Những chấn thương thường gặp trong cuộc sống
Trong cuộc sống năng động và hiện đại ngày nay, việc xảy ra các chấn thương phần mềm không phải hiếm gặp. Thậm chí, bạn có thể bất ngờ trẹo chân khi bước đi vội vã trên đôi giày cao gót, đau cổ tay khi cố cứu một pha bóng trong lúc chơi tennis hay bầm dập cẳng chân trong lúc chơi bóng đá với bạn bè.
Vậy chấn thương phần mềm bao gồm những gì? Đây là thuật ngữ dùng để diễn tả chung cho các loại tổn thương ở cơ, gân, dây chằng và phần da, mỡ, bao khớp cũng như tổ chức liên kết khác do những sang chấn khi chơi thể thao, tai nạn giao thông hay những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày.
Biểu hiện phổ biến của chấn thương phần mềm là sưng, đau trong tư thế bình thường và khi vận động. Mức độ sưng và đau phụ thuộc vào vị trí tổn thương. Một biểu hiện khá phổ biến nữa là hạn chế vận động. Tùy thuộc mức độ và vị trí tổn thương, các chấn thương này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các chấn thương nặng có thể khiến người bệnh phải ngồi một chỗ, hạn chế vận động và không thể tham gia các hoạt động được.
Căng cơ là một trong những chấn thương thường gặp trong cuộc sống, nhất là những người tập luyện thể dục, thể thao (Ảnh minh họa)
Trong chấn thương phần mềm, bong gân và căng cơ là hai tình trạng thường gặp nhất, do tình trạng xoắn, kéo giãn hoặc co (cơ) đột ngột hay quá mức. Cụ thể, bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một động tác quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gãy xương. Những khớp xương thường bị bong gân là cổ chân, đầu gối, cổ tay... Còn căng cơ là tình trạng các cơ căng giãn vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ, thường gặp nhất là cổ tay, cổ chân, thắt lưng, cổ, cơ bụng chân và cơ đùi.
Khi bị bong gân, triệu chứng có thể là đau, tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó khớp tê dại không còn đau nữa, khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại.
Đối với căng cơ, ngoài các cơn đau còn gây ra co thắt cơ bắp, từ đó dẫn đến hiện tượng chuột rút. Cơ bị yếu đi dẫn tới khả năng vận động bị hạn chế, các vết bầm tím cũng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc một vài ngày sau mới xuất hiện.
Những dấu hiệu sau chấn thương cần gặp bác sĩ ngay
Đa phần các chấn thương phần mềm là nhẹ, nhưng nếu không xử trí đúng có thể sẽ khiến chấn thương nặng thêm hoặc tình trạng đau kéo dài, thậm chí phải nhờ đến sự giúp đỡ của thầy thuốc.
Điển hình như khi bị bong gân, căng cơ nhiều người có thói quen dùng một số biện pháp dân gian như xoa dầu nóng, bóp rượu ngâm, đắp thuốc lá vào vùng bị sưng, đau. Song không biết rằng, những phương pháp này đều chưa được kiểm chứng, có thể để lại hậu quả khôn lường như kéo dài triệu chứng bệnh, teo cơ, cứng khớp hoặc mất chức năng của khớp. Thậm chí, bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau mạn tính.
Khi chấn thương làm hạn chế vận động, đau nhiều hoặc kéo dài, không cải thiện dù đã được xử lý đúng cách thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra (Ảnh minh họa)
TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khuyến cáo: “Nếu bị chấn thương lần nữa vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó, cảm thấy lỏng khớp, hoặc đau nhiều ở vùng bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hoặc đi lại được, không thể đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.
Với những trường hợp chấn thương nhẹ chỉ cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách, đồng thời nghỉ ngơi từ 5-7 ngày có thể vận động, tập luyện bình thường trở lại. Song nếu sau 48-72 giờ sau khi đã được xử lý đúng các phương pháp mà vẫn không thuyên giảm nghĩa là vết thương thuộc loại vừa hoặc nặng, người bệnh có dấu hiệu bị sốt và vùng bị thương sưng, đau, tấy đỏ thì đây cũng là những dấu hiệu cảnh báo cần đến bệnh viện để kiểm tra”.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh hướng dẫn xử lý những chấn thương nhẹ tại nhà
Trong những ca chấn thương rất nhẹ, người bệnh vẫn có thể tiếp tục tham gia các hoạt động hàng ngày và chăm sóc tại nhà. Việc chăm sóc chấn thương phần mềm đúng cách sẽ giúp làm giảm sự khó chịu, đau đớn, giảm thiểu sưng đau, đồng thời giữ cho các khớp nối ổn định.
Theo BS Nam Anh, nguyên tắc cấp cứu ban đầu khi chấn thương phần mềm được viết tắt bằng từ RICE (tiếng Anh có nghĩa là gạo - cho dễ nhớ), đó là viết tắt của Rest, Ice, Compression và Elevation. Đây là nguyên tắc xử trí hết sức ngắn gọn và dễ nhớ cho tất cả mọi người.
Rest - nghỉ ngơi: Đây là việc đầu tiên phải làm khi gặp chấn thương. Nếu đang chơi thể thao, hãy ngừng ngay lập tức, việc này giúp ngăn ngừa tổn thương thêm. Nếu có thể, hãy bất động phần chi thể bị tổn thương như treo tay, đặt nẹp chân…
Ice - làm lạnh vùng tổn thương: Việc cần làm ngay là chườm đá, điều này sẽ làm giảm lưu lượng máu tới mô chấn thương, giúp giảm sưng nề, giảm đau tạm thời. Lưu ý là không nên đặt đá trực tiếp lên da, mà nên bọc nó trong một mảnh vải và đặt lên chỗ bị sưng khoảng 20 phút, lặp lại sau mỗi 2-3 tiếng.
Compression - băng ép: Việc băng ép giúp hỗ trợ việc chườm lạnh, tăng tính năng cầm máu, giảm sưng phù. Dùng băng thun (co dãn tốt) quấn nhẹ từ dưới lên trên từ 15-20 cm bên dưới, băng phủ qua vết thương và băng lên trên vùng bị thương cũng 15-20 cm. Nên nhớ không băng quá chặt, nếu thấy căng tức tại vùng tổn thương sau băng ép hãy tháo băng và quấn lại lỏng hơn.
Elevation - gác cao: Khi nghỉ ngơi ở tư thế nằm, bệnh nhân cần được kê chân, tay (bị chấn thương) lên gối cao hơn khoảng 10-15 cm so với mặt phẳng tim. Khi kê cao, máu ở vùng chi bị thương trở về tim dễ dàng hơn, giúp giảm phù nề.
RICE là biện pháp sơ cấp cứu trong các chấn thương như bong gân, rách cơ… Biện pháp này giúp giảm đau, giảm sưng và bảo vệ cho mô bị sang chấn. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, trong trường hợp cần thiết người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, đây là một trong những nhóm thuốc tương đối lành tính, ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất. Điều quan trọng là cần dùng thuốc đúng và đủ hàm lượng, liều dùng để đạt hiệu quả tối ưu, đảm bảo độ an toàn.
Cách tính liều dùng ở người lớn tương tự như trẻ em, 10-15mg paracetamol mỗi kg cân nặng. Chẳng hạn, với trường cân nặng phổ biến của người Việt ở cả hai giới hiện nay từ 43-65kg, liều dùng hữu hiệu và phù hợp là 650mg paracetamol. Nhưng cần lưu ý, paracetamol chỉ có tác dụng sau khi uống từ 30 phút và tác dụng tối đa từ 3 đến 4 giờ. Vì vậy, liều lượng thuốc nên sử dụng cách nhau ít nhất 4 giờ và không uống quá 4g một ngày.
Mặt khác, BS Nam Anh nhấn mạnh, khi bị chấn thương tuyệt đối không được kéo nắn bừa bãi, dễ dẫn đến giãn, rách thêm gân, cơ, dây chằng, thậm chí gây trật khớp, làm bệnh nhân rất đau nhức. Đồng thời, cần tránh xoa bóp bằng các loại rượu thuốc, dầu nóng, chườm nóng. Trong 72 giờ đầu, không nên vận động vì điều này sẽ làm tổn thương tiến triển nặng hơn.
Để ngăn chặn các chấn thương mô mềm, cần khởi động và làm nóng cơ thể trước khi vào hoạt động thể dục, thể thao cũng rất quan trọng giúp bảo vệ các khớp nối và dây chằng. Ngoài ra, có thể sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như mũ bảo hiểm, bao bảo vệ cổ tay, đầu gối…