Hà Nội

Những cái Tết đặc biệt của “thánh phượt” trên hành trình lưu lạc 5.000 cây số qua 12 nước

23-02-2015 15:35 | Thời sự
google news

Sau cuộc hành trình đi bộ qua 12 nước sang Pakistan, Vừ A Pó được nhiều người gọi với cái tên “thánh phượt”.

Sau cuộc hành trình đi bộ qua 12 nước sang Pakistan, Vừ A Pó được nhiều người gọi với cái tên “thánh phượt”. Trong chuyến hành trình đó, ngoài phải đối mặt với những khó khăn, vất vả lẫn hiểm nguy, anh còn được trải nghiệm bao điều mới lạ về những cái Tết nơi xứ người. Tuy nhiên giờ đây khi ngẫm lại, Pó bảo, dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn song có lẽ không cái Tết nào ấm áp như Tết ở trên chính quê hương mình. 

Kí ức Tết xa nhà

Chúng tôi trở lại nhà của Vừ Già Pó ở bản Lũng Lầu, xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vào những ngày gần cuối năm. Gặp chúng tôi, Pó mừng rỡ vội mời khách vào nhà. Tuy nhiên để thể hiện lòng mến khách, Vừa A Pó rót chén rượu mời chúng tôi uống rồi mới bắt đầu trò chuyện về cuộc sống của mình. Từ ngày được trở về quê hương, Pó chăm chỉ làm ăn hơn để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên ký ức về những ngày tháng lưu lạc nơi xứ người còn mãi ám ảnh trong tâm trí người đàn ông này.

Lần đầu gặp Pó, chúng tôi đã được nghe anh kể về những khó khăn, gian khổ trong suốt hơn 2 năm dài đằng đẵng. Nhưng chuyện về những ngày tháng lang bạt anh đã đón Tết như thế nào thì bây giờ mới có dịp được nghe anh kể. Lần giở kí ức, Vừ Gìa Pó nhớ lại, anh bị người ta lừa sang Trung Quốc làm thuê nhưng mới chưa được 3 tháng đã bỏ trốn nên anh không biết về cái Tết cổ truyền của đất nước này như thế nào. Chỉ biết rằng, anh cứ nhằm hướng mặt trời mà thẳng tiến. Mỗi nơi anh đi qua đều có những phận người không giống nhau nhưng đến đâu, Pó cũng cảm nhận người ta đón Tết gần giống với quê mình.

Vừ A Pó (giữa) vui vẻ cùng gia đình.
Vừ A Pó (giữa) vui vẻ cùng gia đình.

Pó cho biết, cuộc hành trình của anh kéo dài hết ngày này qua tháng khác. Pó cứ mải miết đi mà không để ý đến ngày tháng. Chỉ đến khi, thấy mọi người ở những nơi mà anh đi qua tưng bừng sắm Tết thì Pó mới biết năm mới đang đến gần. Trong không khí “người người sắm Tết, nhà nhà đón Tết”, Pó lại thấy nhớ nhà, nhà quê hương hơn bao giờ hết. Khi đó nếu có một điều ước, anh sẽ ước mình có đôi cánh rộng lớn để có thể tung cánh trở về quê hương, thoát khỏi cuộc sống vạ vật như bây giờ. “Tết năm đầu tiên, tôi đi qua một nơi rất sầm uất nhưng không biết rõ đó là nơi nào. Tôi nhìn thấy người ta trang trí cờ hoa đủ các màu sắc, những chiếc bánh được người ta nướng lên hay hấp chín thơm phức mà phát thèm. May mắn, trong lúc bụng đói cồn cào, người mệt lả có một người phụ nữ tốt bụng đã đưa cho tôi một túi bánh. Mặc dù không hiểu tiếng nước họ nhưng tôi chỉ biết gật đầu cảm ơn”, Pó nhớ lại không khí ngày Tết ở một nơi xa lạ.

Đêm giao thừa nơi xứ người, Pó thấy người ra bắn pháo hoa, từng đôi trai gái rủ nhau đi hò hẹn, đi chơi ngày Tết mà trong lòng thấy rưng rưng. Trong không khí ấy, anh thấy mình thật nhỏ bé, cô đơn và lạc lõng. Vậy là trong đêm 30 Tết, Pó phải đón năm mới ở một góc bờ hồ mà anh không hề biết đó là đâu. Đó là cái tết đầu tiên trong hành trình lưu lạc của người đàn ông này. Thời gian cứ thế trôi đi, thấm thoắt Pó đã xa nhà gần 2 năm, phải đối mặt với không ít khó khăn, sóng gió. Có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng nghĩ đến giây phút được sum họp với gia đình, với vợ con, anh lại quyết tâm vượt qua tất cả. Song có lẽ cái Tết thứ hai ở xa lạ là nỗi ám ảnh lớn nhất với người đàn ông này. Chuyện là trong hành trình đi bộ của mình, Pó đã phải đi qua một trận địa súng đạn không ngớt, thi thoảng lại có tiếng bom dội xuống inh tai, nhức óc. Anh vẫn cố gắng đi tiếp theo sự tính toán của bản thân nhưng rồi sau đó gặp một đội quân và bị bắt lại.

Tết ấm áp bên gia đình

Sau khi bị bắt, Pó bị đội quân ấy nhốt vào trại giam, bị xích hết tay chân và hỏi những câu mà anh không hiểu. Cũng chính tại đó, Pó bị người ta đánh đập, nhưng vẫn không khai thác được gì từ một người bất đồng ngôn ngữ như Pó. Cuối cùng, anh được giam lỏng trong nhà tù quân đội và phải đi trồng rau cho họ. Có lẽ vì thế mà anh mới biết tết đang đến gần.

Nói về gia đình Vừ Già Pó, bà Quan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBND xã Khâu Vai cho biết: “Trường hợp của gia đình Pó được liệt vào diện khó khăn của địa phương. Đồng bào nơi đây ăn Tết cổ truyền sớm hơn các nơi khác, vì vậy chính quyền đã lên kế hoạch chuẩn bị đến tặng quà những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có gia đình Vừ A Pó”.

“Đêm 30 Tết, ở nơi đó tôi thấy người ta không đốt pháo có lẽ vì hai bên đang giao tranh. Ngày Tết nhưng những người lính chiến đấu vẫn phải ra chiến trường, còn mấy người ở lại canh giữ tù binh cũng làm vài chai rượu. Khi đó, tôi cũng được mấy ông cai ngục cho uống ké vài ngụm. Thực sự đã rất lâu rồi tôi không hề biết đến mùi rượu và hôm đó tôi đã say”, Pó nhớ lại. Cũng theo Pó thì tết ở trong ngục tuy không được mãn nguyện như ở nhà nhưng so với tết năm trước đó sống lang bạt “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” thì vẫn hơn. Anh vẫn có kẹo, vẫn được những người cai tù tốt bụng cho thịt, rượu thưởng thức.

Hiện tại khi được đoàn tụ cùng gia đình, Pó bảo đây mới là ước mơ thực sự của anh. Tuy nhiên, sau khi trở về bên cạnh niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình, Pó vẫn có một điều trăn trở. Đó là việc người vợ đã bán đất để mua vé máy bay cho anh với giá 10 triệu đồng nhưng giờ muốn chuộc lại thì người ta đòi giá gấp đôi. Trong khi gia đình anh không kiếm đâu ra một số tiền lớn đến thế. Bởi vậy, khi xã có dự án làm đường, anh đã xin tham gia để có tiền chuộc lại mảnh đất của gia đình. Anh Pó chia sẻ: “Sau khi tham gia dự án làm đường của xã, tôi được người ta trả cho 20 triệu đồng. Với số tiền ấy, tôi định mua lại đất vợ tôi đã bán trước đó. Song nghĩ làm thế sẽ hết sạch tiền, không có tiền để trả nợ và tổ chức đám cưới cho con gái nên lại thôi”. Theo anh Pó, ngay sau khi đi làm thuê kiếm được số tiền lớn, vợ chồng anh đã tổ chức đám cưới cho con gái lớn là Vừ Thị Chúa, đồng thời mời họ hàng đến chung vui về việc anh may mắn được trở về đoàn tụ cùng gia đình sau chuỗi ngày lưu lạc.

Vừ A Pó tâm sự với người viết.
Vừ A Pó tâm sự với người viết.

Ngồi bên cạnh, chị Ly Thị Lía (vợ Pó – PV) tiếp lời chồng: “Cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi chỉ cần gia đình được đoàn tụ là hạnh phúc rồi. Những ngày tháng sống thiếu vắng chồng, đối với tôi thực sự rất khó khăn. Năm nay, anh Pó được về ăn Tết cùng gia đình, tôi đã thấy mãn nguyện lắm rồi”. Anh Pó cho biết thêm, năm nay có nhuận hai tháng 9 nên dòng họ anh sẽ đón Tết sớm hơn các dân tộc khác vào khoảng đầu tháng 12. Páo bảo, anh cũng đã mời vài nhà báo đã viết về anh, từ đó mà dư luận chú ý đến anh để anh có được cơ hội trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Trước khi chia tay, Pó còn khoe với tôi rằng, với sự nỗi lực anh đã mua được chiếc xe máy mới để Tết này chở vợ con đi chơi. Và sang năm mới, anh sẽ dùng chiếc xe này làm phương tiện đi buôn bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Qua cuộc trò chuyện với Pó, tôi cảm nhận được rằng, Tết đang đến rất gần, len lỏi vào bếp lửa của từng gia đình đồng bào nơi rẻo cao này.

Theo Gia đình&Xã hội

 


Ý kiến của bạn