Hà Nội

Những cái chết đau xót bởi ma túy đá

19-09-2018 13:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vụ 7 thanh niên tử vong ngay sau đêm nhạc ở Hồ Tây, Hà Nội ngày 16/9 vừa qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ cần tránh xa ma túy, bởi nó không chỉ làm người sử dụng bị nghiện, lệ thuộc vào nó, tàn phá sức khỏe trước mắt và lâu dài, mà nó còn cướp đi mạng sống một cách chóng vánh.

Cụ thể ngay trong đêm nhạc ở Hồ Tây đã xuất hiện nhiều trường hợp bị ngất, sau đó một thanh niên đã tử vong ngay trên đường đưa tới bệnh viện, các thanh niên còn lại mặc dù đã được hồi sức tích cực cũng không qua khỏi. Cả 7 thanh niên này đều dương tính với ma túy.

Ma túy đá (dịch từ tiếng Anh ICE) gồm Meth-Amphetamin và MDMA (Ecstasy). Cả hai chất này đều là dẫn xuất của amphetamin và đều có tác dụng kích thần kinh rất mạnh. Xét tổng thể thì MDMA gây ảo giác và hoang tưởng (loạn thần) mạnh hơn nhiều so với Meth-Amphetamin.

Sau khi uống, ma túy đá nhanh chóng được hấp thu và đạt nồng độ đỉnh trong máu sau 3 - 6 giờ. Ma túy đá được chuyển hóa trong vòng 10-24 giờ. Chất này cũng được hấp thu dễ dàng qua đường hút và hít. Sau khi hấp thu, ma túy đá được phân bố ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Do ma túy đá dễ tan trong mỡ nên chúng dễ dàng đi qua hàng rào máu não và qua nhau thai.

Ma túy đá kích thích hệ thần kinh trung ương, tác động trên các chất dẫn truyền thần kinh, làm tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, tăng huyết áp, giảm cảm giác ngon miệng, tăng chú ý, tăng cảm xúc, tăng sự tỉnh táo, tăng đường huyết, giãn phế quản, làm mất cảm giác mệt mỏi...

Một nạn nhân được cấp cứu tại hiện trường trong lễ hội âm nhạc điện tử tại công viên nước Hồ Tây.

Một nạn nhân được cấp cứu tại hiện trường trong lễ hội âm nhạc điện tử tại công viên nước Hồ Tây.

Tác động của ma túy đá

Trên cơ thể: Tác động của ma túy đá trên cơ thể bao gồm chán ăn, tăng hoạt động, giãn đồng tử, đỏ mặt, mất thư giãn, khô miệng, đau đầu, đánh trống ngực, thở nhanh, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp, tăng thân nhiệt, tiểu nhiều, tiêu chảy hoặc táo bón, hoa mắt, chóng mặt, rung giật nhãn cầu, mất ngủ, tê, đổ mồ hôi, loạn nhịp tim, run, khô da, trứng cá, tái mặt. Nếu dùng ma túy đá liều cao hoặc dùng kéo dài có thể gây co giật, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tử vong.

Trên tâm thần: Tác động trên tâm thần của ma túy đá bao gồm khoan khoái, giảm lo âu, tăng ham muốn tình dục, giảm cảm giác, tăng tập trung, tăng năng lượng, tăng tự tin, tăng hòa nhập xã hội, dễ kích thích, kích động, rối loạn dạng cơ thể, kích động tâm thần vận động, tự cao, cho rằng có quyền lực vô biên, hành vi lặp đi lặp lại và hành vi ám ảnh, đa nghi. Dùng liều cao hoặc kéo dài gây ra loạn thần như hoang tưởng và ảo giác.

Tác động lâu dài: Sử dụng liều cao, kéo dài ma túy đá gây tăng nguy cơ bị trầm cảm loạn thần, lo âu, hành vi bạo lực và tự sát, cũng như bị các bệnh tim, mạch nặng.

Ma túy đá có khả năng gây nghiện rất cao. Chất này còn gây độc với hệ thần kinh trung ương, tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson. Lạm dụng ma túy đá gây nhiễm độc thần kinh và được coi là nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ, giảm chú ý và giảm các chức năng khác. Hơn 20% số người nghiện ma túy đá sẽ có các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác giống với tâm thần phân liệt. Các triệu chứng này sẽ tồn tại ít nhất 6 tháng sau khi người nghiện đã ngừng sử dụng ma túy đá và thường khó điều trị.

Ngộ độc thần cấp do ma túy đá

Hưng phấn quá mức về ngôn ngữ, vận động. Người bị ngộ độc có thể hò hét, nhảy nhót suốt đêm không ngừng mà không biết mệt mỏi.

Tăng thân nhiệt. Bệnh nhân có thân nhiết rất cao (40-410C), tăng thân nhiệt là do tăng chuyển hóa và do hoạt động quá nhiều gây tích nhiệt.

Co giật kiểu động kinh. Bệnh nhân có cơn co giật toàn thân, xuất hiện đột ngột, kéo dài vài phút rồi kết thúc (hoặc chết). Cơn co giật là hậu quả trực tiếp của ma túy đá trên não, hậu quả của tăng thân nhiệt và tổn thương gan, phổi gây rối loạn chuyển hóa.

Phù phổi cấp. Bệnh nhân hoảng hốt, sợ hãi, khó thở, trào bọt màu hồng ra miệng và dễ dàng tử vong. Nguyên nhân của phù phổi cấp là do ma túy đá gây tổn thương các mao mạch ở phế nang, phổi, khiến dịch trong máu tràn vào các phế nang làm bệnh nhân chết ngạt (chết đuối cạn).

Tổn thương não, gan, tim, thận. Bệnh nhân bị tổn thương ở nhiều cơ quan (suy đa tạng). Tình trạng này có thể phải đòi hỏi được siêu lọc để cứu sống bệnh nhân. Các tổn thương này bền vững nhiều tháng đến vài năm. Sự hồi phục các tổn thương ở não là rất chậm.

Về điều trị

Điều trị cấp cứu: Ngay sau khi phát hiện ra người ngộ độc ma túy đá, cần chuyển ngay đến khoa hồi sức, cấp cứu của bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được theo dõi và duy trì các chức năng sống như nhịp tim, huyết áp, hô hấp, tiết niệu. Các trường hợp nặng, bệnh nhân cần được thở máy, truyền dịch và lợi tiểu để tăng đào thải ma túy đá qua nước tiểu.

Nếu sử dụng vitamin C liều 5-10g tiêm tĩnh mạch cho người sử dụng ma túy đá sẽ làm giảm độc tính của ma túy đá. Hơn nữa, vitamin C làm giảm pH của nước tiểu, khiến thời gian bán hủy của ma túy đá giảm đi, qua đó làm giảm thời gian tác dụng của ma túy đá.

Các bệnh nhân kích động (do rối loạn hành vi, hoang tưởng, ảo giác) cần phải cố định tại giường và cho thuốc an thần và thuốc bình thần.

Nhìn chung, sau 24 giờ, bệnh nhân sẽ qua khỏi trạng thái nguy kịch của ngộ độc ma túy đá.

Điều trị củng cố: Hiện nay, chưa có thuốc đối kháng ma túy đá để điều trị củng cố, vì thế tỷ lệ tái nghiện ma túy đá là rất cao.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn