Chuyến xuyên Việt bằng ôtô, đoàn phim lịch sử Cách mạng Tân Hợi - một trong ba dự án phim lớn của Trung Quốc kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi (1911) vừa đóng máy cảnh quay cuối tại VN ở Hội An. Đạo diễn Lý Vỹ bày tỏ sự hài lòng vì đã chọn và ghi hình những bối cảnh mà theo ông nếu dựng tại trường quay Trung Quốc sẽ không có được chất Việt.
Cách mạng Tân Hợi (40 tập) nói về cuộc cách mạng do Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) khởi xướng nhằm lật đổ chế độ phong kiến được Chính phủ Trung Quốc đặt hàng sản xuất với kinh phí khoảng 9 triệu USD. Tác giả kịch bản Vương Triều Trụ - nhà biên kịch chuyên kịch bản phim lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc với hàng loạt bộ phim “đình đám”: Trường Chinh, Tướng quân Trương Học Lương… Chỉ riêng sự kiện Cách mạng Tân Hợi, ngoài kịch bản phim truyền hình Cách mạng Tân Hợi, Vương Triều Trụ còn có Quốc phụ Tôn Trung Sơn - dự án phim truyện nhựa đầu tư hơn 100 triệu nhân dân tệ do đạo diễn người Anh Roland Joffé - ba lần được đề cử giải Oscar, nổi tiếng với bộ phim The killing fields (Cánh đồng chết) thực hiện dự kiến bấm máy vào ngày 10/4 tới tại trường quay Hoành Điếm với diễn xuất của Lương Triều Vỹ (vai Tôn Trung Sơn) và Song Hye Kyo (vai Tống Khánh Linh). Nói về sự khác nhau giữa hai kịch bản phim truyện và phim truyền hình có chung nhân vật chính, Vương Triều Trụ kể: “Quốc phụ Tôn Trung Sơn đề cập đến cuộc đời “rất con người”, kể cả chuyện tình trắc trở của Tôn Trung Sơn từ lúc ông nhậm chức tổng thống lâm thời Trung Hoa dân quốc đến khi qua đời vào năm 1925. Còn Cách mạng Tân Hợi, với thế mạnh của truyền hình là thời lượng, sẽ kể kỹ hơn cuộc đời của Tôn Trung Sơn với các bước ngoặt gắn liền với những dấu mốc trong lịch sử của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 20. Cùng với việc phản ánh các sự kiện lịch sử, bộ phim cũng chú ý khai thác những bóng hồng bên cạnh nhà lãnh đạo cách mạng này”. Cũng theo nhà biên kịch Vương Triều Trụ, những bối cảnh quay tại Việt Nam tái hiện giai đoạn Tôn Trung Sơn bị truy đuổi phải lánh sang Singapore, sau đó ông trở lại Trung Quốc qua đường Việt Nam. Tại Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, ông đã tập hợp lực lượng những người yêu nước đang hoạt động bí mật tại Việt Nam xúc tiến chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tân Hợi. Chiếm thời lượng không nhiều (3 tập), nhưng lại là giai đoạn quan trọng nên ông đã đầu tư viết khá kỹ các trường đoạn có bối cảnh Việt Nam và hy vọng những hình ảnh thuần Việt sẽ làm nên nét lạ cho bộ phim này”.
![]() Đạo diễn Lý Vũ tại trường quay ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). |
Cảnh quay đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại đình Chèm - Hà Nội chiều ngày 23/3. Tại Hà Nội, đoàn phim ghi hình cảnh cầu Thê Húc, vườn hoa Diên Hồng, mặt tiền nhà khách Chính phủ. Một nhà hàng cuối đường Trần Hưng Ðạo có chiếc cổng sắt và hàng lá chuối cũng được chọn làm bối cảnh bên ngoài căn nhà số 6 phố Can Thiết Ðạt (nơi Tôn Trung Sơn lưu lại tại Hà Nội). Riêng Huế và Hội An, đoàn phim đã chọn một số bối cảnh ở bến Vân Lâu, Cầu ngói Thanh Toàn, Hội quán Quảng Đông, Cầu Nhật Bản, Phố cổ Hội An để tái hiện quang cảnh phố phường Nam Dương thời gian Tôn Trung Sơn lưu lạc tại Nam Dương (cách Trung Quốc gọi Singapore và Malaysia). Trước khi sang Việt Nam, đạo diễn đã đến Malaysia và Singapore để khảo sát bối cảnh nhưng không chọn được bối cảnh ưng ý. Đạo diễn Lý Vỹ nói: “Thật tuyệt vời với những bối cảnh Việt và cả những bối cảnh được dùng để thay thế tái hiện Nam Dương cách đây hơn 100 năm mà chúng tôi vừa ghi hình. Ðây là giai đoạn phải trung thành với lịch sử, Hà Nội là nơi Tôn tiên sinh chuẩn bị kỹ lưỡng những hoạt động vũ trang biên giới phía Nam Trung Quốc, đặc biệt là hai cuộc khởi nghĩa quan trọng Trấn Nam Quan (tháng 12/1907) và Hà Khẩu (4/1908) nên không thể dùng bối cảnh Trung Quốc thay thế. Có khoảng 400 diễn viên tham gia bộ phim này. Ngoài nhân vật Tôn Trung Sơn, bộ phim tái hiện hàng loạt nhân vật tướng lĩnh có thật, cùng thời với Tôn Trung Sơn và tham gia trong cuộc Cách mạng Tân Hợi”.
Vào vai Tôn Trung Sơn là Mã Thiếu Hoa - diễn viên chuyên đóng vai Tôn Trung Sơn của Trung Quốc. “Diễn xuất của Mã Thiếu Hoa chẳng thể chê vào đâu được. Đó là một sự chọn lựa an toàn” - Lý Vỹ tâm sự. Không chỉ là “chuyên vai Tôn Trung Sơn” mà ngay trước bộ phim Cách mạng Tân Hợi, Mã Thiếu Hoa đã diễn xuất vai này khá thành công trong các phim Hướng về cộng hòa, Kiến đảng vỹ nghiệp. Vì thế, việc tham gia Cách mạng Tân Hợi cũng là một thách thức đối với Mã Thiếu Hoa để làm sao vượt qua cái bóng của chính mình. Tham gia diễn xuất cùng Mã Thiếu Hoa trong phim này còn nhiều gương mặt nổi tiếng của làng điện ảnh Trung Quốc, Đài Loan như Đường Quốc Cường - người nổi tiếng với vai Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa; Văn Thanh vai Tống Khánh Linh, Vương Tư Ý – từng đình đám với vai Phan Kim Liên trong phim Thủy Hử vào vai Trần Túy Phân - một hồng nhan Nam Dương không danh phận gắn bó với Tôn Trung Sơn trong một giai đoạn hoạt động cách mạng.
Chu Thu Hằng