Trước vạch đèn đỏ, du khách ngạc nhiên và thú vị khi nghe thấy tiếng loa phát thanh tuyên truyền về trật tự ATGT. Đây là cách tuyên truyền rất hiệu quả của TP. Đà Nẵng cần được nhân rộng. Nhờ nhiều cách làm sáng tạo và thái độ văn minh của CSGT mà tình hình tai nạn giao thông của thành phố này so với cùng kỳ năm 2013 giảm trên 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương...
Trong những năm gần đây, cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, sự “bùng nổ” của các phương tiện tham gia giao thông (xe ôtô, môtô, xe gắn máy, xe đạp điện...) ngày một tăng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công trình giao thông đường bộ đáp ứng không kịp cho tất cả phương tiện và người tham gia giao thông, vì vậy tất cả các phương tiện này, đa phần cùng đi trên một con đường chưa được phân làn đường theo loại phương tiện, cộng với ý thức của người tham gia giao thông không cao, nên xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, mất mát người và của, hệ lụy của những vụ tai nạn giao thông là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Tuyên truyền ATGT tại các tuyến đường nhằm nâng cao ý thức cho người dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các hệ thống chính trị, tổ chức xã hội vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT. Đặc biệt Ban ATGT TP. Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ và quyết liệt, nhằm thay đổi nhận thức để hạn chế tai nạn giao thông.
“Tôi thấy Đà Nẵng có cách tuyên tuyền ATGT rất hiệu quả và quyết liệt, các tỉnh khác nên nhân rộng” - đó là lời nhận xét của một du khách là cán bộ trong ngành Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Quả thực, qua tìm hiểu và đi thực tế, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ.
Trên những ngã ba, ngã tư, điểm giao nhau trên các con đường đều lắp đặt loa tự động phát thanh tuyên truyền ATGT vào những giờ cao điểm. Chúng tôi hỏi một người tham gia giao thông đang dừng trước vạch đèn đỏ: “Anh có nghe thấy tiếng phát thanh gì không?”. Anh này cho biết, hàng ngày anh đi làm và đưa đón con đi học, thường nghe tiếng loa phát tin tuyên tuyền ATGT vào giờ cao điểm, nên anh đã ý thức được khi tham gia giao thông và còn hiểu được, nhớ được các quy tắc khi tham gia giao thông, xử phạt hành chính quy định về trật tự ATGT đường bộ.
Qua quá trình khảo sát thực tế trên các con đường trung tâm và ngoại thành, chúng tôi thấy các băng-rôn, phướn, pa-nô, áp-phích khẩu hiệu tuyên truyền ATGT, chúng tôi hỏi một tốp học sinh Trường PTTH Phan Châu Trinh, các cháu có biết băng rôn treo trên đường kia là gì không? Cả ba cháu đồng loạt nói là băng rôn tuyên truyền ATGT chú ạ, một cháu gái khác nói, nhờ những băng rôn ATGT đó mà chúng cháu không đi hàng 3 và đi bộ sang đường đúng nơi quy định đấy chú ạ.
Trung tá Bùi Hoài, Phó Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Kim Liên, Đà Nẵng thuộc Cục CSGT đường bộ cho biết: Thực hiện chức năng nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT trên địa bàn, trạm còn phối hợp các ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể tuyên truyền ATGT bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền và hướng dẫn lái xe an toàn cho các hãng taxi, trường học, đoàn thanh niên, các tổ chức khác... treo băng-rôn, phướn, áp-phích trên các tuyến đường, nhắc nhở tuyên truyền đối với các xe vi phạm trật tự ATGT. Mỗi một chiến sĩ CSGT như một tuyên truyền viên trên mặt trận tuyên truyền ATGT.
Lại nhớ tới những câu chuyện mà các thành viên của diễn đàn ôtô lớn của Việt Nam kể lại gây “xôn xao” dư luận hồi đầu năm, là việc ôtô tỉnh khác khi vào TP. Đà Nẵng do lái xe không thuộc đường đã đi vào đường cấm. CSGT yêu cầu dừng xe nhưng không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố. Và một thành viên khác kể câu chuyện tương tự khi đi nhầm lên cầu cấm ôtô, được anh giao thông công chính nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Thế mới biết, cách làm hay còn cần cả người làm “hay” mới phát huy được hiệu quả mạnh.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc - Hồng Quảng