Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng.
Hỏi: Trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc-xin ComBE Five?
Trả lời: Cũng giống như vắc-xin có thành phần tương tự DPT-VGB-Hib (Quinvaxem), không tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B, vắc-xin Hib như:
Sốt cao trên 39ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.
Sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.
Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.
Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin.
Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
Hỏi: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần phải làm gì khi đưa con đi tiêm chủng?
Trả lời: Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân.
Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.
Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.
Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.
Hỏi: Các bà mẹ phải làm gì để có thể phát hiện sớm những phản ứng sau tiêm chủng?
Trả lời: Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm.
Hỏi: Sau khi tiêm về, nếu cháu bị sốt, quấy khóc thì tôi phải làm gì?
Trả lời: Sau tiêm chủng, trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.
Hỏi: Những biểu hiện nào sau tiêm chủng là bất thường, khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Trả lời: Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39 độ C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.
Nhằm giải đáp thắc mắc, tư vấn đồng thời cung cấp thông tin truyền thông về tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ sử dụng số điện thoại 0981.480.480 để làm đường dây trả lời trực tiếp cho người dân và cộng đồng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Dự án TCMR xin trân trọng thông báo tới cộng đồng và các đơn vị liên quan.