

7. Chi phí điều trị SIADH

Chi phí điều trị SIADH phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: nguyên nhân, tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, chi phí xét nghiệm và các phương pháp điều trị. Người bị hạ natri máu nặng có thể cần nhập viện điều trị tích cực sẽ tăng chi phí.

Người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ về kế hoạch điều trị và ước tính chi phí dựa trên các xét nghiệm và thuốc cần thiết. Nếu có bảo hiểm y tế, nên tìm hiểu mức hỗ trợ và các thủ tục để hưởng BHYT theo quy định để giảm gánh nặng chi phí điều trị.

Thuốc điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợpThuốc điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp

SKĐS - Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ natri máu, nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây nguy hiểm.

Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp lưu ý gì về chế độ ăn?Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp lưu ý gì về chế độ ăn?

SKĐS - Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp gây ra sự mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, đặc biệt là nồng độ natri trong máu. Do đó, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng này.

Người mắc hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp nên tập luyện thế nào?Người mắc hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp nên tập luyện thế nào?

SKĐS - Tập luyện đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm yếu cơ, củng cố tinh thần ở người mắc hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo tập đúng cách, người bệnh cần lưu ý gì?


Đức Minh
Ý kiến của bạn