Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết

20-01-2023 19:09 | Xã hội

SKĐS - Chiều 29 Tết Âm lịch, nhiều người dân là công nhân, người làm thuê về quê muộn tranh thủ mua cành đào, cây quất để đem về nhà trang trí.

Chỉ còn 1 ngày nữa là đến đêm giao thừa (đêm 30 Tết Âm lịch), nhiều người lao động mới sắp xếp xong công việc để về quê. Trên đường về nhà sau 1 năm trời làm việc vất vả, không ít người dừng lại mua cành đào, cây quất để đem về trang trí trong nhà.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 1.

Nhiều chợ cây cảnh, vườn hoa,... đã vắng vẻ hơn rất nhiều so với vài ngày trước. Chỉ còn lại lác đác những người về quê muộn dừng chân "mua vội" cành đào về chơi Tết.

Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, đến chiều 20/1 (tức 29 Tết Âm lịch), nhiều người dân vẫn lỉnh kỉnh đồ đạc trên yên sau để hướng về quê đón Tết. Đáng chú ý, trên hành trình trở về nhà, mặc dù hành lý mang theo đã nhiều nhưng không ít người vẫn dừng lại bên đường để mua thêm cành đào nhỏ hoặc những chậu quất mini. 

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 2.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc về quê ăn Tết, ảnh ghi nhận vào chiều 20/1 (tức 29 Âm lịch).

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 3.

Mặc dù đồ đạc, hàng hóa mang trên xe đã rất nhiều nhưng nhiều người vẫn nán lại ven đường để mua thêm cành đào.

Anh Lê Đức Long (33 tuổi, quê quán Hà Giang) chia sẻ, mình làm lao động chân tay, cả năm làm việc quần quật, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", đến ngày Tết chỉ mong về nhà với gia đình. Nay biết về đã muộn, bố mẹ có thể đã sắm sửa xong hết nhưng vẫn muốn mang một chút không khí Tết về nên dừng lại để mua cành đào nhỏ này".

"Giờ này mua đào, quất chẳng cần biết thế cây có đẹp không, có nhiều lộc lá không, cứ có cành đào, cứ có cây quất trên xe trong chuyến hành trình về quê là cảm thấy vui, cảm thấy háo hức được về nhà, càng mong được gặp lại bố mẹ, người thân", anh Long nói thêm.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 4.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 5.

Đào, quất, mai,... là biểu tượng của ngày Tết. Có cành đào trên xe như chuyến hành trình mang Tết trở về nhà, nơi có gia đình và những người thân yêu.

Anh Lê Đức Long còn cách quê nhà gần 200km, đường về nhà có thể vẫn còn xa nhưng với cành đào nhỏ trên yên sau, anh lại càng được tiếp thêm động lực, quên đi những khó khăn, vất vả trong 1 năm qua và về với gia đình trong niềm vui và sự hân hoan của ngày Tết.

Trong khi đó, chị Đoàn Khánh Hà (29 tuổi, quê quán Vĩnh Phúc) người đã về quê từ rất sớm nhưng đến tận 29 Tết mới đi sắm đào. Chị Hà cho biết, mặc dù bản thân được nghỉ sớm nhưng do nhà nội, nhà ngoại của 2 gia đình ở rất xa nên phải đi tặng quà, chúc Tết ông bà, họ hàng trước sau đó mới có thể quay trở về sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 6.

Có những người sắm Tết muộn nhưng không vì thế mà Tết với họ không trọn vẹn hay bớt ý nghĩa.

Lí giải cho việc sắm đào, quất ngày Tết muộn, bên cạnh những trường hợp giống với anh Long, chị Hà chúng ta còn có thể bắt gặp những người với thú vui "chơi đào" ngày Tết. Những người này không vội vã mua theo số đông mà phải lựa thật kỹ, thậm chí mất nhiều ngày mới có thể săn được cây đào như ý.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 7.

Những cành đào 'mua vội' chiều 29 Tết - Ảnh 8.

Những cành đào "mua vội" trong chiều 29 Tết vẫn mang đầy đủ ý nghĩa và giá trị vốn có của nó.

Những người "mua vội" cành đào vào 29, thậm chí 30 Tết không mang những toan tính hay suy nghĩ có thể ép giá đào. Những người "mua vội" vì đơn giản với họ, khi những gánh nặng công việc tạm thời được gỡ bỏ thì Tết mới thật sự bắt đầu.

Xem thêm video được quan tâm:

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên cả nước.

Bài, ảnh: Thành Long, Khánh Hòa
Ý kiến của bạn