Cả tuổi thơ mấy chục năm rồi cũng qua đánh vèo. Da thịt ta, thân thể phổng phao nữa đổi bằng 60 tuổi thọ của người mẹ. Tâm hồn ta, trí lực và nghề nghiệp đổi bằng hơn 80 năm dạy dỗ, bảo ban, lo lắng của người cha. Ông chẳng có sách hay video clip giảng dạy tôi, chỉ có lời ru lúc còn ẵm ngửa, những câu chuyện khi tôi bước vào tuổi mộng mơ, những lời răn rút lòng rút ruột khi tôi chập chững vào đời. Còn gì nữa? Kiên trì theo dõi từng bước tiến trên cuộc đời của các con, uốn nắn chúng đi trên con đường chính đạo không hề mệt mỏi hay đòi hỏi đền đáp. Lạy cha! Cha không phải buồn tủi hay xấu hổ khi đã sinh ra con, con sẽ là đốt tre nối dài của cha với hình hài khác. Con chẳng thể quên những gì cha đã dạy qua lời ru, câu chuyện lúc đêm về...
Những lời ru thuở ấu thơ sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người.
Giấc ngủ cha ru con, mùa đông hay mùa hè con vẫn nhớ đó là “Ngủ ngoan con bé, con ngoan sao mà ngoan thế... A xinh xinh xu”. Cha chiều tôi lắm, luôn kèm hát ru bằng gãi lưng. Mùa hè ông sẽ quạt tay cho tôi. 4 anh em tôi mỗi người có một quạt tre trên đó ghi tên bằng bút mực tím nét to. Tôi là thằng nghịch suốt ngày nên đêm hay nằm nghĩ vu vơ, khó ngủ, lại là con trai nên được nằm cạnh ông. Quạt tay có tên tôi hoạt động nhiều nhất, luôn kẽo kẹt những đêm hè mất điện. Câu hát của ông rất dễ đưa tôi vào giấc ngủ khi ông cao hứng sáng tác thành “Một thằng Cương bé Cương ngoan sao mà ngoan thế! A xinh xinh xu”... Mỗi khi tiếng ngáy của tôi dừng hoặc tôi chuyển mình, như một công tắc tự động chiếc quạt nan từ tay ông lại cung cấp cho tôi gió mát. Cứ thế từ khi tôi là cu Cương đến khi trưởng thành thằng Cương, cao to nhất nhà. Bao nhiêu tháng năm, mấy chục đời quạt nan đã qua. Tôi đã cố gắng trở thành đứa con ngoan của ông, có phải là do những lời ru thuở bé thơ đó? Đúng vậy, hơn thế đó là mong mỏi của người cha theo gió tưới mát tâm hồn tôi, thấm vào máu thịt lời nhắn nhủ: Hãy là người tốt con nhé!
Khi còn ở tuổi mộng mơ tôi là thằng hay hỏi bố nhiều thứ linh tinh. Hay theo cha đi bất kỳ nơi đâu. Đi bộ hay xe đạp. Tàu điện hay xe liên tỉnh. Sau này lớn mấy anh em có vẻ ghen tỵ: Bố yêu mày nhất, chiều mày nhất. Tôi thấy có vẻ vậy. Bố thì mất rồi nên tôi chẳng thể biết ông có yêu tôi nhất. Mẹ chỉ biết kể chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh nghe mãi cũng chán. Bố tôi biết nhiều chuyện hơn cũng hay phục vụ chuyện đêm khuya cho tôi. Những đêm rét như đêm nay đầu óc tưởng tượng khi bé của tôi sẽ làm ra cuốn phim màu theo lời truyện của ông, cho đến khi mi mắt sụp xuống, chìm vào giấc ngủ. Câu chuyện Chiếc bật lửa thần của Andersen kết thúc thật có hậu, anh lính trong câu chuyện đã có cuộc sống viên mãn sau bao nhiêu khó nhọc và hiểm nguy. Không nói với bố nhưng tôi thầm ước có được chiếc bật lửa ấy, để thay đổi ngôi nhà dột nát đang ở, để có được chiếc tivi khỏi phải sang xem nhờ hàng xóm, để có thật nhiều thịt trứng ăn cho thoải mái... Những đêm bụng chưa thật no, rau dưa chèn đầy vào dạ dày còn thịt thà chẳng được mấy miếng. Ông kể chuyện về xứ sở thần tiên ở đâu đó trên thế gian này có những mảnh ruộng bờ làm bằng xôi trắng, ruộng thì chứa đầy mật ngọt. Ai đến đó chỉ việc rửa chân tay thật sạch và thưởng thức no nê xôi chấm mật. Tôi tin xứ đó là có thật và ước ao một ngày nào sẽ được bố cho tới đó nhưng mật thì ngán nhanh lắm, ruộng chứa thịt kho tàu thì hay biết bao. Ước mơ của cậu bé nhà nghèo, đông con chỉ quanh quẩn như vậy: Nhà hết nghèo và có nhiều thịt cá để ăn, rồi cũng thành sự thật sau bao nhiêu phấn đấu. Thêm ít tuổi nữa tôi cũng rất mê âm nhạc giống cha. Bố tôi thường chơi violon sau giờ cơm tối. Khỏi phiền hàng xóm, ông hay chơi vào những tối mất điện, khi những chiếc tivi của hàng xóm buộc phải im bặt nhường chỗ cho tiếng violon không được mượt mà lắm của ông. Chơi đến đâu ông thường dừng lại để chú thích cho tôi nghe. Đây là bài Chú ếch xanh dân ca Indonesia, bài hát có đoạn “kìa kìa chú ếch xanh, đi từ đâu tới đây, nhảy vào cái xoong này...”. Tôi bật cười hỏi: Thế là chú ếch sẽ bị nấu chín hả bố. Ông cười gật đầu. Sau này mỗi lần được ăn thịt ếch tôi đều nhớ tới bài hát tếu đó của ông, thật ngộ, thật thương vì ca hát hay âm nhạc khi thiếu thịt vẫn ảnh hưởng ít nhiều. Tôi chơi kèn trompet tại Cung Văn hóa Thiếu nhi cho thỏa chí trẻ con, ông chẳng nói gì và lặng lẽ truyền dạy anh tôi chơi violon. Bài hát ru trước khi tôi lớn và tự đi ngủ một mình, không cần mồi bằng câu chuyện hay lời ru của ông nữa là “Trên sông Ngân có con thuyền buồm trắng/Ai đi tới đó lòng thật vui giở sổ đề mấy câu”. Sông ngân ở đâu hả bố? Tại sao lại giở sổ đề mấy câu... Sông ngân ở xa lắm, đẹp lắm, đẹp đến ma mị, có những chiếc thuyền buồm trắng bồng bềnh nhìn không có người. Đẹp đến nỗi ai cũng phải lẩy thơ ghi vào sổ... Tôi tin con sông đấy có thật cho đến ngày lớn đùng. Ngân hà ở trên trời cao, làm gì có ở trần thế, chỉ có ông và những người đã đi vào thiên cổ đang ngao du ở trên đó.
Con người ta sinh ra rồi sẽ đơn giản đến tinh giản là thụ tinh nhân tạo hay cấy phôi. Lớn lên bằng muôn ngàn cách nhưng cha mẹ sinh ra con vất vả trong thiếu thốn và chiến tranh, nuôi dưỡng tâm hồn con bằng câu chuyện hay lời ru, chăm lo cho con đến hơi thở cuối. Con sẽ gắng sống tốt và mang những câu chuyện, lời ru của cha đi hết cuộc đời này.