Từ miền Bắc
Tháng 2/2018, Khoa Hồi sức Tích cực, BV. Bạch Mai (Hà Nội) từng tiếp nhận 3 bệnh nhân cấp cứu do sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn trị đái tháo đường. Kết quả xét nghiệm thuốc của bệnh nhân sử dụng trước đó, các chuyên gia phát hiện chứa phenformin - hoạt chất đã bị thế giới cấm sử dụng từ năm 1978 bởi chất này có thể gây chết người.
Trường hợp đầu tiên là một người đàn ông 57 tuổi, ở Lạng Sơn có tiền sử bị đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân không điều trị Tây y mà tự ý mua thuốc Đông y để uống vì nghe quảng cáo thuốc này giúp kiểm soát đường huyết tốt với giá chỉ 50.000 đồng/gói, có thể dùng cả tháng. Thời gian đầu thuốc tỏ ra hiệu quả, tuy nhiên, khoảng vài tháng sau đó, người bệnh có dấu hiệu viêm phổi, sốc nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng nhưng bác sĩ không xác định rõ nguyên nhân. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tử vong, lúc này gia đình mới cho biết bệnh nhân đã sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn.
Bệnh nhân thứ hai cũng là nam giới, 66 tuổi nhà ở Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường hơn 10 năm kèm tăng huyết áp, mỡ máu. Ngoài dùng thuốc của bác sĩ kê, bệnh nhân này vẫn tự ý uống thêm Tiểu đường hoàn.
Tháng 2/2019, bệnh nhân nữ (63 tuổi, ở Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội) cũng đã tử vong liên quan đến Tiểu đường hoàn. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường cách đây 3 năm nhưng không điều trị bằng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc “Tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên. Trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân vào viện điều trị.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức Tích cực, BV. Bạch Mai trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng. Dù đã được điều trị tích cực bằng máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục, bệnh nhân vẫn đã không thể qua khỏi.
Nhận định về cả 3 trường hợp, các bác sĩ xác định nguyên nhân tử vong có liên quan đến loại thuốc Tiểu đường hoàn có chứa thành phần chất cấm phenformin.
Đến miền Nam
Bệnh nhân Đỗ Thị S. (67 tuổi, Quận 12, TP.HCM) được đưa đến BV. Thống Nhất (TP.HCM) ngày 16/10/2019 trong tình trạng lơ mơ ngủ gà, đau bụng, tiêu phân lỏng nhiều. Bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng, huyết áp tụt (60/40), đo đường huyết tại phòng cấp cứu thời điểm đó rất cao không xác định được, vượt ngưỡng của cả thiết bị đo. Ngoài đái tháo đường, bệnh nhân này còn kèm theo suy thận. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị đái tháo đường đã 10 năm. Thời gian gần đây, bệnh nhân sử dụng hai loại thuốc Đông y với nhãn mác toàn chữ Hoa, trong đó, một loại chứa sulfamid hạ đường huyết và một loại khác không rõ thành phần. Sau nhiều ngày thở máy tích cực, lọc máu do suy hô hấp và điều trị toan chuyển hóa nặng nhưng không tiến triển, bệnh nhân được người nhà xin về lo hậu sự.
Ngoài trường hợp tử vong, chỉ 2 ngày trước đó cũng tại BV. Thống Nhất, cụ bà 60 tuổi cũng đã suýt chết vì tự mua thuốc trị đái tháo đường. Bệnh nhân nhà ở quận Tân Bình, phát hiện đái tháo đường vào tháng 10/2018, nhưng không đi khám bệnh mà nghe theo lời khuyên mách bảo sử dụng loại thuốc tễ Tiểu đường hoàn.
Thời gian đầu bệnh nhân thấy huyết áp ổn định, tuy nhiên, tình trạng đau lưng, đau khớp bắt đầu xuất hiện. Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp, các bác sĩ BV. Thống Nhất đã chuyển người bệnh đến khoa Nội Cơ Xương Khớp để điều trị, song diễn tiến mỗi lúc một nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng với pH < 6,8, dần rơi vào hôn mê; nên bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức Tích cực. Phải mất 48 giờ điều trị nội khoa, bổ sung chất kiềm Natri Carbonate, bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch.
ThS.BS.CKII. Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc BV. Thống Nhất cho biết, ngoài hai trường hợp cấp cứu nói trên, từ đầu năm đến nay, BV. Thống Nhất cũng đã tiếp nhận gần 10 trường hợp tự uống thuốc trị đái tháo đường nhập viện; phần lớn các loại thuốc này có chứa một thành phần cấm, phenformin.
Phenformin là gì?
ThS.BS.CKII. Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc BV. Thống Nhất thông tin, phenformin ban đầu được dùng để điều trị đái tháo đường nhưng sau đó đã bị Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng vào những thập niên 1970; sau đó đến thập niên 1980, bị toàn thế giới cấm sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân, đây là một loại thuốc có thể gây ra nhiều biến chứng đối với bệnh nhân đái tháo đường, cao gấp 100 lần so với thuốc metformin hiện được sử dụng.
BS.CKI. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV. ĐH Y Dược TP.HCM, người từng điều trị cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng do tự dùng thuốc, xác nhận “thảo dược” bệnh nhân dùng đã được phân tích thành phần chuyên sâu. Kết quả cho thấy, đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là phenformin vốn bị cấm lưu hành quốc tế sau khi có ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm axít lactic khi dùng thuốc này.
Theo BS. Hậu, tình trạng nhiễm toan axít lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu, trị huyết áp cao hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm. “Việc điều trị bằng thuốc phenformin dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc” - bác sĩ Hậu nhận định.
Cẩn trọng với “thuốc tễ”, “thảo dược” trị đái tháo đường
“Không thể phủ nhận, một số thảo mộc dân gian nếu được sử dụng đúng cách sẽ giúp ổn định đường huyết cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, tồn tại một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại Đông dược không rõ nguồn gốc để điều trị đái tháo đường, khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn”, BS.CKI. Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV. ĐH Y Dược TP.HCM nói.
Báo cáo từ Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi Phản ứng có hại của thuốc, tình trạng các chế phẩm Đông dược giả với những thành phần không rõ ràng vẫn được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Nguy cơ liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc điều trị đái tháo đường có trộn thêm phenformin là rất lớn, gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường do không rõ liều lượng, thành phần và việc sử dụng không được giám sát. Việc tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm các thuốc Đông y có trên thị trường là cần thiết để hạn chế vấn nạn trên.
Ngoài ra, những biện pháp tuyên truyền cho cộng đồng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh có mong muốn sử dụng thuốc Đông y để điều trị đái tháo đường cần được tư vấn bởi những người có chuyên môn về y dược học cổ truyền thay vì tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các bác sĩ cũng cần nhận thức rõ về vấn đề này để khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân và phát hiện sớm các trường hợp gặp phản ứng với phenformin
Tại Việt Nam, đã có báo cáo về việc phenformin vẫn được trộn vào một số chế phẩm thuốc y học cổ truyền để điều trị đái tháo đường. Các bệnh nhân này sau đó đều được chẩn đoán toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/đái tháo đường type 2. Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền - Bộ Y tế cũng đã có công văn 554/YDCT-QLD về việc thu hồi với chế phẩm “Viên thuốc màu xám” dựa trên kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thử dương tính với phenformin.