Hà Nội

Những cánh chim không mỏi cho ngày mai thanh bình...

30-04-2021 07:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 46 năm, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta không thể quên những cá nhân, tập thể đã ngã xuống để có ngày hòa bình. Họ là những bác sĩ, y tá với tay súng, tay cầm ống nghe, vừa chiến đấu chống địch vừa chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh và những người dân ở những căn hầm trú ẩn dã chiến hay dưới mái lá trung quân dựng tạm dọc đường hành quân.

 Biết bao chiến sĩ mang blouse trắng đã ngã xuống khi ở độ tuổi thanh xuân. Họ ra đi để có một tương lai tươi sáng trao gửi cho mai sau.

Thế hệ tiếp nối đang tham gia trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19

Như một ngọn lửa nhiệt thành không bao giờ tắt, các thế hệ y, bác sĩ hôm nay tiếp tục thắp lên ngọn lửa được trao truyền đó, tiếp bước những hành trình về phía trước, với tâm thế của một chiến sĩ-bác sĩ trong cuộc chiến mới hôm nay-cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Năng lượng tinh thần của ngày hôm qua của bao lớp cha anh thế hệ trước cộng với sự năng động, sáng tạo và hy sinh thầm lặng của thế hệ tiếp nối hôm nay đã thực sự kiến lập một phép cộng hưởng nhiều ý nghĩa. 

Những bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã thực sự dấn thân, vào cuộc vì một mục tiêu chung chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Họ thực sự là những cánh chim không mỏi cho từng ngày mới bình yên…

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vô cùng ác liệt, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương cục miền Nam để trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Tiếp sau đó Trung ương cục lần lượt thành lập 24 đơn vị đảm nhiệm từng nhiệm vụ khác nhau, trong đó có Ban Dân y Trung ương cục miền Nam. Nhiệm vụ của Ban dân y là tổ chức chăm lo sức khỏe, phối hợp với quân y tổ chức cấp cứu thương binh và đồng bào vùng tạm chiếm theo mô hình tại chỗ, cơ động. Đào tạo cán bộ y tế ở nhiều trình độ khác nhau, sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị đơn giản... bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời cho việc cứu chữa thương bệnh binh.

Sự ra đời của Ban Dân Y Trung ương cục miền Nam gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ. Căn cứ đóng quân không ổn định phải di chuyển liên tục do bị càn quét, ném bom, thuốc không đủ dùng, thiếu trang thiết bị y tế, gạo không đủ cho thương binh, bệnh binh ăn...

Nhưng với tinh thần vì bệnh nhân và chiến sĩ thân yêu, cán bộ y tế quân dân y đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, ác liệt nhất để chăm sóc thương binh sớm mau lành bệnh, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Trong đó có biết bao lớp lớp thanh niên yêu nước ở mọi miền đất nước đã tập hợp về miền Nam để đóng góp sức trẻ của mình cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời chiến, biết bao chiến sĩ mang blouse trắng đã ngã xuống khi ở độ tuổi thanh xuân, để có một tương lai tươi sáng trao gửi cho mai sau.

Theo PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Dân Y Trung ương cục miền Nam, từ những ngày đầu thành lập, Thường vụ Trung ương cục đã chỉ thị và giao nhiệm vụ công tác y tế cho Ban Dân Y miền Nam: “Tích cực xây dựng một nền y tế theo đường lối đại chúng, khoa học, tiến bộ và lành mạnh trên cơ sở tự lực cánh sinh, dựa vào khả năng của quần chúng, nỗ lực củng cố và phát triển công tác y tế, từng bước khẩn trương và vững chắc, kịp thời đáp ứng nhu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng, phục vụ cán bộ, bộ đội, quần chúng nhân dân, chủ yếu là quần chúng lao động, bảo đảm chiến đấu và sản xuất.”

Nhiều thành tựu đã được thực hiện trong giai đoạn đầy khó khăn gian khổ đó như sản xuất các loại thuốc cảm cúm thông thường, sản xuất Subtilis thuốc trị đường ruột, vắc xin tả để cung cấp cho các bệnh viện, quân đội và cơ quan vùng căn cứ, tổ chức bắt muỗi ban đêm để làm nghiên cứu về phòng chống sốt rét… quản lý kho thuốc dù có di chuyển nhưng không để thuốc bị bể, bị hư hỏng, nhiều lần bị ném bom nhưng không trúng kho thuốc, tiếp nhận dụng cụ và thuốc được chi viện từ miền Bắc vào một cách an toàn...


Tấu Thư
Ý kiến của bạn