Phát hiện tìm ca nhiễm HIV mới, kết nối dịch vụ
Là trưởng một nhóm CBO hỗ trợ cộng đồng trên địa bàn Bà Rịa và Long Điền (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Nguyễn Hồ Duy Tâm cho biết, hiện công việc chính của nhóm là hỗ trợ, tư vấn, xét nghiệm cho khách hàng có nguy cơ cao, tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là: IDU (người nghiện chích ma túy), MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), FSW (nữ lao động tình dục).
Các thành viên trong nhóm cũng là đối tượng đích trong giới MSM, IDU và phụ nữ hành nghề… do đó dễ dàng tiếp cận với đối tượng, dễ dàng tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng của mình đi điều trị.
Qua nhiều năm nhóm hoạt động đã xây dựng được nhiều mô hình tiếp cận như:
- Tiếp cận với những thủ lĩnh MSM - những người có tiếng nói trong cộng đồng này và nhờ họ giới thiệu các khách hàng có nguy cơ đến xét nghiệm.
-Tiếp cận với nhóm đối tượng đích, từ đó lại nhờ các thành viên này tiếp tục giới thiệu khách hàng, giống như đa cấp, nhưng hiệu quả rất cao trong việc tìm khách hàng, Tâm chia sẻ.
-Tiếp cận qua mạng xã hội: Facebook, zalo, tạo fanpage, tiktok… Đây là kênh truyền thông rất hiệu quả, có rất nhiều khách hàng liên lạc tới nhóm.
Tâm cho biết, thông qua tiếp cận, tư vấn và xét nghiệm nhóm đã phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính với HIV và kết nối điều trị và nhận thấy nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng nhanh trong những năm gần đây. Đối với người âm tính với HIV được kết nối tiếp cận điều trị PrEP…
Trong quá trình tiếp cận, Tâm còn kiêm luôn ‘bác sĩ tâm lý’ hỗ trợ khách hàng, vì rất nhiều khách hàng là MSM bị sang chấn tâm lý, bị sốc khi biết mình nhiễm HIV.
Trần Thanh Đạo cho biết, nhiều bạn chưa công khai xu hướng tính dục nên còn ngại chia sẻ thông tin
Trần Thanh Đạo (thành viên nhóm CBO Tháng Năm, Bà Rịa-Vũng Tàu - chủ yếu hoạt động tư vấn đối với nhóm MSM) chia sẻ, hiện nay nhóm MSM trên địa bàn khá đông. Tuy nhiên việc tiếp cận cũng không hề đơn giản do nhiều bạn chưa công khai xu hướng tính dục với gia đình, mọi người xung quanh nên còn ngại chia sẻ thông tin. Việc các thành viên CBO là các đồng đẳng MSM sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn khi tiếp cận đối với nhóm khách hàng này.
Đối với CBO Tháng Năm, trong 6 tháng đầu năm nay, với 3 thành viên nhưng nhóm đã hoạt động rất nhiệt tình: Tư vấn và hỗ trợ cho 209 khách hàng sử dụng thuốc PrEP. Có những trường hợp phải tư vấn nhiều tháng mới thuyết phục được bằng rất nhiều hình thức như nhắn tin, mời đi cà phê để chia sẻ thông tin và những hiệu quả thực tế của việc dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm... Thế rồi 'mưa dầm thấm lâu' cũng thành công.
Cánh tay nối dài trong phòng chống HIV/AIDS
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều dịch vụ phòng chống HIV/AIDS… nhưng với nhiều lí do mà các quần thể đích chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng (CBO) sẽ là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.
BS Minesh Shah, Cố vấn Trưởng về Y tế - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm MSM nói riêng và các nhóm đối tượng đích nói chung, thì các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ xét nghiệm, PrEP, ART...; đồng thời, giúp đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ CDC các tỉnh/ thành phố cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Nhiều khách hàng đã được kết nối điều trị nhờ các nhóm tiếp cận cộng đồng.
Ông Tống Văn Nam, Tổ chức Kết Nối Trẻ, đại diện nhóm cộng đồng cho biết, những nỗ lực và đóng góp không mỏi mệt của các tổ chức cộng đồng đã được ghi nhận xứng đáng, khi mà có tới 25-50% ca nhiễm mới mỗi năm được phát hiện và đưa vào điều trị nhờ các tổ chức cộng đồng.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình dịch tại Việt Nam gia tăng mạnh trong nhóm MSM, thì những đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng rõ rệt, góp phần không nhỏ trong những nỗ lực hướng tới các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS.
BS. Nguyễn Văn Lên - Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trực tiếp phụ trách lĩnh vực HV/AIDS cho biết, làm sao càng phát hiện nhiễm HIV trong cộng đồng, phát hiện ra cái phần chìm của tảng băng để đưa vào điều trị sẽ giúp giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng; triển khai tốt các biện pháp can thiệp giảm hại, đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức đúng về HIV/AIDS… Với sự hỗ trợ của các dự án, của cục phòng chống HIV chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận cộng đồng ở các nhóm tự lực, đây là cánh tay nối dài trong phòng chống HIV/AIDS.
Ghi nhận những đóng góp của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng đã thực hiện trong thời gian qua, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) mong rằng các tổ chức dựa vào cộng đồng sẽ ngày càng phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tính sáng tạo trong công việc, có nhiều ý tưởng mới trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, là cánh tay nối dài của các CDC tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhân Sâm - Vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được- SKĐS