Những câu hỏi liên quan đến bệnh viêm phổi ở trẻ em

29-10-2024 10:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Theo WHO, viêm phổi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất cho trẻ em trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tử vong do viêm phổi cũng đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.

1. Viêm phổi ở trẻ em có lây không?

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh đường hô hấp phổ biến, gây ra do viêm các phế nang trong phổi với tác nhân là vi khuẩn, virus, tụ cầu vàng và Mycoplasma...

Thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng cho các bệnh hô hấp phát triển trong đó có viêm phổi. Viêm phổi là căn bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng.

2. Đông y có chữa được viêm phổi ở trẻ em không?

Đông y không chữa được viêm phổi ở trẻ em. Tuy nhiên, các phương thuốc đông y có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân viêm phổi phục hồi sức khoẻ. Hỗ trợ điều trị viêm phổi làm giảm các biểu hiện ho, nâng cao sức khỏe toàn diện cho người bệnh.

3. Viêm phổi ở trẻ em có chữa khỏi không?

Viêm phổi ở trẻ em hay người lớn là một trong các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp, ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. Phổi được tạo thành từ các phế nang. Khi bị viêm phổi, các phế nang chứa đầy dịch lỏng và mủ gây khó thở và giảm lượng oxy hấp thụ vào máu.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê ở các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện đều cho thấy nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là nguyên nhân cao nhất đến khám bệnh và vào điều trị tại các bệnh viện. Tử vong do viêm phổi cũng đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Những câu hỏi liên quan đến bệnh viêm phổi ở trẻ em- Ảnh 1.

GS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: NVCC.

4. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm phổi?

Viêm phổi ở trẻ em thường có các triệu chứng sau:

Thở nhanh là dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em

Nghiên cứu triệu chứng lâm sàng giúp cho chẩn đoán viêm phổi và mức độ nặng của bệnh, các tác giả nhận thấy thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tiêu chuẩn thở nhanh theo phân loại của WHO là:

  • ≥ 60 lần/phút đối với trẻ <2 tháng tuổi và
  • ≥ 50 lần/phút đối với trẻ 2 tháng-12 tháng tuổi và
  • ≥ 40 lần/phút đối với trẻ 1-5 tuổi

Nhiều nghiên cứu cho thấy thở nhanh là dấu hiệu sớm có giá trị trong chẩn đoán viêm phổi dựa vào lâm sàng, vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao so với chẩn đoán viêm phổi bằng Xquang.

Tuy nhiên đếm nhịp thở cũng gặp khó khăn đối với một số trẻ nhỏ hay sợ và kích thích hoặc quấy khóc. Khi đó nhịp thở có thể tăng lên. Chính vì vậy phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi cần phải đếm 2 lần và cả 2 lần đều ở mức ≥ 60 lần thì mới coi là thở nhanh.

Thở nhanh là triệu chứng hay gặp của viêm phổi ở trẻ 12-36 tháng tuổi. Tuy nhiên đối với trẻ trên 36 tháng thì độ nhạy của dấu hiệu thở nhanh lại tương đối thấp. Đối với trẻ dưới 1 tuổi nếu nhịp thở trên 70 lần/phút thường là triệu chứng của viêm phổi nặng.

Những câu hỏi liên quan đến bệnh viêm phổi ở trẻ em- Ảnh 2.

Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất cho trẻ em trên toàn thế giới. Ảnh minh họa.

Ran ẩm nhỏ hạt

Ran ẩm nhỏ hạt cũng là dấu hiệu trong chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em. Tuy nhiên theo nghiên cứu của nhiều tác giả thì ran ẩm nhỏ hạt có độ nhạy thấp so với viêm phổi được chẩn đoán xác định bằng X-quang.

Hơn nữa ngay cả các thầy thuốc có kinh nghiệm cũng không hoàn toàn thống nhất với nhau khi nghe ran ẩm và sự phù hợp dựa vào chỉ số Kappa chỉ từ 0,21-0,44. Điều đó có nghĩa là trên cùng một bệnh nhân thì có thể bác sĩ này nghe thấy ran ẩm nhưng bác sĩ khác lại cho rằng bệnh nhân đó không có ran ẩm.

Rút lõm lồng ngực

Rút lõm lồng ngực là dấu hiệu của viêm phổi nặng. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào.

Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì vẫn bình thường. Lý do vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Những trẻ này rút lõm lồng ngực mạnh (lõm sâu và dễ nhìn thấy) mới có giá trị để chẩn đoán.

Sốt cao

Sốt cao cũng là triệu chứng thường gặp trong viêm phổi ở trẻ em. Khò khè có thể gặp khoảng 30% ở trẻ lớn bị viêm phổi do mycoplasma. Tuy nhiên các trẻ này cũng dễ nhầm với hen. Các triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng, thường liên quan đến tổn thương màng phổi phía cơ hoành hoặc tiết dịch màng phổi.

Một số triệu chứng khác của bệnh viêm phổi ở trẻ em

Các triệu chứng phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém, kích thích, và các bất thường khi khám phổi thay đổi phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân và độ nặng của bệnh viêm phổi ở trẻ em.

5. Những trẻ nào có nguy cơ cao mắc viêm phổi?

  • Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh (28 ngày đầu sau sinh).
  • Trẻ đẻ non, nhẹ cân.
  • Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.
  • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh, dị dạng đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
  • Điều kiện nuôi dưỡng không tốt, trẻ tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm môi trường.
  • Trẻ có cơ địa dị ứng, mẫn cảm.

6. Khi nào trẻ viêm phổi cần nhập viện điều trị?

Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị viêm phổi đều cần điều trị tại bệnh viện. Trẻ có thể điều trị tại nhà nếu viêm phổi ở mức độ nhẹ. Khi trẻ viêm phổi nhẹ nên tránh nhập viện, vì có thể khiến trẻ bị lây nhiễm thêm vi khuẩn, virus tại bệnh viện, gọi là nhiễm trùng bệnh viện.

Tuy nhiên, khi trẻ viêm phổi nặng với biểu hiện thở gắng sức, rút lõm lồng ngực thì cần được nhập viện để điều trị. Để nhận ra chính xác dấu hiệu này, cha mẹ cần vén áo trẻ cao lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ. Chú ý, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc.

7. Khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay?

Đó là khi viêm phổi ở trẻ em có dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng:

  • Ở trẻ dưới 2 tháng: Với các biểu hiện như bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì - khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè hay tím quanh môi, nổi vân tím toàn thân,...
  • Ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Trẻ không thể uống được gì cả, co giật, ngủ li bì - khó đánh thức, thở có tiếng rít.
Những câu hỏi liên quan đến bệnh viêm phổi ở trẻ em- Ảnh 4.

Tại Việt Nam, tử vong do viêm phổi cũng đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Ảnh minh họa.

8. Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà?

Tùy vào tình trạng viêm phổi ở trẻ em, mà bác sĩ có thể chỉ định nhập viện điều trị hoặc điều trị tại nhà. Khi trẻ có dấu hiệu viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, không nên tự ý mua kháng sinh về cho trẻ uống.

Cha mẹ cần biết và tuân thủ một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà dưới đây:

  • Hạ sốt cho trẻ: Nếu trẻ sốt trên 38 độ C mà có biểu hiện khó chịu, quấy thì có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol. Thuốc cần được uống theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Vệ sinh cho trẻ: Vệ sinh mũi miệng bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi. Không nên dùng lại khăn cũ để hạn chế nhiễm bẩn và tránh vi khuẩn xâm nhập trở lại.
  • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ: Cha mẹ cần vệ nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng cho trẻ; tạo môi trường sống sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn, loại bỏ mầm bệnh tránh xa khỏi trẻ. Cha mẹ cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
  • Chế độ ăn cho trẻ bị viêm phổi: Cần giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Nên chia thành các bữa nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày để trẻ dễ tiếp thu.
  • Giảm ho an toàn: Các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp bé dễ chịu hơn.
  • Tái khám: Trẻ cần được tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

9. Làm gì để phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em?

Viêm phổi ở trẻ em có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

  • Nâng cao sức đề kháng: Cung cấp dinh dưỡng tốt, cho trẻ ăn đúng và đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ để biết được tình trạng dinh dưỡng của con.
  • Cải thiện môi trường sống: Nhà ở phải thoáng mát; thường xuyên vệ sinh không tiếp xúc với người hút thuốc lá.
  • Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh hô hấp: Ho, sốt…
  • Vệ sinh mũi họng: Khò họng nước muối sinh lí, nhỏ nước muối sinh lý sau khi đi bụi, mang khẩu trang tránh hít phải bụi đường.
  • Điều trị bệnh nền nếu có: Suy dinh dưỡng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh tim bẩm sinh…
  • Tiêm vaccine phòng bệnh: Chích ngừa đầy đủ đặc biệt chú ý các mũi chích ngừa lao, sởi HiB, phế cầu, cúm..

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Thuốc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ emThuốc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

SKĐS - Tại các nước đang phát triển, viêm phổi ở trẻ em được chia thành 3 mức độ: viêm phổi rất nặng, viêm phổi nặng, viêm phổi không nặng. Viêm phổi ở trẻ em chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh và 1 số biện pháp hỗ trợ điều trị khác.



GS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng
Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn