Những câu hỏi liên quan bệnh viêm màng não mủ

27-09-2024 08:32 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm màng não mủ là tình trạng vi khuẩn làm viêm các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương và sinh mủ. Đây là căn bệnh có diễn biến nặng nhanh, cần chẩn đoán và điều trị sớm.

1. Đối tượng nào dễ bị viêm màng não mủ?

Bệnh viêm màng não mủ thường do các vi khuẩn như: Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae type b, Listeria monocytogenes, và Escherichia coli gây nên.

Những người nghiện rượu, người bị các chấn thương vùng đầu, suy giảm miễn dịch, người hay sử dụng thực phẩm không an toàn (đặc biệt là tiết canh lợn), trẻ sinh non... là những đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị mắc viêm màng não mủ.

2. Viêm màng não mủ lây qua đường nào, cách sơ cứu ra sao?

Bệnh viêm màng não mủ lây qua các con đường chính là hô hấp, qua vết đứt trên da, qua tiêu hóa.

Các vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ như Haemophilus influenzae type b, Neisseria meningitidis, Streptococcus pneumioniae lây qua đường hô hấp.

Viêm màng não mủ cũng lây qua vết đứt trên da: Khi bất kỳ ai có vết đứt, vết xước trên da mà tiếp xúc chỗ vết thương đó với thực phẩm có vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) thì sẽ bị nhiễm bệnh viêm màng não mủ.

Viêm màng não mủ lây qua đường tiêu hóa: Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) cũng lây nhiều qua đường tiêu hóa. Khi ăn phải phải thịt heo nhiễm bệnh chưa được nấu chín, thiếu an toàn thì vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa.

Những câu hỏi liên quan bệnh viêm màng não mủ- Ảnh 1.

Viêm màng não là bệnh cấp cứu nên cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị bằng kháng sinh.

Viêm màng não mủ là bệnh cấp cứu nên khi thấy các dấu hiệu sốt cao, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu dữ dội, cổ cứng thì nên sơ cứu bằng cách để người bệnh nằm yên, đắp khăn mát lên trán rồi gọi xe cấp cứu hoặc dùng xe ô tô cá nhân đưa ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bệnh viêm màng não mủ có thể tái phát khi bị nhiễm lại vi khuẩn, virus, thế nên người bệnh vẫn phải tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh như ăn uống thực phẩm an toàn, tránh ăn các loại tiết canh.

Những câu hỏi liên quan bệnh viêm màng não mủ- Ảnh 2.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi ăn tiết canh để đề phòng nhiễm liên cầu khuẩn.

3. Đông y có chữa được viêm màng não mủ không?

Nghiên cứu thực tế cho thấy, hiện nay đông y không được dùng để điều trị viêm màng não mủ. Người bệnh không tùy tiện tự điều trị bằng đông y, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Những câu hỏi liên quan bệnh viêm màng não mủ- Ảnh 3.

Bệnh viêm màng não mủ không điều trị bằng đông y.

Viêm màng não mủ là một bệnh cấp cứu, khi chẩn đoán xong cần điều trị kháng sinh kịp thời theo phác đồ kinh nghiệm và đổi kháng sinh thích hợp khi có kết quả kháng sinh đồ (chủ yếu truyền qua tĩnh mạch). Ngoài ra, người bệnh cần được điều trị hỗ trợ tích cực bằng các loại thuốc chống viêm, phòng co giật, hạ nhiệt để nhanh chóng khỏi bệnh.

4. Phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh viêm màng não mủ?

Bác sĩ căn cứ vào các triệu chứng của bệnh viêm màng não mủ như: sốt cao, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, nôn, đau đầu dữ dội, cổ cứng, sợ ánh sáng…để cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt là xét nghiệm protein, đường, chloride và phản ứng Pandy cho dịch não tuỷ…

Bệnh nhân cũng sẽ được cho chọc dò não tủy, thông qua đó, bác sĩ xác định được tác nhân chính xác gây bệnh viêm màng não mủ. Đồng thời, bệnh nhân cũng được cho làm các chiếu, chụp cần thiết. Từ các kết quả thu thập được, bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị hợp lý để bệnh nhân nhanh chóng giảm tình trạng bệnh.

5. Những biến chứng hay gặp của bệnh viêm màng não mủ?

Các biến chứng hay gặp của bệnh viêm màng mủ gồm:

Tử vong, có từ 7 - 25% bị tử vong do các biến chứng ngoài mong muốn do bệnh nhân đến viện khi quá muộn hoặc các lý do khác.

Bệnh nhân còn có thể bị tràn dịch dưới màng cứng, vách hóa dẫn đến tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy (trẻ nhỏ có biểu hiện rõ nét bằng việc não bị úng thủy). Các biến chứng khác như áp xe não, viêm não thất cũng hay gặp ở người bị viêm màng não mủ.

Những câu hỏi liên quan bệnh viêm màng não mủ- Ảnh 4.

Viêm màng não mủ thường do các vi khuẩn gây nên và có thể để lại di chứng.

Để xác định chính xác mức độ biến chứng, cần cho bệnh nhân chụp CT, MRI, sau đó bác sĩ đưa ra cách xử trí thích hợp để ngăn chặn các các di chứng về tinh thần như: trì trệ tinh thần, động kinh, mất khả năng lao động...

6. Thời gian và chi phí điều trị viêm màng não mủ như thế nào?

Thời gian điều trị viêm màng não mủ: Trung bình, người bị viêm màng não mủ được điều trị từ 10 đến 15 ngày.

Cụ thể như, bị nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis điều trị 7 ngày, nhiễm vi khuẩn Haemophilus Influenzae type b (Hib) điều trị trong 10 ngày. Nếu nhiễm Streptococcus pneumoniae (còn gọi là liên cầu khuẩn) thì phải điều trị 3 tuần…

Chi phí điều trị bệnh viêm màng não mủ: Chi phí điều trị tùy thuộc vào trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế.

Nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh (thân nhân) cần chuẩn bị khoảng 10 đến 15 triệu đồng (tương ứng với 20% chi phí khi bảo hiểm y tế đã chi 80%).

Nếu bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh (thân nhân) cần chuẩn bị 50 đến 60 triệu đồng để thanh toán toàn bộ các khoản như: giường nằm, thuốc điều trị, các chi phí khác.

Nếu lựa chọn các bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư nhân chất lượng cao thì tùy thuộc vào mức giá các cơ sở này quy định.

Bài tập cho người viêm màng não mủBài tập cho người viêm màng não mủ

SKĐS - Viêm màng não mủ là một bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ não và tủy sống. Cùng với điều trị, cần có chế độ tập luyện hợp lý, khoa học.

Thuốc điều trị viêm màng não mủThuốc điều trị viêm màng não mủ

SKĐS - Viêm màng não mủ là tình trạng vi khuẩn làm viêm các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương và sinh mủ. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, cần điều trị sớm.


BS. Nguyễn Lương Kỷ
Ý kiến của bạn