Những cái khó của y tế xã, phường

16-02-2013 14:18 | Tin nóng y tế
google news

Trong những chức năng của trạm y tế (TYT) xã, phường thì triển khai các chương trình mục tiêu y tế là rất quan trọng. Hiện, mỗi trạm được giao đến hơn 20 chương trình, trong đó 12 chương trình y tế quốc gia quan trọng bắt buộc phải thực hiện đủ, như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh,

Trong những chức năng của trạm y tế (TYT) xã, phường thì triển khai các chương trình mục tiêu y tế là rất quan trọng. Hiện, mỗi trạm được giao đến hơn 20 chương trình, trong đó 12 chương trình y tế quốc gia quan trọng bắt buộc phải thực hiện đủ, như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Người ít, việc nhiều

“Thời gian dành cho những chương trình y tế trên đã chiếm tới 70% thời gian hoạt động của trạm. Vì thế, những việc khác thường phải dồn lại hoặc cũng cố gắng làm nhưng hiệu quả không được như mong muốn” - BS. Phạm Đình Khiết, Trưởng TYT xã Phú Lợi (huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết. Còn BS. Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng TYT xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) than thở: “Việc nhiều, người ít... nên quá tải là điều đương nhiên. Bởi, hiện trạm chỉ có 8 cán bộ vừa đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh, vừa làm công tác dự phòng với 24 chương trình y tế... Xuân Tây lại là xã đông dân, 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân sống rải rác nên việc phòng bệnh trên địa bàn luôn gặp khó khăn”.

Những cái khó của y tế xã, phường 1
Thăm khám cho bệnh nhân tại trạm y tế xã tỉnh Hà Giang.       Ảnh: Trần Minh.

Bên cạnh công tác triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ trọng tâm khác của y tế xã, phường là truyền thông giáo dục sức khỏe với nội dung tập trung vào công tác phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, kế hoạch hóa gia đình, những nội dung về chính sách liên quan tới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân... “Với khối lượng công việc khá lớn này, cần phải có một đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) y tế đủ về số lượng, rành về chuyên môn, đặc biệt đòi hỏi sự tích cực, yêu nghề và gắn bó với địa bàn mới có thể đảm trách nổi” - BS. Ngọc cho biết thêm.

Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý

Anh Nguyễn Văn Xe, CTV y tế xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Tôi là một trong 6 CTV của xã. Địa bàn rộng nên mỗi CTV phải phụ trách đến hơn 300 hộ dân. Dù mỗi tháng chỉ được nhận phụ cấp khoảng 80 ngàn đồng, nhưng tôi phải đến từng nhà dân để tuyên truyền, nhắc nhở người bệnh dùng thuốc đúng liều, ghi nhận phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, báo cáo kịp thời với TYT những hiện tượng bệnh lý sớm xảy ra trong dân... Công việc này gần như chiếm đến 20 ngày/tháng. Riêng vào đợt chiến dịch phòng chống dịch bệnh thì tôi được nhận phụ cấp thêm 20 ngàn đồng/ngày”. Nhiệt tình, tích cực, hiểu chuyên môn, am tường địa bàn, gắn bó với người dân, có kỹ năng truyền thông và giao tiếp tốt với người dân... đó là những yếu tố đòi hỏi phải có ở một cán bộ y tế xã, ấp. Nhưng chính sách hỗ trợ cho những cán bộ, CTV này lại quá thấp, khiến họ dù muốn gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng thù lao nhận được không đủ trang trải cuộc sống nên không ít người thiếu gắn bó lâu dài với công tác. Còn số người gắn bó dài lâu thì vẫn đang âm thầm “gồng” mình vượt qua khó khăn để tiếp tục với nghề.

Hiện, một số địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã linh động tạo điều kiện cho các CTV y tế ấp kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, như: CTV dân số, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ... để có thêm thu nhập, giảm phần nào áp lực kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp này  lại gia tăng khối lượng và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính là giám sát dịch bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà con trên địa bàn. Về lâu dài, rất cần có những chính sách quan tâm phù hợp để cán bộ y tế xã, phường thực sự phát huy hiệu quả và gắn bó với nghề.

Phương Liễu



Ý kiến của bạn