Những câu chuyện thú vị về ghép tạng

01-09-2017 15:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một phụ nữ sống ở Papillion đã đánh bại mọi phỏng đoán sau khi được ghép tim. Bà Cindy Schabow vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày diễn ra ca mổ ghép tim giúp bà trở thành một trong những bệnh nhân sống lâu nhất sau ghép tạng ở Nebraska.

Ba mươi năm trước, căn bệnh do virut đã khiến tim của Cindy Schabow bị suy. Tình trạng của bà trở nên nguy kịch và bác sĩ cho biết bà cần ghép tim. “Đó là một cú sốc khủng khiếp vì lúc đó tôi chưa từng biết ai đã được ghép tim. Và cả những người tôi quen cũng chưa từng biết người nào được ghép tim”, bà nhớ lại.

Việc ghép tim lúc đó còn mới mẻ đến mức trên cả nước Mỹ mới chỉ có một vài cơ sở thực hiện được. Cindy đã được đưa tới Houston, Texas để phẫu thuật.

“Trong thời gian đó tôi đã yếu đi rất nhanh. Và họ bảo rằng nếu không có trái tim mới thì tôi có lẽ chỉ sống thêm được 24 giờ nữa”, bà Schabow kể. “Vì vậy, khi họ bước vào và nói “chúng tôi có một quả tim cho cô” thì đó là tin vui hơn bao giờ hết”.

Ca mổ đã thành công. Giờ đây - sau 30 năm, trái tim của người cho vẫn đập khỏe mạnh trong lồng ngực của bà.

“Trung bình một ca ghép tim sẽ kéo dài được 14 năm”. BS. Brian Lowes nói: “Việc bệnh nhân sống lâu được như vậy là điều hết sức đặc biệt”.

Brian Lowes là bác sĩ tim mạch của Nebraska Medicine - nơi việc ghép tim hiện được tiến hành thường quy và là nơi Cindy được kiểm tra định kỳ.

“Cindy rất đặc biệt không phải vì bà đã sống 30 năm với quả tim ghép, mà còn vì những gì bà ấy đã làm trong 30 năm qua”, BS. Lowes nói.

Sau khi được ghép tim, Cindy đã nuôi dạy con gái, giúp chăm sóc ba đứa cháu và là người đồng sáng lập một nhóm hỗ trợ cho các bệnh nhân ghép tạng.

“Chúng tôi muốn giúp đỡ các bệnh nhân và gia đình khác phải trải qua điều này. Chúng tôi muốn vinh danh gia đình của người hiến tạng. Và chúng tôi muốn truyền đi thông điệp rằng việc ghép tạng thực sự hiệu quả và khuyến khích mọi người đăng ký hiến tạng”.

Người hiến tim cho Cindy là một cậu bé thiếu niên qua đời trong một tai nạn bơi lội. Vài ngày trước bà đã gặp gia đình cậu bé qua điện thoại và bà hy vọng sẽ sớm được gặp họ ngoài đời.

Cindy Schabow kỷ niệm 30 năm ngày được ghép tim.

Cindy Schabow kỷ niệm 30 năm ngày được ghép tim.

Người phụ nữ đầu tiên được nối cả hai cánh tay một lúc ở Pháp

Ca mổ đột phá diễn ra tại Trung tâm Hospitalier Universitaire Grenoble Alpes.

Một phụ nữ đã được ghép cả hai cánh tay cùng một lúc lần đầu tiên ở Pháp - tại một bệnh viện ở Grenoble chỉ hai giờ sau khi bị thương trong một tai nạn tàu hỏa.

Bệnh nhân 30 tuổi mà danh tính chưa được tiết lộ đã được đưa đến bệnh viện ở Grenoble (Centre Hospitalier Universitaire Grenoble Alpes (CHUGA)) với cả hai cánh tay bị đứt rời khỏi cơ thể và được phẫu thuật ngay sau 2 giờ.

Bệnh nhân đã hồi phục sau ca mổ với cả hai cánh tay đã được nối lại. Hai cánh tay đã được vận chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hoàn hảo.

Đây là ca mổ đầu tiên thuộc loại này được thực hiện thành công ở Pháp.

Theo báo cáo của tờ Le Dauphine, kíp mổ đã thành công trong việc nối lại cả hai cánh tay cùng một lúc lần đầu tiên ở Pháp. “Đây là ca mổ hiếm gặp và rất phức tạp, được thực hiện bởi hai kíp mổ. Ca mổ bắt đầu lúc 17h20 và kết thúc thành công lúc 21h30. Sự can thiệp nhanh chóng của dịch vụ cấp cứu và tay nghề thuần thục của các bác sĩ đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội hồi phục tối đa”.

Nếu có sự chậm trễ thêm giữa thời gian bị tai nạn và phẫu thuật, bệnh nhân có thể đã không được may mắn như vậy.

Mặc dù hai cánh tay đã được nối lại, bệnh nhân sẽ phải điều trị phục hồi chức năng trong vài tháng để khôi phục lại chức năng của hai bên tay và học cách sử dụng lại chúng sau tai nạn.

Bệnh nhân ghép dương vật đầu tiên trên thế giới có kết quả “hoàn hảo”

Ba năm sau khi ông thực hiện ca ghép dương vật đầu tiên trên thế giới, bác sĩ tiết niệu được gọi với biệt danh là “Dr Dick” cho biết bệnh nhân của ông đã có kết quả “hoàn hảo”.

Trong bài báo trên tờ The Lancet, Andre van der Merwe, giáo sư tại Trường đại học Stellenbosch cho biết: “Việc ghép dương vật đã phục hồi chức năng sinh lý bình thường ở người nhận này mà không có biến chứng đáng kể trong 24 tháng đầu tiên”.

Van der Merwe và nhóm của ông đã thực hiện ca mổ kéo dài 9 giờ đồng hồ tại Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town vào tháng 12/2014 nhưng mãi 3 tháng sau đó mới công bố, khi mà bệnh nhân thấy rằng “của quý” mới của mình đã hoạt động bình thường.

Dương vật của bệnh nhân bị cắt bỏ năm 2011, khi được 18 tuổi, sau khi việc cắt bao quy đầu khiến dương vật của chàng thanh niên bị hoại tử.

Trong báo cáo theo dõi sau 24 tháng trên tờ Lancet, GS. Van der Merwe kể rằng để chuẩn bị cho ca mổ, nhóm của ông đã tiến hành ghép thử trên xác, sau đó tiếp nhận những bệnh nhân tiềm năng choc a mổ đầu tiên.

Ông nói: “Chúng tôi đã sàng lọc họ cả về các đặc điểm thể chất và tâm lý, bao gồm chiều dài thân dương vật và sự phù hợp về mặt cảm xúc đối với phẫu thuật. Chúng tôi đã tìm được người hiến phù hợp và tiến hành lấy dương vật. Chúng tôi phẫu thuật chuẩn bị mỏm cụt ở dương vật người nhận và sau đó tiến hành ghép. Người nhận đã được ra viện sau một tháng và một tuần sau đó lần đầu tiên bệnh nhân cho biết đã có quan hệ tình dục thỏa mãn (bất chấp lời khuyên ngược lại). Bệnh nhân cho biết có quan hệ tình dục thường xuyên kể từ ba tháng sau khi phẫu thuật”.

Tháng 12/2015, tờ Sunday Times cho biết, bệnh nhân và vợ đã bị sảy thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ.


BS. Cẩm Tú
Ý kiến của bạn